Giới thiệu sách: Khúc Tiêu Đồng…
(Cadn.com.vn) - “Khúc Tiêu Đồng” là tên tập hồi ký của Hà Thược, tự Hà Ngại - một vị quan triều Nguyễn quê gốc Quảng Nam do NXB Trẻ vừa ấn hành với độ dày trên 370 trang. Ông sinh năm 1890 ở làng La Khom, xã Điện Quang, H. Điện Bàn. Có lẽ Hà Thược- Hà Ngại là một cái tên khá lạ, ít người biết so với những tên tuổi đã được mặc định ở đất “Ngũ phụng tề phi”, “Tứ hùng, tứ hổ” xứ Quảng. Và có lẽ chính điều này tập sách lôi cuốn những ai muốn tìm hiểu. Đặc biệt hơn tập hồi ký đã được hiệu đính cẩn trọng bởi hai nhà văn được mệnh danh Quảng Nam học (Nguyễn Văn Xuân) và Huế học (Nguyễn Đắc Xuân).
Tác giả sinh trưởng trong gia đình nho giáo, là cháu đời thứ 13 dòng dõi Hà Phước, thuộc tộc Hà ở Quảng Nam. ông nội thi đỗ 3 khoa tú tài, sau đó dự vào công cuộc Cần Vương ở Quảng Nam gọi là Nghĩa Hội đời vua Hàm Nghi. Năm 22 tuổi Hà Ngại đã đỗ cử nhân. Sau đó được bổ làm quan Bố chánh, Tri phủ, Án sát ở nhiều tỉnh. Về Hán học ông đỗ cử nhân khoa Nhâm Tý 1912 tại trường Thừa Thiên. Về Tây học ông tốt nghiệp trường Hậu Bổ ở Huế do người Pháp dạy. “Khi tôi lớn lên, ông tôi đã già. Vì rất yêu mến tôi, nên ông hay kể lại những việc xảy ra vào cái thời bi thảm mà oai hùng đó của lịch sử. Bản ý ông tôi như muốn dùng làm bài học yêu dân, yêu nước cho đứa cháu trai nhỏ”. Điều khá lý thú của hồi ký là ngoài những câu chuyện kể của ông nội là những câu chuyện kể của chính tác giả. Phần nhiều là những câu chuyện về khoa cử, quan trường, tác giả kinh qua nhiều năm, nhiều nơi thời phong kiến triều Nguyễn. Đây có thể coi là một thời vàng son chỉ còn vang bóng.
Ảnh bìa tập hồi ký Khúc Tiêu Đồng. |
Những câu chuyện kể trong hồi ký thể hiện rõ tâm tính, tâm thế, tính cách rất Quảng Nam của một vị quan yêu dân, có tinh thần dân tộc. Vì chính điều này nên ông phải lao đao, nay đây mai đó khắp dải đất miền Trung. Từng là Tri huyện Phù Cát, Hậu bổ tỉnh Bình Định; Tri huyện Hậu Lộc, Yên Định; tri phủ Thiệu Hóa, Thanh Hóa; Tri phủ Triệu Phong, Quảng Trị; Án sát Bình Thuận; Phủ thừa tỉnh Thừa Thiên; Án sát Hà Tĩnh; Bố chánh Nghệ An; Quản đạo rồi Tuần vũ ở Kon Tum. Sau cách mạng tháng 8-1945 ông giao chính quyền cho cách mạng và được về nghỉ hưu. Thời gian này Hà Ngại về sống tại thành nội Huế, đi dạy thêm chữ nho, đến năm 1960 vào Sài Gòn sống với người con trai trưởng là Hà Thúc, rồi mất tại TPHCM vào ngày 14 tháng Giêng Bính Thìn 1976 .
Hồi ký “Khúc Tiêu Đồng” của vị quan triều Nguyễn này có nhiều tư liệu mới mẻ, rất đáng đọc.
Võ Văn Trường