Giọt nước ân tình

Thứ sáu, 11/05/2018 13:33

Đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn của thầy cô giáo, học sinh vùng miền núi Quảng Ngãi, Nhóm thiện nguyện Hiểu và Thương (TP. Hồ Chí Minh) đã không quản ngại gian khó đi vận động xin kinh phí, tổ chức xây dựng giếng nước cho các trường học miền núi H. Tây Trà. Những giếng nước không chỉ có ý nghĩa thiết thực, mà còn hết sức nhân văn khi niềm khao khát của thầy trò bao năm nay đã thành hiện thực.

Học sinh Tây Trà tận hưởng dòng nước mát.

Món quà từ sự đồng cảm, sẻ chia

Ngay giữa thời điểm miền Trung đang gánh chịu đợt nắng hạn, thiếu nước sinh hoạt, một niềm vui lớn đã đến với tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THCS Trà Phong (xã Trà Phong, huyện miền núi Tây Trà, Quảng Ngãi) khi công trình giếng khoan cung cấp nguồn nước sạch cho nhà trường hoàn thành. Công trình được đưa vào sử dụng có một ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh, mà là niềm vui, phấn khởi của bà con nhân dân, phụ huynh học sinh khi con em địa phương có nguồn nước sạch sử dụng, nhất là vào thời điểm đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Bởi nói như thầy Vũ Tiến Lâm - Hiệu trưởng Trường THCS Trà Phong, với điều kiện đóng chân trên địa bàn đồi núi cao, cách trung tâm xã khoảng 7km, việc tìm kiếm, xây dựng được một hệ thống nước đảm bảo vệ sinh phục vụ hoạt động cho nhà trường thật khó. Và để có được một công trình nước sạch, nước uống hằng ngày cho giáo viên, học sinh càng khó khăn hơn. Bởi vậy, khi nghe tin được nhóm thiện nguyện Hiểu và Thương tại TP Hồ Chí Minh sẽ tài trợ xây dựng công trình giếng khoan cung cấp nước uống cho nhà trường, ai nấy đều rất vui mừng, phấn khởi.

Đứng nhìn các em học sinh reo cười cùng dòng nước, thầy Lâm phấn khởi nói: "Công trình nước sạch là mơ ước bao lâu nay của các thế hệ học sinh, giáo viên gắn bó ở ngôi trường này. Với công trình này, từ nay trở đi, tập thể học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường sẽ có được nguồn nước uống đảm bảo vệ sinh, không còn phải đóng góp tiền để mua nước uống mỗi ngày. Bởi vậy, khi công trình giếng nước khoan được hoàn thành và đưa vào sử dụng, niềm vui của tập thể giáo viên, học sinh như vỡ òa. Có được nguồn nước từ giếng khoan đảm bảo vệ sinh phục vụ sinh hoạt ngay tại trường đã chấm dứt cảnh giáo viên, học sinh thiếu nước sử dụng, xóa bỏ nỗi lo nguồn nước bị ô nhiễm, gây bệnh tật".

Niềm vui không chỉ đến với thầy trò Trường THCS Trà Phong, mà chỉ trong hơn một tháng nay, liên tiếp những giếng khoan được lắp đặt, xây dựng trao tặng và bàn giao cho các trường học trên địa bàn huyện miền núi Tây Trà. Những công trình giếng khoan ở Trường Mẫu giáo Trà Khê, Mẫu giáo Trà Xinh, Mẫu giáo Trà Lãnh, Mẫu giáo Trà Thọ được hoàn thành trong niềm phấn khởi, vui mừng khôn xiết của đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh.

Nhân lên nghĩa cử cao đẹp

Mang niềm vui, niềm xúc động khi đón nhận công trình giếng nước, cô Nguyễn Huyền Trang - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trà Khê, tâm sự: "Nhà trường với 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện sinh hoạt và học tập còn nhiều khó khăn. Lâu nay, nguồn nước mà gia đình học sinh, nhà trường sử dụng hằng ngày đều là công trình nước tự chảy, sông suối không hợp vệ sinh. Bởi vậy, có nguồn nước sạch sử dụng, các em học sinh đều tỏ ra rất vui mừng, thầy cô giáo rất yên tâm. Chúng tôi thật sự xúc động trước món quà hết sức có ý nghĩa thiết thực, nhân văn của Nhóm thiện nguyện Hiểu và Thương mang đến cho nhà trường".

Thầy Phạm Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT H. Tây Trà, vui mừng: "Những công trình giếng nước khoan này rất có ý nghĩa, đặc biệt trong khi địa phương đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Công trình không chỉ thể hiện tấm lòng sẻ chia với những khó khăn, thiếu thốn mà các trường học miền núi Tây Trà đang phải đối mặt, mà còn thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến các em học sinh nghèo và khó khăn ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Công trình không chỉ giúp cho các em học sinh có nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh để sử dụng hằng ngày, mà qua đó giúp nhà trường giáo dục cho các em về ý thức trong học tập và rèn luyện, ý thức khai thác, bảo vệ và sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày".

 Chị Nguyễn Thị Ngà - thành viên Nhóm thiện nguyện Hiểu và Thương, chia sẻ: "Nhóm thiện nguyện Hiểu và Thương ra đời vào năm 2015 từ ý nguyện của một nhóm người có mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh, giúp họ vượt qua giai đoạn ngặt nghèo. Sau một thời gian hoạt động thì nhóm chuyển hướng qua thực hiện xây dựng giếng nước cho bà con dân tộc miền núi. Tên "Hiểu và Thương" được lấy từ bài phỏng vấn truyền hình của Mỹ với thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nhờ có bùn mà sen mới nở ra tinh khiết, nên phải hiểu thật sâu mới thương thật lâu, có hiểu thì mới có thương. Và thông điệp ý nghĩa này là "kim chỉ nam" cho nhóm thực hiện các hoạt động thiện nguyện của mình".

"Từ những chuyến đi khảo sát thực tế, chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt, học tập của thầy cô giáo và các em học sinh miền núi, chúng tôi thực sự xúc động với những khó khăn, thiếu thốn mà họ phải đối mặt hằng ngày. Chúng tôi càng cảm phục về những người thầy cô giáo ngày ngày âm thầm hy sinh hạnh phúc riêng tư, tự nguyện đến với những nơi "rừng thiêng, nước độc" bám bản, bám trường dạy học cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Dẫu cuộc sống của những người giáo viên hết sức khó khăn, chật vật nhưng lúc nào họ cũng một lòng vì quyền lợi của các em học sinh. Những sự hy sinh, những tấm lòng nhiệt tâm với học sinh, với nghề dạy học thật cao quý biết bao. Bởi vậy, khi thực hiện những công trình giếng nước này, Nhóm thiện nguyện Hiểu và Thương mong muốn đó như là một lời tri ân đối với những hy sinh, cống hiến thầm lặng của thầy cô giáo cho con em vùng đồng bào dân tộc nghèo khó", chị Ngà tâm sự.

KHẢI MINH