Giếng nước vua ban
(Cadn.com.vn) - Năm 1802, Gia Long lên ngôi trị vì, ông tiến hành chuyến công du dọc bờ biển miền Trung. Trong chuyến đi đó, ông đã cùng đoàn tùy tùng vượt hơn 18 hải lý ra đảo Cù lao Ré (nay là huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi). Để lưu lại dấu tích, ông cho đào một giếng nước và đặt tên
2 vạn dân 1 giếng nước
Bất kể nắng mưa, ngày ngày, hàng trăm lượt người dân huyện đảo vẫn đến giếng Gia Long (nằm ranh giới giữa 2 xã An Vĩnh và An Hải) lấy nước ngọt sinh hoạt. Với huyện đảo tứ bề là biển như Lý Sơn, nơi mà nhà nhà đều quý nước như mạng sống thì cái giếng nước ngọt đối với họ quý giá vô cùng... Ông Lê Văn Vương, một lão làng (ở thôn Đông, An Hải), bày tỏ: “Lạ thật, tất cả các giếng dù gần hay xa bờ biển đều nhiễm mặn, duy chỉ có giếng đó là không... Thấy được sự vất vả khi hơn 2 vạn dân nhưng chỉ có một giếng nước ngọt, chính quyền địa phương đã nhiều lần cho thử mạch nước cạnh bên nhưng cũng bị nhiễm mặn...”.
Những bước đi như chậm lại khi đoạn đường đến giếng trở nên gồ ghề. Nhìn đoàn người nối dài đi lấy nước, tôi hiểu vì sao để có được can nước 30 lít dùng đủ trong ngày, họ phải vất vả xếp hàng chờ đợi hàng giờ đồng hồ như vậy. Từng can nhựa được đặt cạnh giếng, gần 10 người chụm tròn quanh thành bắt đầu công việc trong sự chậm rãi. Thả chiếc thùng múc xuống đáy một cách nhẹ nhàng, đợi hơn phút, hàng chục đôi tay chậm rãi kéo thùng lên đổ vào can cẩn thận không để những giọt nước đổ ra ngoài, vì đó là những giọt nước quý giá.
Cứ thế, lần lượt những can nước cũng được đổ đầy và được chuyển đi cho người khác thế vào. Ông Trần Văn Tuấn (ở thôn Đông, An Vĩnh) cho biết: “Không phải lúc nào cũng có nguồn nước trong để múc, có những thùng nước trong veo nhưng cũng có thùng đầy cặn bùn. Nước này chỉ dùng để uống, mọi sinh hoạt như nấu nướng, tắm giặt đều dùng nguồn nước nhiễm mặn... Nhiều khi vì tranh giành nên múc vội, cuối cùng nhận cả can nước đầy cặn đất nhưng cũng phải đem về lọc bụi dùng chứ lấy đâu ra. Rỗi thì đến xếp hàng chờ múc, còn bận việc thì bỏ tiền thuê người chở. Nếu lúc đó vua Gia Long cho đào thêm vài giếng nữa thì tốt biết mấy!”.
Không màng đến lượng nước ngọt dồi dào vì đó là điều không tưởng của người dân quê đảo. Với họ, ước mơ lớn nhất là nguồn nước nơi giếng Gia Long không bị nhiễm mặn để hằng ngày có được nước ngọt dùng. “Chú biết đó, ở đây nước có vị mặn như vậy thì uống sao được, chỉ có việc dùng sinh hoạt bình thường thôi. Chúng tôi quen rồi nên thấy không sao chứ nhiều người từ xa đến, tắm phải nước nhiễm mặn nên người ngứa ngáy và khó chịu lắm. Mong sao nguồn nước ngọt còn sót lại cuối cùng đừng nhiễm mặn...” - ông Nguyễn Văn Vinh vừa nói vừa chỉ tay về giếng nước.
![]() |
Người phu nước và giếng Gia Long. |
Những người bán ngọc vua ban
Căn bệnh thần kinh ập đến lúc còn trai trẻ đã làm đôi mắt và đôi chân ông Mai Văn Thu (ở thôn Đông, An Vĩnh) không được như người bình thường. Vậy nhưng, hằng đêm ông vẫn cùng chiếc xe đạp đã hoen ố rỉ sắt lần mò trong bóng tối để đến giếng nước ngọt múc từng can nước về bán kiếm tiền trang trải cuộc sống... Với ông, khi mọi cảnh vật chìm sâu trong mộng, chỉ còn lại những tiếng va đập của sóng biển liên hồi là lúc ông bắt đầu công việc... Chờ đợi mạch nước chảy ra, múc đổ vào can là điệp khúc lặp đi lặp lại mà ông phải làm từ giữa đêm khuya cho đến tận sáng. Ông tâm sự: “Mình phải đi nửa đêm vì lúc đó chẳng còn ai để chen lấn nữa, có chăng chỉ vài người cùng hành nghề với mình thôi. Nhờ nguồn nước ngọt từ giếng Gia Long mà gia đình tôi đã khá lên nhiều và đã trả được số tiền vay chữa bệnh cho tôi lúc trước. Nhờ vua Gia Long mà người dân đảo có nguồn nước ngọt để uống và tôi có nghề để mỗi ngày kiếm được gần 100.000 đồng...”.
Không riêng gì ông Thu, biết được nhu cầu cần nước nhưng không có thời gian chờ múc của nhiều gia đình, một số người từ bỏ nghề nông và chạy xe thồ chuyển sang nghề bán nước giếng. Từ đó họ đã ăn nên làm ra và thoát khỏi cảnh túng quẫn hằng ngày, có chút ít tiền dư nuôi con học hành... Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi chứng kiến chiếc xe đạp đã hoen ố như đống sắt vụn có thể mang trên mình 5 can nước nặng trĩu. Ông Thu cho biết thêm: “Đây là chiếc xe đã gắn bó với tôi và công việc hơn 5 năm qua. Những “đồng nghiệp” biết đi xe máy nên chở rất nhanh, ngày đêm cũng được 20-25 can. Mình không biết đi xe máy thì mỗi ngày cọc cạch cùng chiếc xe đạp này chỉ hơn chục can là nhiều. Thấy mình phải hùng hục đẩy xe vượt dốc rồi len lỏi vào từng con hẻm để giao nước, nhiều người thương trả cho 6.000 đồng/can chứ thường thì 5.000 đồng thôi”.
Đặt can nước vừa mua vào góc nhà, chị Lê Thị Tuyền (ở thôn Tây, An Vĩnh) nhẹ nhàng rót vào ấm nhôm để pha trà tiếp khách. “Chỉ nấu cho sôi khi có khách lạ vì sợ họ uống không quen chứ chúng tôi thì cho vào phích nhựa để đó khi nào khát thì uống. Có được can nước ngọt dùng trong ngày là quý rồi. Đâu phải lúc nào bỏ tiền ra cũng có được can nước, nhiều người mua nhưng nguồn nước ra chậm nên những người phu nước phải chờ chực mới múc được đầy can” - chị Tuyền tâm sự.
Với nơi khác, nước ngọt là chuyện bình thường như vốn dĩ nó phải có trong cuộc sống từ xưa nay, nhưng với người dân trên đảo Lý Sơn này, giếng nước ngọt duy nhất ấy còn quý hơn cả vàng bạc, vậy nên người ta mới ví rằng, đó là giếng ngọc vua ban.
Lê Hùng