Giáo viên trẻ bám đảo, bám rừng

Thứ hai, 09/03/2015 11:38

(Cadn.com.vn) - Trong hành trình đến với những hải đảo giữa muôn trùng sóng gió hay ở miền biên viễn của Tổ quốc, ở đâu, chúng tôi cũng thấy những người giáo viên trẻ mang trong mình sức trẻ tuổi đôi mươi, niềm khao khát được khẳng định mình, được công hiến cho sự nghiệp giáo dục.

 Cô giáo trẻ Lê Thị Thu Trang không ngại gian khổ ra đảo dạy học.

Cho đảo nhỏ thêm xanh

Vừa nhận bằng tốt nghiệp ngành sư phạm Ngữ văn - Trường ĐH Quảng Nam, cô giáo trẻ Lê Thị Thu Trang (Hội An, Quảng Nam) từ chối một công việc trái ngành được bố mẹ lựa chọn để xin ra đảo Cù Lao Chàm dạy học. Ngày Trang nhận quyết định ra Trường THCS Quang Trung, bố mẹ ra sức ngăn cản, bởi vì trong khi những thanh niên sống trên đảo đang ngày ngày tìm mọi cách để vào được đất liền, hay nhiều sinh viên là con em trên đảo sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng không muốn quay trở lại đảo lập nghiệp. Dù vậy Trang vẫn từ bỏ quyết định.

Ra đảo. Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, xa lạ nhưng dần rồi vẻ đẹp tự nhiên và sự mộc mạc của con người nơi đây đã khiến Trang yêu tự lúc nào. Càng gắn gó với xã đảo nghèo khó này, Trang xem nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Là giáo viên trẻ tuổi, ít năm kinh nghiệm dạy học nhất trường, Trang luôn chủ động trao đổi công việc với các giáo viên trong trường, học tập và học hỏi kinh nghiệm giảng dạy. Trang là một đoàn viên thanh niên năng động, tiên phong. 

 Ngày ngày, sau những giờ lên lớp, Trang lại về căn phòng nhỏ của dãy nhà công vụ cũ kỹ, chuẩn bị bữa ăn rồi lại miệt mài soạn bài cho những tiết học ngày hôm sau. Đối với Trang, những sinh hoạt đời thường thì có thể lặp lại nhưng con đường mà Trang đang lựa chọn thực hiện cũng là tâm nguyện của bao thế hệ giáo viên trên đảo đều ý thức được trọng trách lớn lao của mình khi mà ngành GD&ĐT đang có những bước đổi mới mang tính bước ngoặt. Bởi nói như Trang, muốn nâng cao chất lượng giáo dục vùng hải đảo, ngoài việc người giáo viên phải có tâm với nghề, với học sinh thì cần có năng lực giảng dạy và trình độ chuyên môn.

Dạy học giữa đảo xa thiếu thốn trăm bề nhưng Trang cũng như những người giáo viên Trường THCS Quang Trung vẫn âm thầm với công việc cao cả của mình, và mong muốn cái chữ sẽ đến được với những học sinh sống trên đảo, để bù đắp phần nào sự thiệt thòi, chắp cánh ước mơ cho các em bay vào đời.

Lớp học của cô giáo Huỳnh Thị Thanh nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn.

Ươm mầm xanh núi rừng

Bỏ lại đằng sau phố xá tấp nập, đông vui, cô giáo trẻ Huỳnh Thị Thanh (quê ở xã Hành Minh, H. Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) tự nguyện gắn bó với con em đồng bào dân tộc Cor, Ca Dong, Hre..., ngày ngày tận tụy, tâm huyết với nghề "gieo chữ" giữa đại ngàn Trường Sơn.

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học - Trường ĐH Phạm Văn Đồng năm 2013 và biết có chủ trương tuyển giáo viên Tiểu học lên công tác tại huyện miền núi Tây Trà, Thanh làm đơn xin công tác. Thanh kể, lúc đầu gia đình không ai ủng hộ, bạn bè nhiều người can ngăn và ái ngại vì lo thân con gái một mình lên miền rừng núi heo hút. Song Thanh không nản chí, vẫn quyết tâm đi, với ý nghĩ những nơi khó khăn, xa xôi như thế thì mới cần đến tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ.

Mặc dù đã lường trước những vất vả, nhưng khi bắt đầu đối mặt với thực tế, Thanh không khỏi ngỡ ngàng. Rừng núi hoang vu, ít người và điều kiện sống lại vô cùng thiếu thốn, nhưng với tâm huyết và lòng yêu nghề đã giúp Thanh nhanh chóng hòa nhập với nếp sống của bà con, hoàn cảnh của học sinh thôn bản và môi trường công việc.

Hôm Thanh đến trường nhận lớp, lớp học được dựng tạm bợ, bên trong không có một thứ gì, kể cả đồ dùng dạy học, ngoài những bộ bàn nghế xập xệ và một chiếc bảng viết, còn học trò là những đứa trẻ lem luốc, chân trần tới lớp. 3 năm gắn bó với giáo dục miền núi Quảng Ngãi cũng là chừng đó năm cô giáo trẻ sống trong căn nhà tạm bợ được làm bằng tranh tre, nứa lá ngay cạnh trường.

Thầy Phạm Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT H. Tây Trà, cho biết, năm 2013 cùng đợt tuyển dụng giáo viên với cô giáo Huỳnh Thị Thanh có nhiều giáo viên trẻ khác, tuy nhiên, khi lên nhận công tác đã có đến 9 người không nhận quyết định vì thấy rừng núi hoang vu, còn cuộc sống bà con đồng bào dân tộc quá nghèo khổ. "Cô giáo Thanh là một trong số ít giáo viên tuyển dụng đợt đó bám trụ lại cho đến nay và tham gia giảng dạy tại các điểm trường tạm bợ, khó khăn nhất huyện miền núi Tây Trà", thầy Sơn nói.

 Căn nhà tạm bợ nơi cô giáo Thanh sống, phụ trách điểm trường tiểu học Trà Na - Trường TH&THCS số 2 Trà Phong.

"Nhiều khi bạn học cùng khóa bảo do em còn yếu chuyên môn nên phải lên miền núi dạy học. Đó cũng là thực tế chung của nhiều giáo viên trẻ mới ra trường hiện nay. Tuy nhiên, em nghĩ nếu mình dạy tốt ở miền núi, đối tượng là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số thì không lý do gì lại không dạy tốt ở một trường học có điều kiện thuận lợi hơn, nhất là ở vùng đồng bằng, thành thị. Không chỉ vậy, bản thân em muốn luyện rèn bản thân mình trong khó khăn, gian khổ, giúp mình sớm trưởng thành hơn nên tình nguyện xin lên đây công tác", Thanh chia sẻ về nghề.

Hành trình gieo chữ trên đảo, giữa đại ngàn rừng núi vẫn còn dài, đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình cảm, trách nhiệm với quê hương, đất nước, bởi trong sâu thẳm trái tim mỗi người cô giáo tình nguyện đến với những miền đất nghèo khó công tác thì mái trường là nhà, rừng núi - biển đảo là quê hương.

Đại Khải