Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Vì vây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị thời gian tới các cấp, các ngành chú trọng công tác quán triệt, tuyên truyền, thực hiện tốt Nghị quyết số 29, Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29; các chương trình của Thành ủy, như: Chương trình số 35 về triển khai Nghị quyết số 29 và Chương trình 45 năm 2020 thực hiện Chuyên đề “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố”. Quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong toàn hệ thống chính trị, toàn ngành giáo dục đào tạo và các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của đổi mới giáo dục và đào tạo bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt; tuyên truyền những thành tựu đạt được, kịp thời phát hiện và tổ chức tuyên dương các tập thể, cá nhân triển khai thực hiện tốt; tuyên truyền nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng lưu ý cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện và giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc trong xã hội như dạy thêm sai quy định, lạm thu, bệnh thành tích, chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Thực hiện tốt công tác xây dựng xã hội học tập; tuyên truyền, vận động và tổ chức tốt việc học tập suốt đời cho nhân dân, phấn đấu mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập theo Đề án “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030” của UBND TP. Ban cán sự Đảng UBND TP tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư từ ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa; đầu tư xây dựng phòng học đáp ứng yêu cầu học tập của các cấp học; đề xuất các giải pháp cụ thể để phát triển các trường học tại khu vực trung tâm TP; tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục; nâng cao năng lực quản lý của cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong dạy và học; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra giúp duy trì kỷ cương, nề nếp, sự ổn định trong giáo dục, đồng thời phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục…
Báo cáo đánh giá tại Hội nghị cho thấy, 10 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các trường học tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 29. TP đã rất quan tâm hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; công tác quản lý giáo dục, đào tạo có nhiều đổi mới và bảo đảm dân chủ, thống nhất. Trong khi đó, ngành giáo dục và đào tạo đã đẩy mạnh phân cấp tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; thường xuyên coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; phương pháp, hình thức thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo đã có nhiều đổi mới và bảo đảm tính trung thực, khách quan. Đà Nẵng cũng có nhiều chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của xã hội; quan tâm đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ có chất lượng và được ứng dụng trong thực tiễn. Nhờ đó, đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ nhà giáo đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thực hiện Nghị quyết số 29, TP Đà Nẵng ban hành nhiều chương trình, chính sách, cơ chế nhân văn trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nổi bật là việc thực hiện Chương trình không có học sinh bỏ học; Đề án sữa học đường, thí điểm giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập; hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông… TP cũng quan tâm, chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, 100% giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đạt trình độ chuẩn. Các trường đại học tư thục có 2.109 giảng viên, trong đó, có 471 giảng viên có trình độ tiến sĩ; các trường đại học công lập có 1.604 giảng viên, trong đó có 862 là tiến sĩ. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của Đà Nẵng cơ bản duy trì ổn định, đa số trên 95%; 100% xã, phường, quận, huyện duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi; huy động 100% trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi ra lớp; 100% xã, phường, quận, huyện duy trì và giữ vững kết quả PCGD TH đúng độ tuổi, PCGD THCS và PCGD THPT...
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tuyên dương 14 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 29.
Công Hạnh