Giới công nghệ kêu gọi tạm ngừng cuộc đua phát triển AI

Thứ sáu, 31/03/2023 09:21
Tỷ phú công nghệ Elon Musk và nhóm các chuyên gia đã đề nghị tạm dừng cuộc đua phát triển hệ thống trí tuệ minh nhân tạo (AI) ít nhất 6 tháng do những rủi ro nghiêm trọng mà công nghệ này có thể gây ra cho loài người và xã hội.
Biểu tượng GPT-4 của Công ty OpenAI.
Biểu tượng GPT-4 của Công ty OpenAI.

Cuộc đua AI ngày càng nóng

Kể từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, ứng dụng ChatGPT, do công ty khởi nghiệp của Mỹ OpenAI phát triển, đã tạo ra cơn sốt toàn cầu, càn quét thế giới công nghệ. Chỉ sau 2 tháng xuất hiện, ChatGPT đã đạt kỷ lục với 100 triệu người đăng ký, vượt qua hoàn toàn các kỷ lục trước đó của các ứng dụng nổi tiếng như TikTok, Instagram.

Sức hấp dẫn, sự mới mẻ và tính ứng dụng cao từ ChatGPT đã mở ra một cuộc chạy đua AI khi các "gã khổng lồ" công nghệ trên toàn cầu. Dẫn đầu xu thế là OpenAI, Microsoft, Google, trong khi IBM, Amazon, Baidu, Tencent và thậm chí các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng phát triển các công nghệ tương tự.

Hồi tháng 2, Google đã công bố một AI mới của riêng mình có tên là Bard nhằm cạnh tranh với ChatGPT. Ngay lập tức, đầu tháng 3 này, OpenAI đã hé lộ về mô hình AI tiên tiến hơn có tên gọi GPT-4 được quảng bá có thể sáng tác nhạc, tóm tắt các tài liệu dài… Còn tập đoàn Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, vẫn tỏ ra khá thận trọng đối với việc phát triển và đưa vào áp dụng phiên bản kiểu ChatGPT cho các nền tảng mạng xã hội của tập đoàn. Tuy nhiên vào ngày 27-2, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg thông báo tập đoàn này đang tạo ra một nhóm sản phẩm để tìm ra cách "tăng tốc" cho công việc của công ty.

Tại Trung Quốc, tập đoàn Baidu thông báo có kế hoạch ra mắt dịch vụ Ernie Bot giống phong cách của ChatGPT trong tháng 3. Mặc dù, đến nay vẫn còn khá mơ hồ về khả năng của Ernie Bot song một số công ty Trung Quốc đã thông báo ý định tích hợp công nghệ này vào sản phẩm của họ. Các dự án tương tự như Ernie Bot cũng được các "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc như Huawei, Alibaba, Tencent, JD.com và các viện công nghệ hàng đầu Trung Quốc nghiên cứu.

Đe dọa công việc của con người

Sự phát triển của công nghệ AI đã tác động đến thị trường việc làm. Theo Các nhà kinh tế của Goldman Sachs, có tới 300 triệu công việc toàn thời gian trên toàn thế giới có thể được tự động hóa nhờ những công nghệ AI mới nhất. Dẫn một báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia công bố ngày 26-3, CNN đưa tin 18% công việc trên toàn cầu có thể được vi tính hóa và xu hướng này tác động đối với các nền kinh tế tiên tiến sâu rộng hơn so với các thị trường mới nổi. Những người lao động trí óc được cho là đứng trước nhiều rủi ro bị thay thế hơn những người lao động chân tay.

Goldman Sachs ước tính tại Mỹ và châu Âu, khoảng 2/3 công việc hiện tại có thể tự động hóa bằng AI ở một mức độ nào đó và có tới 1/4 tổng số công việc có thể được thực hiện hoàn toàn bởi AI. Các nhà kinh tế nhận định: "Nếu trí tuệ nhân tạo thực sự mang lại những khả năng như đã hứa hẹn, thì thị trường lao động có thể gặp gián đoạn đáng kể".

Một trong những công cụ thành công mới đây dựa trên AI là ChatGPT, với khả năng trả lời thắc mắc và viết luận, viết code và lời bài hát, đã khiến nhiều doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về cách mọi người nên làm việc hàng ngày. Tháng 3 vừa qua, nhà phát triển OpenAI đã tiết lộ phiên bản mới nhất của phần mềm này là GPT-4. Nền tảng đã nhanh chóng gây ấn tượng với những người dùng ban đầu nhờ khả năng đơn giản hóa mã hóa, nhanh chóng tạo một trang web từ một bản phác thảo đơn giản và vượt qua các kỳ thi trong các trường đại học với số điểm cao. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs bày tỏ lo ngại sử dụng công nghệ AI như vậy có thể sẽ dẫn đến thực trạng mất việc làm.

Kiến nghị tạm dừng phát triển AI

Trước những tác động đáng kể của ông nghệ AI, hơn 1.100 nhà nghiên cứu, lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ đã ký tên vào một thư kiến nghị mở, trong đó kêu gọi ngừng đào tạo các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 của công ty OpenAI. Trong số những người ký tên vào thư có nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Tesla và SpaceX Elon Musk, đồng sáng lập Apple Steve Wozniak.

Bức thư có đoạn: "Các hệ thống AI mạnh mẽ chỉ nên được phát triển một khi chúng ta tự tin rằng ảnh hưởng của chúng là tích vực và các rủi có thể được kiểm soát". Các tác giả của bức thư cũng khuyến khích ngừng phát triển AI tiên tiến cho đến khi giao thức an toàn chung được hình thành và họ đồng thời kêu gọi các nhà phát triển phối hợp với các nhà lập pháp về quản lý. Họ cũng chỉ ra rằng, công nghệ phát triển quá nhanh chóng nên được lên kế hoạch và quản lý với nguồn lực và sự lưu tâm tương xứng thay vì cho phép một cuộc chạy đua mất kiểm soát.

"Các hệ thống AI mạnh mẽ chỉ nên được phát triển khi chúng ta tin tưởng rằng tác động của chúng sẽ tích cực, và rủi ro của chúng sẽ có thể kiểm soát được", thư kiến nghị nêu rõ. Các nhà phát triển AI phải làm cho các hệ thống hiện đại ngày nay trở nên chính xác, an toàn, dễ hiểu, minh bạch, mạnh mẽ, phù hợp, đáng tin cậy và trung thành hơn. Nếu những nhà phát triển không thể kiểm soát được, chính phủ phải can thiệp vào, lập ra các cơ quan quản trị và quản lý để ngăn chặn rủi ro.

Giáo sư Gary Marcus tại Đại học New York (Mỹ), người đã ký bức thư, nhận xét: "Bức thư không hoàn hảo, nhưng tinh thần là đúng: chúng ta cần chậm lại cho đến khi hiểu rõ hơn về hệ quả. Những người chơi lớn đang ngày càng trở nên bí mật về những gì họ đang làm, điều này khiến xã hội khó bảo vệ trước bất kỳ tác hại nào có thể xảy ra".

AN BÌNH