Giáo viên phải là “người truyền lửa”...
(Cadn.com.vn) - Đó là một trong những ý mà GS-TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT- phát biểu tại Hội thảo khoa học cán bộ trẻ các trường ĐHSP toàn quốc được tổ chức cuối tháng 4-2013 vừa qua. Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, sư phạm là ngành đào tạo ra những người thầy- những nhà mô phạm tương lai, những nhà giáo truyền đạt kiến thức cho thế hệ tiếp theo. GS-TSKH Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “GV trong thời đại ngày nay nhất thiết không phải là con robot biết nói mà là những kỹ sư tâm hồn có kỹ năng tư duy sáng tạo, biến những bài giảng tưởng chừng khô khan thành những luận đề hấp dẫn để thu hút HS; là những người biết truyền lửa đam mê khám phá khoa học cho HS, nuôi dưỡng ước mơ thành công dân tài năng và trí tuệ...”.
Từ xưa đến nay, nhắc đến vai trò của người thầy, cụm từ gắn liền theo đó luôn là “người truyền lửa”, “những kỹ sư tâm hồn”. Có rất nhiều thế hệ HS vì ảnh hưởng của người thầy mà mơ ước lớn lên được trở thành một nhà giáo giỏi, tâm huyết với nghề. Tuy nhiên, hiện có không ít nhà giáo đang dần đánh mất đi nhiệt huyết với nghề do cuốn vào cơn lốc của cuộc sống thực dụng. Kéo theo đó là ngày càng ít những HS ưu tú đăng ký dự thi vào các trường ĐHSP... Trong thời đại khoa học kỹ thuật, CNTT phát triển như vũ bão, đòi hỏi của xã hội buộc nhà giáo ngày nay phải không ngừng tôi luyện, tự hoàn thiện, nâng cao kiến thức tri thức để theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thời đại. Sự đòi hỏi về năng lực, trình độ và phẩm chất mô phạm của nhà giáo là một đòi hỏi hoàn toàn chính đáng.
Theo đó, các trường ĐHSP đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tạo nên những nhà mô phạm đạt chuẩn về chuyên môn, năng lực, phẩm chất đạo đức cũng như kỹ năng truyền đạt kiến thức đến HS. Trách nhiệm của các trường ĐHSP là phải đào tạo ra những “kỹ sư tâm hồn”, “những người biết truyền lửa đến thế hệ HS về lòng đam mê khám phá khoa học, biết cách nuôi dưỡng trong mỗi HS-SV niềm mơ ước trở thành một công dân tài năng, trí tuệ” như lời GS-TSKH Bùi Văn Ga đã nhấn mạnh.
Các đại biểu tham gia tại hội thảo khoa học cán bộ trẻ các trường ĐHSP toàn quốc năm 2013. Ảnh: X.C |
Thí sinh đăng ký dự thi vào Trường Đại học Sư phạm tăng 2.547 hồ sơ ĐÀ NẴNG- Thống kê từ Ban đào tạo ĐHĐN cho biết, trong kỳ thi tuyển sinh năm 2013, có 55.543 TS ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ thuộc ĐHĐN. Trong đó, TS ĐKDT vào khối A là 26.993, A1: 5.689, B: 3.648, C: 2.100, D1:13.346, D2: 3, D3: 67, D4: 8, D6: 86, M: 2.498, V: 1.105. So với năm 2012, số lượng TS ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ thành viên ĐHĐN giảm 2.187 TS. Cụ thể: Trường ĐHBK có 19.200 hồ sơ ĐKDT (khối A: 18.095, V: 1.105), giảm 2.047 TS so với năm 2012. Trường ĐHKT có 11.994 hồ sơ ĐKDT, giảm 4.330 TS so với năm 2012 (A: 5.411; A1: 4.311; D1: 2.236; D2:1; D3: 35). Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum có 300 hồ sơ ĐKDT, giảm 393 TS so với năm 2012 (khối A: 206; A1: 46; B: 6; D1: 40). Trong khi đó, số lượng TS ĐKDT vào trường ĐHSP và ĐH Ngoại ngữ lại tăng mạnh, đặc biệt là ĐHSP. Cụ thể, trường ĐHSP: 16.222 hồ sơ ĐKDT, tăng 2.547 TS (khối A: 3.279; A1: 1.175; B: 3.642; C: 2.100; D1: 3.528; M: 2.498). Trường ĐH Ngoại ngữ: 7.827 hồ sơ ĐKDT, tăng 2.135 TS so với năm 2012 (A1: 157; D1: 7.542; D2: 2; D3:32; D4: 8; D6:86). Đặc biệt, năm 2013 là năm đầu tiên ĐHĐN tổ chức tuyển sinh đợt 3 đối với trường CĐ CNTT và đã có 2.807 TS ĐKDT. P.T |
Muốn đổi mới, cải tiến và nâng cao chất lượng GD-ĐT từ bậc mầm non đến ĐH, trước hết cần phải tập trung đổi mới ở đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy trong các trường ĐHSP, tránh hiện tượng giảng dạy-học “chay”. Do đó, song song công tác giảng dạy, các trường ĐHSP cần chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu khoa học về giáo dục trong đội ngũ giảng viên và SV.
P.Nết