Giáo dục phải vì học sinh, vì sự đổi mới!

Thứ ba, 22/08/2017 07:25

* Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT tặng cờ “Đơn vị đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua: Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018 do Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến sáng 21-8 tại các điểm cầu.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Trần Văn Miên trao Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT cho ngành GD-ĐT Đà Nẵng. 

3 nhóm vấn đề đáng lưu tâm 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh và yêu cầu đại biểu cần tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, giải pháp cho 3 nhóm vấn đề: Quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Trong đó, các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp gắn với điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM). Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường SP, trong đó các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trường trung tâm, các trường khác sẽ chuyển hoạt động trở thành phân hiệu hoặc vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên cho địa phương. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả CTGDPTM, trong đó tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ theo lộ trình triển khai CTGDPTM. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các trường ĐH. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng GD, các cơ sở GD và chương trình đào tạo, đề ra các giải pháp quyết liệt để hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả, thiết  thực hơn.

Giãn thời gian triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (?!)

  Phần lớn đại biểu đều kiến nghị nên giãn thời gian việc triển khai CTGDPTM để các địa phương có thời gian đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Theo đại diện lãnh đạo GD-ĐT tỉnh Nghệ An, Bộ GD-ĐT nên xem xét lại lộ trình triển khai CTGDPTM, bởi nhiều địa phương còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa. Do yếu tố về mặt lịch sử, nên một số giáo viên chưa thể đáp ứng kịp với yêu cầu đổi mới, cần phải có thời gian để bồi dưỡng. Đồng thời việc giãn thời gian triển khai sẽ giúp cho các điều kiện để đầu tư cơ sở vật chất, việc triển khai sẽ hiệu quả hơn.

Đồng quan điểm này, đại diện tỉnh TT- Huế cũng đề nghị lùi thời gian sang năm học 2019-2020. Bổ sung thêm ý kiến này, đại diện lãnh đạo ngành GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cho rằng, đối với việc triển khai CTGDPTM cần phải đồng bộ. Vì vậy, cần giải quyết từng phần một, nếu tổ chức triển khai đồng loạt một lần là rất khó. Trong quá trình triển khai, cần lắng nghe ý kiến từ dư luận nhưng ngành GD-ĐT phải có quan điểm, chính kiến trên cơ sở đóng góp của các nhà khoa học, không thể cứ “theo đuôi”, chạy theo dư luận hoài là không được. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia, có sự điều chỉnh về mặt kỹ thuật.

Học sinh Đà Nẵng trong ngày khai giảng năm học 2016-2017.

Bức xúc về chất lượng đào tạo giáo viên

GS.TS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng trường ĐH SP Hà Nội, cho rằng: Câu chuyện thừa thiếu cục bộ giáo viên gây bức xúc trong dư luận thời gian qua là có thực, bởi có quá nhiều trường đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, khi công bố các số liệu cần có cứ liệu đáng tin cậy để không gây hoang mang trong xã hội. Thực tế, đầu vào SP thấp chỉ xảy ra ở các trường CĐ SP và các trường ĐH địa phương mà thôi; các trường SP truyền thống vẫn giữ vững được đầu vào khá cao. Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, trong công tác tuyển sinh, có thể có một số trường địa phương do sự tồn tại của mình đã cố tuyển sinh bằng mọi giá dẫn đến chất lượng đầu vào thấp. Điều này là hệ lụy của việc thiếu kiểm soát các cơ sở đào tạo SP, việc xác định chỉ tiêu chưa thực hiện một cách rốt ráo. Chất lượng đào tạo ở các trường SP có sự chênh lệch dẫn đến lo lắng của xã hội về chất lượng đào tạo...

Những tác động trên đã ảnh hưởng đến tâm tư, khiến người học giỏi không mặn mà với ngành SP. Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, nghề dạy học không chỉ đòi hỏi giỏi về chuyên môn mà phải có sự tận tâm... Việc sớm quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo SP theo hướng để phát triển như trường đầu tàu, phân hiệu, các cơ sở vệ tinh là vô cùng cần thiết. GS.TS Nguyễn Văn Minh cũng đề nghị cần sớm kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo SP, công khai tình trạng SV tốt nghiệp có việc làm, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng cho phép HS có quyền đăng ký để theo học, trường nào có điều kiện tốt thì có sự ưu tiên. Cần sớm cải tiến phương án cung cấp tài chính, đào tạo theo chương trình ứng với chỉ tiêu đặt hàng, bởi vì các trường SP Nhà nước đầu tư thì có quyền đặt hàng. Tránh tình trạng đầu tư trên đầu SV như hiện nay. Ngoài các chế độ đãi ngộ về học phí, học bổng, việc cam kết có việc làm cho người học là cơ sở để Nhà nước đặt hàng. Đặc biệt, đây là thời điểm mà các trường SP cần tự cải tổ và phải quyết liệt thay đổi trong nội tại của mình.

Liên quan đến câu chuyện thừa thiếu giáo viên cục bộ ở từng nơi, đặc biệt là GV mầm non và tiểu học, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trách nhiệm này là của Bộ GD-ĐT và của từng địa phương. Theo đó, cần chủ động trong việc rà soát, nắm được tình hình, dự báo nguồn nhân lực. “Hãy khoan nói đến chế độ đãi ngộ, nếu như giải quyết được vấn đề người học ngành SP ra trường có việc làm thì ngành SP vẫn sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều so với các ngành khác. Thực trạng nhiều SV ra trường “chạy” việc rất khó. Rất nhiều cháu phải mai phục xin việc”, Phó Thủ tướng trăn trở. 

 Giáo dục phải vì học sinh chứ không vì người lớn!

Trên cơ sở đánh giá, ghi nhận và trân trọng những tiến bộ toàn ngành đã đạt được trong năm học vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu ra 5 bất cập cần phải nhanh chóng khắc phục đó là: Quản lý Nhà nước, quản trị ĐH, quản trị trong các trường phổ thông, mầm non còn nhiều bất cập. Còn rất nhiều quy định cứng nhắc, có tính đồng loạt, cầm tay chỉ việc và không còn phù hợp cần được bãi bỏ. Tự chủ ĐH phải tự chủ đúng nghĩa. Các trường tự tháo gỡ cho chính mình. 

Đối với đổi mới chương trình và SGK, Phó Thủ tướng cho rằng, không thể viện lý do vì cơ sở vật chất, đội ngũ  giáo viên mà lùi thời gian. Việc này đã được Quốc hội thông qua. Điều còn lại là các sở, các địa phương phải nắm lại tình hình trình cho UBND, trình cho HĐND các việc làm cần thiết về cơ sở, về giáo viên, biên chế giáo viên bây giờ đều thuộc tỉnh. Phải làm với tinh thần khẩn trương nhưng phải đảm bảo chất lượng. Phó Thủ tướng cũng cho rằng phải chuyển biến tinh thần đổi mới cho toàn bộ đội ngũ giáo viên, để họ có thời gian xác định lại phải tự đổi mới; phải đổi mới thì giáo dục mới đi lên được.

P.THỦY (ghi)