Giáo dục song ngữ, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 17/01/2014 13:09

(Cadn.com.vn) - Nhằm giúp trẻ em vùng dân tộc thiểu số vượt qua rào cản về ngôn ngữ, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cùng Bộ GD-ĐT đã hợp tác triển khai thực hiện Chương trình giáo dục song ngữ tại 3 tỉnh: Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh với các ngôn ngữ của dân tộc Mông, Gia Rai và Khơ-me. Chương trình nhằm giúp trẻ em dân tộc thiểu số khi bắt đầu đi học sẽ được tiếp cận với tiếng Việt thông qua tiếng mẹ đẻ. Từ lớp 5 trở lên, các em có thể thông thạo cả hai thứ tiếng ở mức có thể tự tin học bằng tiếng Việt.

Chương trình này được thực hiện đến cuối năm 2015, kết quả sẽ là tiền đề để xây dựng một chính sách về giáo dục song ngữ phù hợp và bền vững kèm theo những hướng dẫn thực tế để có thể nhân rộng ở nhiều địa phương. Chia sẻ thông tin về kế hoạch hợp tác, hỗ trợ chương trình giáo dục song ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số, bà Lotta Sylwander, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: Hiện nay, UNICEF đang thực hiện Chương trình giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ, trong đó nhấn mạnh rằng trẻ em dân tộc thiểu số sẽ học tốt hơn nếu bắt đầu bằng tiếng mẹ đẻ. Ngay từ bậc mầm non, trẻ em ba nhóm dân tộc thiểu số Mông, Gia Rai và Khơ-me được học bằng tiếng mẹ đẻ và học kiến thức cơ bản. Sau đó, ở cấp tiểu học, các em tiếp tục được học bằng tiếng mẹ đẻ qua các cô giáo cùng dân tộc với mình. Khi lên lớp 3, tiếng Việt bắt đầu được đưa vào như một ngôn ngữ giảng dạy và tiếp tục duy trì ở lớp 4 và lớp 5. Đến lớp 5, học sinh đã thực sự thành thạo cả hai ngôn ngữ, đạt chuẩn của chương trình quốc gia và có thể nghe hiểu hoàn toàn khi đọc, nói và viết bằng tiếng mẹ đẻ cũng như bằng tiếng Việt.

Hồng Điệp