Giáo sư Nguyễn Tài Thu: Tôi nặng ân tình với Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Nhân dịp Giáo sư, TS, AHLĐ Nguyễn Tài Thu – Phó Chủ tịch Hội châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội châm cứu Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam mở lớp đào tạo châm cứu cho hơn 60 bác sĩ, y sĩ, y tá... tại Đà Nẵng, chúng tôi đã có dịp gặp và trò chuyện về chuyện nghề nghiệp và cuộc đời với người được mệnh danh là "thần kim” trong y học.
P.V: Thưa Giáo sư, vì sao ông chọn Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của khu vực miền Trung - Tây Nguyên để mở lớp đào tạo châm cứu trong chương trình “7 năm nghiên cứu khoa học, phát triển và giảng dạy châm cứu” của mình?
GS Nguyễn Tài Thu: Hồi đất nước mới giải phóng tôi cũng đã mở lớp và đào tạo được một số thầy thuốc châm cứu tại Đà Nẵng. Đến nay, trong số học trò của tôi nhiều người đã trở thành Thạc sĩ của ngành và công tác tại Viện Y học cổ truyền TP Đà Nẵng. Song, theo tôi, Đà Nẵng là một trong những địa phương phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh để lại nặng nề, trong đó, số lượng trẻ em bị tàn tật, bị các di chứng chiến tranh, là nạn nhân chất độc da cam khá nhiều. Vì thế, tạo cơ hội chữa trị cho các cháu là điều rất cần thiết.
Hơn nữa, tôi cũng nhận được sự nhiệt tình ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo thành phố, cụ thể là đồng chí Nguyễn Bá Thanh–nguyên Bí thư Thành ủy trong việc thành lập Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật TP Đà Nẵng. Vì thế tôi rất cảm kích sự nhiệt tình ấy vì bản thân tôi là Chủ tịch Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam. Với đặc điểm riêng của Hội là cứu trợ chứ không phải bảo trợ, vì thế tôi nhận thấy trách nhiệm của mình là cần phải cứu chữa cho các cháu, chứ không chỉ dừng lại ở việc mua quà, bánh...Tôi sẽ trực tiếp châm cứu cho các cháu trong thời gian này nhưng sau khi khóa học kết thúc tôi trở về Hà Nội thì các thầy thuốc được tôi đào tạo sẽ vẫn tiếp tục công việc này cho đến khi có kết quả.
Giáo sư Nguyễn Tài Thu (đứng thứ 2, bên phải) cùng các học trò, đồng nghiệp tại Đà Nẵng. |
P.V: Trở lại Đà Nẵng lần này, ông có ấn tượng gì về thành phố?
GS Nguyễn Tài Thu: Con người và ân tình của Đà Nẵng đối với tôi rất sâu đậm, có lẽ vì thế mà người Đà Nẵng đón tôi cũng nồng nhiệt, chu đáo. Từ máy bay bước xuống, tôi đã được hàng chục người ra đón, có những người là học trò cũ, là bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện ở TP Đà Nẵng, có những người làm công tác từ thiện, đại diện các nhà chùa...
Tôi cảm nhận được tấm lòng của người Đà Nẵng dành cho mình như đã thân thiết từ rất lâu. Để đáp lại sự thân tình đó, tôi cũng không có gì hơn là trực tiếp khám và chữa bệnh cho các bệnh nhân. Dù trong đợt này, chỉ giới hạn chữa bệnh cho trẻ em tàn tật: câm điếc, thị lực kém, liệt, động kinh, rối loạn đại tiểu tiện... nhưng có nhiều bệnh nhân là người già hoặc không thuộc các đối tượng trên tìm đến, tôi vẫn khám và chữa cho họ.
P.V: Xin giáo sư cho biết phương pháp "Tân châm" mà ông đang đào tạo và phổ biến trong chương trình “7 năm nghiên cứu khoa học, phát triển và giảng dạy châm cứu” có gì khác so với phương pháp châm cứu truyền thống?
GS Nguyễn Tài Thu: Việt Nam là một trong 5 nước có ngành châm cứu phát triển nhất thế giới, trong đó phương pháp châm cứu "Tân châm" là phương pháp riêng có ở Việt Nam. Phương pháp này là đúc kết của quá trình làm nghề châm cứu được tôi phát hiện và chọn lọc. Nếu phương pháp truyền thống chỉ dùng bằng một loại kim ngắn thì phương pháp "tân châm" phải sử dụng nhiều loại kim có chiều dài khác nhau tùy theo độ tuổi, bệnh... Hiện nay, loại kim dài nhất để châm cứu là 90cm.
Ngoài ra, phương pháp "Tân châm" còn khác phương pháp truyền thống ở điểm dùng kim châm đồng thời kết hợp với máy điện châm vừa mang lại hiệu quả cao lại ít gây đau đớn cho người bệnh. Châm cứu bằng phương pháp "tân châm" có thể uống được các loại thuốc bổ trong khi phương pháp cũ không được dùng thuốc...Bằng phương pháp này, tôi đã đi khắp thế giới từ Châu Âu qua Châu Á chữa khỏi bệnh cho nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Nhiều cháu nhỏ bị các tật câm điếc, bại liệt, thị lực kém tại Hà Nội và TPHCM đã được tôi chữa khỏi hoàn toàn.
P.V: Được mệnh danh là người "Có bàn tay vàng" trong nghề châm cứu, ông có mong muốn gì đối với ngành y học dân tộc khi đã ở độ tuổi 93?
GS Nguyễn Tài Thu: Từ nay đến những năm cuối đời tôi sẽ đi tới các địa phương trong cả nước để trực tiếp giảng dạy châm cứu, truyền nghề cho những ai mong muốn và theo đuổi công việc này. Mới đây, tôi đã đào tạo được một lớp với 135 học viên tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, sau đó các lớp học châm cứu cũng được mở tại các tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, Long An.
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của miền Trung, nhưng tôi mong sẽ được tiếp tục quay lại đây và dạy các khóa tiếp theo. Tôi cũng tin rằng ngành Châm cứu Việt Nam sẽ phát triển không ngừng, thế hệ sau cũng sẽ có những người tài giỏi, phát triển nghề châm cứu của nước nhà ngày càng đạt được nhiều kết quả tốt hơn.
P.V: Xin cảm ơn Giáo sư, kính chúc Giáo sư có nhiều sức khỏe để đóng góp và truyền đạt nhiều hơn nữa kinh nghiệm nghề nghiệp của mình cho các thế hệ sau.
Hà Giang
(thực hiện)