Gieo chữ miền biên giới
(Cadn.com.vn) - "Muốn "gieo chữ" ở chốn "sơn cùng thủy tận" này, những thầy, cô giáo phải có một nghị lực phi thường, họ phải xem học trò như chính con cái của mình. Đối với các em, để kiếm được "con chữ" là cả một chặng đường chông gai, vất vả, hành trang của các em đơn giản chỉ là một ít gạo, muối trắng... và đôi dép rách, mòn đế vượt suối, băng rừng" - thầy Phạm Hồng Thắng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT & THCS Nậm Cắn H. Kỳ Sơn (Nghệ An) tâm sự.
Học bài bằng ánh đèn pin leo lét. |
Chênh vênh những túp lều trọ
Mùa này, xã Nậm Cắn (H.Kỳ Sơn) chìm trong giá lạnh và sương mù, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Đồng bào nơi đây chủ yếu là người H'Mông và người Khơ Mú sống trải dài ở các bản Noọng Dẻ, Khánh Thành, Trường Sơn, Tiền Tiêu, Pà Ca, Huồi Pốc... (cách trường từ 6 ki-lô-mét đến 25 km đường rừng núi) nên để đến được trường các em học sinh phải đi bộ cả ngày trời, vượt qua hàng chục ki-lô-mét đường rừng, nhiều khe suối hung dữ.
Vì không đủ nhà ở nội trú nên phụ huynh đã cùng thầy cô giáo dựng những căn lều tạm bợ bên lưng chừng núi để các em trọ học. Mỗi túp lều rộng chừng 10 đến 20m2 là nơi ở của 10 đến 15 học sinh. Buổi tối các em phải dùng đèn pin chiếu sáng để học bài...
Trường PTDTBT TH&THCS Phà Đánh nằm cách trung tâm TT Mường Xén (Kỳ Sơn) hơn 10 km đường rừng cũng có hơn 200 em phải sống trong điều kiện tương tự. Trong số 17 trường PTDTBT tại huyện biên giới Kỳ Sơn thì có tới 175 phòng ở tạm bợ, dột nát. Điều kiện học tập vô cùng thiếu thốn dù đã được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương.
Các thầy cô giáo phải phân công nhau đến lều trọ của các em để dạy phụ đạo. |
Bữa cơm với muối trắng...
Những ngày chúng tôi có mặt tại huyện biên giới Kỳ Sơn cũng là những ngày đồng bào các dân tộc thiểu số bước vào mùa giáp hạt. Vì thế bữa ăn hàng ngày của các em học sinh các trường dân tộc nội trú H. Kỳ Sơn chỉ có cơm, muối trắng, canh rau rừng và thi thoảng mới có một ít thịt.
Chứng kiến bữa ăn của các em học sinh, chúng tôi không khỏi xót lòng. Trong gian lều chật chội, tối tăm, bàn học trở thành bàn ăn hoặc các em trải chiếu ngồi ngoài sân. Một nồi cơm trắng to, thức ăn là muối trắng, ớt cay, một nồi canh rau rừng lõng bõng nước và chút thịt ít ỏi... Để khắc phục khó khăn, nhiều trường học nội trú ở huyện miền núi Kỳ Sơn tích cực vận động thầy cô giáo cùng học sinh ngoài giờ học trồng rau, củ, quả ở những bãi đất trống quanh trường để cải thiện phần nào bữa ăn cho các em.
Những lúc nghỉ các em còn tranh thủ đi kiếm rau dại, măng rừng... về cải thiện bữa ăn hoặc kiếm ít củi đốt, sưởi ấm mỗi đêm trong cái giá rét miền sơn cước. Nhìn những đứa trẻ quần áo nhem nhuốc, đôi bàn chân chai sạn, gùi trên vai gầy những gánh củi nặng mà không khỏi xót xa...
Cô Kha Thị Hoài-Phó Hiệu trưởng Trường PTCS&DTBT Tà Cạ cho hay: "Để kiếm được "con chữ" với các em là cả một chặng đường đầy chông gai, vất vả. Dù tiền hỗ trợ của Nhà nước đã được tăng lên hàng năm. Nhưng số tiền này không đủ đảm bảo dinh dưỡng cho các bữa ăn của học sinh nên hàng tuần mỗi khi được nghỉ học về nhà, các em phải mang gạo, ngô, củi hoặc phải ra suối, lên rừng bắt cá, bắt ốc ăn thêm. Các em người dân tộc thiểu số trong những nơi sâu nhất, xa nhất của xã đến trường để học cái chữ đã là một sự cố gắng lớn rồi...".
Thầy Phạm Hồng Thắng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT & THCS Nậm Cắn tâm sự: "Ở đây bố mẹ các em gần như "khoán trắng" cho các thầy cô giáo. Các thầy cô giáo nơi đây không chỉ dạy cho các em "con chữ", mà còn dạy cho các em những kỹ năng sinh hoạt cá nhân độc lập. Mỗi buổi sáng thức dậy các em được dạy phải đánh răng, xếp chăn màn, quần áo ngăn nắp, sau đó mới ăn sáng rồi đến lớp học bài".
Ngoài giờ học các em phải tự đi kiếm củi, thổi cơm ăn để bám trường, bám lớp. |
Những ngày cuối năm cái rét, cái giá lạnh của mùa đông ở núi rừng này thấu vào da thịt. Ngoài giờ dạy chính trên lớp, mỗi buổi tối giáo viên ở Trường PTDTBT &THCS Nậm Cắn đều phải phân công nhau đến từng túp lều tạm, phòng trọ của các em phụ đạo hàng đêm. Khi có em đau ốm, các thầy cô lại thay nhau chăm sóc, chở đi bệnh viện cách trường hơn 10km rồi thông báo cho phụ huynh học sinh.
Cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám nên nỗi lo nhất của thầy cô là chuyện các em bỏ học để đi làm nương rẫy với cha mẹ. Để hạn chế tối đa tình trạng trẻ em đủ tuổi đến trường không theo học hoặc bỏ học, Phòng Giáo dục H. Kỳ Sơn phải phối hợp với các thầy cô giáo cùng chính quyền địa phương đến từng hộ gia đình để vận động học sinh đến lớp.
Sự nghiệp "trồng người" nơi miền biên giới vẫn còn đó nhiều khó khăn vất vả. Nhưng hằng đêm, dưới ánh sáng mờ ảo của những chiếc đèn pin, những bếp lửa đốt vội, tiếng giảng bài của các thầy cô giáo vẫn vang lên. Trên gương mặt ngây thơ của những đứa trẻ đang chăm chú nghe giảng bài vẫn ánh lên một ước mơ về ngày mai tươi sáng, như đang quên đi cái đói và giá lạnh mùa đông...
Dương Hóa