Giáo viên đi học "vỡ lòng" tiếng Cơ Tu

Thứ bảy, 02/04/2016 11:22

(Cadn.com.vn) - Có hơn 20 năm tham gia giảng dạy rồi làm công tác quản lý trường học tại các địa bàn xã biên giới H. Tây Giang (Quảng Nam), thầy giáo Trương Ơn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBTTH) Ga Ry (xã biên giới Ga Ry, Tây Giang) vẫn lặn lội đi học tiếng Cơ Tu - thứ tiếng mà học sinh bản địa sử dụng hằng ngày. Nhiều người tếu táo gọi cán bộ, giáo viên đi học tiếng Cơ Tu như đi học "vỡ lòng" hay đi học "tiếng học sinh".

Sau khi hoàn thành khóa học tiếng Cơ Tu, cán bộ, giáo viên không những tự tin giao tiếp với phụ huynh, học sinh, mà có thể giảng dạy bằng tiếng Cơ Tu và tiếng Việt. "Sau khi được học tiếng Cơ Tu, giáo viên có thể lồng ghép giảng dạy bằng tiếng nói của đồng bào giúp học sinh hiểu rõ hơn nội dung bài học, còn giáo viên dễ dàng trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, cũng như các hoạt động, vận động học sinh ra lớp", thầy Trương Ơn - Hiệu trưởng Trường  PTDTBTTH Ga Ry, chia sẻ.

Còn thầy Văn Quý Trường - GV Trường PTDTBTTH Ga Ry bày tỏ: "Là một GV đã có hơn 7 năm công tác ở địa bàn miền núi, hằng ngày giảng dạy học sinh đồng bào dân tộc chưa biết tiếng Kinh nhiều, bản thân lại chưa am hiểu tiếng dân tộc bản địa nên hoạt động dạy học gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi được trải qua khóa học tiếng Cơ Tu, tôi cũng như nhiều GV trẻ trong trường có thể tự tin giao tiếp và đứng lớp giảng dạy".

Giáo viên tự tin đứng lớp sau khi tham gia khóa học tiếng dân tộc bản địa.

Nhiều cán bộ, giáo viên đang công tác tại huyện miền núi Tây Giang đều nhìn nhận việc học bồi dưỡng tiếng Cơ Tu đã giúp họ cởi bỏ được rào cản ngôn ngữ - nỗi lo lắng của mỗi một giáo viên vùng đồng bằng khi lên vùng đồng bào dân tộc dạy học.

Tuy nhiên, để có thể nói, nghe và hiểu được tiếng Cơ Tu thì phải trải qua một quá trình học tập hết sức vất vả. Thầy Phạm Hoàng Vỹ  cho biết: Việc học tiếng Cơ Tu như đi học ngoại ngữ vậy, có khi khó hơn. Tuy nhiên, quá trình học tập có nhiều thuận lợi là do trong công việc giảng dạy trên lớp hằng ngày trò chuyện với học sinh, gặp gỡ người dân địa phương nên đã biết được ít nhiều.  

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD-ĐT H. Tây Giang, mỗi khóa học được tổ chức kéo dài trong 3 tháng. Chương trình khóa học cung cấp những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ tiếng Cơ Tu và văn hóa, tập tục của người dân. Trong đó, nội dung giảng dạy cơ bản nhất là hướng dẫn các học viên nắm bắt được cách viết, đọc và phát âm tiếng Cơ Tu. Để hỗ trợ việc tiếp thu bài học một cách hiệu quả, lớp học còn lồng ghép đưa các nội dung về một số phong tục, tập quán của đồng bào Cơ Tu vào từng bài học.

Chủ trương dạy tiếng Cơ Tu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được UBND H. Tây Giang triển khai từ tháng 9-2015. Đến nay, UBND H. Tây Giang đã mở được 2 lớp học tiếng Cơ Tu cho hơn 200 học viên là cán bộ, giáo viên người Kinh đang công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện.  Nói về hiệu quả của lớp học, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Sau khi hoàn thành khóa học, hầu hết GV đều nắm được những kiến thức cơ bản về tiếng Cơ Tu và có thể giao tiếp được với học sinh, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giảng dạy cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì những kết quả tích cực đó nên trong thời gian tới, phòng GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu với UBND H. Tây Giang tổ chức các lớp dạy tiếng Cơ Tu, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Khải Minh