Giới thiệu sách: Một đời theo Đảng
(Cadn.com.vn) - "Trải một đời người" là hồi ký của AHLLVTND Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam–Đà Nẵng, đã được nhà văn Hồ Duy Lệ ghi lại một cách sinh động. Với gần 300 trang, hơn 30 hình ảnh minh họa, hồi ký “Trải một đời người” đã khắc họa chân dung người chiến sĩ cách mạng, anh bộ đội Cụ Hồ Hoàng Minh Thắng trên suốt chặng đường gần 70 năm theo Đảng...
Đồng chí Hoàng Minh Thắng đã trải qua hai cuộc trường chinh cùng dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau năm 1975, khi đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội thương, Bộ trưởng Bộ Thương mại, đồng chí đã có nhiều đóng góp trên lĩnh vực kinh tế trong những năm đất nước đổi mới...
Hồi ký thể hiện những kỷ niệm khó quên về quê hương, về gia đình, về đồng đội, về những mốc lịch sử thật đẹp, thật oai hùng của quê hương đã từng gắn bó với đồng chí như giải phóng vùng Đông Thăng Bình, chiến thắng Núi Thành, chiến thắng xã Đốc, giải phóng Tam Kỳ, giải phóng Đà Nẵng...; những ngày sống trên mảnh đất Thanh Hóa kết nghĩa, Xứ Nghệ anh hùng, lần được gặp Bác Hồ...
Tác giả cũng rất “sòng phẳng” với quá khứ của chính mình khi nhắc lại những thành quả đáng tự hào trong công cuộc xây dựng hòa bình như thành tích trong chiến dịch rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, làm vụ Xuân Hè, xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh... và cũng không quên nhắc lại những việc làm nóng vội, duy ý chí như quyết định đào sông Bà Rén, chặn dòng Trường Giang...
Kết thúc hồi ký, đồng chí Hoàng Minh Thắng không quên dành những lời nhắn gửi cho thế hệ mai sau: “Trọn một đời người, tôi đã chứng kiến và trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến thần thánh của cả dân tộc. Rồi hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây - Nam và biên giới phía Tây - Bắc của Tổ Quốc. Tôi hiểu rõ, để bảo vệ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc, cần lòng dũng cảm, sức sáng tạo, biết chịu đựng, chịu hy sinh xương trắng, máu đào và cần cả sức mạnh của vũ trang. Và, một điều vô cùng quan trọng là, khi đã dập tắt được ngọn lửa chiến tranh thì phải hết lòng, hết sức chăm lo đến đời sống kinh tế và đời sống tinh thần của nhân dân”.
Lê Năng Đông