Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng: Tự hào dòng giống Tiên Rồng!

Thứ bảy, 31/03/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - "Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba"-những câu thơ đó lại vang lên trong lòng mỗi con dân nước Việt. Vào những ngày này, có cả triệu lượt người Việt Nam từ mọi miền Tổ quốc và kiều bào trên thế giới hành hương về với mảnh đất Phong Châu, Phú Thọ, thành kính dâng hương lên Quốc Tổ Hùng Vương. Và hôm nay-mồng 10 tháng ba (ÂL), ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng, là dịp để triệu triệu người Việt Nam thấm nhuần giá trị hội tụ, đoàn kết, đồng thời bày tỏ khát vọng chấn hưng đất nước để dân thêm giàu, nước thêm mạnh...

Nhớ lại cách đây 58 năm, trên đường từ Việt Bắc về Hà Nội tiếp quản Thủ đô sau 9 năm kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân nơi đất Tổ, viếng các Vua Hùng. Tại đây, Người căn dặn bộ đội: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...". Không phải ngẫu nhiên mà vào thời điểm trước khi diễn ra sự kiện trọng đại ngày ấy, Người dừng chân nơi vùng đất linh! Và, thật ý tứ, khi Người đề cao câu chuyện giữ nước!...

Đền Hùng khai hội! Nhìn từ xa đỉnh non thiêng như khoác trên mình tấm áo mới với bảng lảng hương trầm, xen giữa những vạt cây xanh ngút ngàn thâm nghiêm là muôn sắc cờ thần, những gương mặt rạng rỡ của du khách thập phương về khai hội. Sân hành lễ chật kín người bên những hội trại văn hóa của các huyện, thành, thị đưa bản sắc văn hóa truyền thống mỗi địa phương về phục vụ Giỗ Tổ. Năm nay, khách hành hương về đất Tổ đông hơn. Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội đền Hùng năm 2012 chính thức khai hội từ ngày 26 đến 31-3 (tức 5 đến 10-3 âm lịch) tại TP Việt Trì và các xã vùng ven. Trên đường Hùng Vương, nối từ Việt Trì lên Đền Hùng, cờ Tổ quốc, cờ hội, băng-rôn, áp-phích rực rỡ sắc màu dẫn du khách đến khu di tích, với khí thiêng sông núi hội tụ về đỉnh Nghĩa Lĩnh. Từ Đền Hạ lên Đền Thượng, Lăng Vua Hùng khói hương nghi ngút. Hàng vạn con Rồng cháu Tiên thành kính tri ân công đức tổ tiên.

Hòa trong dòng người đông đúc, bà Nguyễn Thị Thu, đến từ Thanh Hóa, chia sẻ: "Bao nhiêu năm mong ước, hôm nay tôi mới có dịp về đất Tổ chiêm bái các Vua Hùng, các bậc tổ tiên có công khai sơn phá thạch. Tôi rất tự hào về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc". Đứng lặng trước bức phù điêu đá khắc họa chân dung Hồ Chủ tịch nói chuyện cùng Đại đoàn quân tiên phong về tiếp quản Thủ đô, ông Tạ Minh Tiến (Hà Nội) tay cầm khăn thấm nước mắt, trầm giọng: "Ông cụ thân sinh ra tôi có mặt trong đoàn quân được gặp Bác, nghe Bác căn dặn những việc cần lưu ý khi về tiếp quản thủ đô. Các cụ đã thành người thiên cổ, nhưng mỗi lần về đây, nhìn bức phù điêu tôi lại như thấy hình bóng cụ trong đoàn quân năm xưa vẫn còn đâu đây"... 

Thi gói bánh chưng tại Lễ hội Đền Hùng. 

Ông Nguyễn Xuân Các - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng- cơ quan Thường trực Ban tổ chức giỗ Tổ, cho biết: "Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi hành hương về Giỗ Tổ, Khu di tích đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch đảm bảo ANTT, VSATTP; phòng chống dịch bệnh và tổ chức các hoạt động lễ hội. Chúng tôi đã tiến hành quy hoạch, sắp xếp, bố trí các địa điểm bán hàng lưu niệm và các hoạt động dịch vụ, bố trí thêm lực lượng hướng dẫn đồng bào về dự lễ hội...".

Lễ hội đình làng Hải Châu 2012 chính thức diễn ra vào ngày 30 và 31-3 (nhằm ngày 9 và 10-3 Âm lịch) với nhiều hoạt động nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, hướng về cội nguồn. Ông Mai Công Nghị-Trưởng phòng Văn hóa Thể thao Q. Hải Châu cho biết: "Năm nay, lễ hội có nhiều nét mới và độc đáo mà các năm trước không có như: thả chim bồ câu, lễ Vọng, lễ Chánh tế... tất cả đều với mục đích ôn lại truyền thống, hướng về cội nguồn".

Tái hiện hình ảnh xã hội xưa trong lễ hội. 

Hà Giang

Theo ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn - 2012:  Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn-2012 do tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức, có sự tham gia của các tỉnh, thành phố Điện Biên, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, đại diện cho các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia tổ chức Giỗ Tổ. Ngoài ra, có một số tỉnh tham gia các hoạt động lễ hội như Hải Dương, Hưng Yên, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, TP Hà Nội... Các nội dung lễ hội năm nay sẽ được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, thành kính, an toàn và tiết kiệm, góp phần giáo dục truyền thống và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần tuyên truyền, tôn vinh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" với 2 phần Lễ và Hội. Phần Lễ: Tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của thành phố Việt Trì (sáng 5-3 năm Nhâm Thìn), Lễ dâng hương Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ (sáng 6-3 năm Nhâm Thìn) và theo truyền thống, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức vào sáng mồng 10-3 (sáng nay-P.V) năm Nhâm Thìn. Phần Hội, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú mở rộng không gian từ Đền Hùng về đến Ngã ba Hạc TP Việt Trì, các huyện Lâm Thao và Phù Ninh được tổ chức gắn với Chương trình "Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam" năm 2012. Tại lễ hội năm nay, các hoạt động tổ chức lễ hội truyền thống sẽ góp phần phục vụ việc xây dựng, củng cố, tuyên truyền và vận động đề cử hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, như việc tổ chức Rước kiệu và tiến dâng lễ vật của cộng đồng nhân dân 6 xã vùng ven khu di tích lịch sử Đền Hùng... Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống, năm nay nhân dịp Hát Xoan vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, Ban Tổ chức tổ chức nhiều điểm hát Xoan do chính các nghệ nhân của các phường Xoan gốc biểu diễn trong các ngày diễn ra lễ hội, phục vụ đồng bào và du khách khi về với đất Tổ, tạo điểm nhấn của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn...

Trống hội rộn ràng. Cờ thần tung bay trong gió. Câu Xoan lay động lòng người. Hương trầm bảng lảng. Đền Hùng hội mở thúc giục muôn triệu con tim Lạc Việt tìm về.  Khắp các trại văn hóa, đâu cũng thấy trống phách rộn ràng, đào nương khăn mỏ quạ, áo thâm uyển chuyển theo từng câu hát quả cách Đón đào, Bỏ bộ, Mó cá... Anh Nguyễn Văn Minh, đến từ Bình Thuận, xúc động: "Hơn nửa đời người, tôi mới được một lần  đến với Đất Tổ, Đền Hùng. Nơi cội nguồn của dân tộc. Đến với xứ sở của "Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt", là nguồn cội của tâm linh người Việt, mới thấy thấm thía câu nói: "Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước. Cả nước hướng về Đền Hùng". Tôi rất phấn khởi và tự hào mình là dòng giống Tiên Rồng"...

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng từ lâu đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ văn hóa, hội tụ tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều thành kính tri ân công đức Tổ tiên các Vua Hùng có công dựng nước. Thông qua giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trở về cội nguồn, về với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, mỗi người dân Việt Nam, dù ở vùng núi, đồng bằng hay miền duyên hải đều cùng chung dòng máu Lạc Hồng, như được tiếp thêm sức mạnh từ nguồn lực hội tụ của muôn dân trăm họ, để mỗi người, mỗi nhà, và cả đất nước thêm động lực mới, nguồn lực mới.

T.S