Giữ gìn bản sắc Việt trong hội nhập văn hóa

Thứ hai, 19/12/2016 09:34

(Cadn.com.vn) - Song hành cùng với công cuộc đổi mới của đất nước ta 30 năm qua là sự chủ động hội nhập quốc tế, đến nay đã đạt được những kết quả khá ấn tượng. Bên cạnh cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tích cực thì tiến trình hội nhập văn hóa cũng đồng thời diễn ra. Đi đôi với việc chú trọng hội nhập kinh tế thì cũng không thể xem nhẹ hội nhập văn hóa, vì coi nhẹ hội nhập kinh tế thì đất nước sẽ chậm ra khỏi một nền kinh tế nghèo, coi nhẹ hội nhập văn hóa đôi khi lại nguy hiểm hơn bởi có thể bị các nền văn hóa khác đồng hóa. Vì vậy, bên cạnh chiến lược phát triển kinh tế với phương châm tích cực hội nhập quốc tế, chúng ta cũng cần có chiến lược phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cùng với quá trình hội nhập. Đậm đà bản sắc dân tộc nhưng không hoàn toàn đóng cửa nền văn hóa, mà chủ động chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú, giàu có thêm, hiện đại hơn nền văn hóa của dân tộc mình. Xung quanh nội dung này, có nhiều điều để nói, ở đây chỉ xin đề cập đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong hội nhập.

Trước hết, thái độ đúng đắn nhất khi tiếp nhận cái đẹp, cái hay của thế giới là thể hiện sự văn minh, lịch sự, có văn hóa... Nhưng hội nhập thiếu chọn lọc sẽ đánh mất bản sắc của văn hóa dân tộc, thể hiện sự lai căng và sự du nhập thiếu chọn lọc sẽ làm cho cái đẹp, cái hay bị biến tướng thành cái dở, cái lố lăng. Đơn giản nhất là từ chuyện trào  lưu ca sĩ trẻ lấy nghệ danh Tây, Tàu hoặc ghép tiếng Anh vào tên tiếng Việt tạo ra những cái tên nửa Tây nửa ta, đọc lên chẳng giống ai. Có ca sĩ đoạt giải ca nhạc quốc tế nào đó mà khi xướng tên lên cứ ngỡ không phải là người Việt Nam. Cái tên Isaac là một ví dụ. Tên tiếng Việt của ca sĩ này là Phạm Lương Tuấn Tài nhưng lại chọn cái tên Tây làm nghệ danh, nếu ai không chú ý sẽ nghĩ đấy là một ca sĩ người nước ngoài, hay lai nước ngoài. Hay như Chi Pu (tên thật là  Nguyễn Thùy Chi), vậy mà vẫn thích cái tên nửa Tây nửa... Nhật kia!? Những cái tên ghép nửa Tây nửa ta thì không hiếm như Noo Phước Thịnh, Wanbi Tuấn Anh, Nakun Nam Cường, Akira Phan, Hamlet Trương, Elly Trần, Angela Phương Trinh... Trước đó là những nghệ danh mang “hơi hướm” Đài Loan, Hồng Kông của những ca sĩ Việt 100% như Lâm Chấn Huy, Nhật Tinh Anh, Châu Gia Kiệt, Quách Thành Danh...

Lấy tên “Tây”, “Tàu” làm nghệ danh với lý do cho phù hợp với xu hướng thế giới, dễ làm việc với người nước ngoài e rằng không thuyết phục. Nếu nhìn sang Hàn Quốc sẽ thấy, họ đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải hát nhạc của họ, bằng tiếng của họ. Mà ca sĩ Hàn vẫn để nguyên tên, họ có cần đệm tiếng Anh vào đâu mà vẫn khiến nhiều người trẻ Việt Nam phát cuồng và gọi tên họ. Hay nhìn sang Nhật, những nghệ sĩ tầm khu vực hay thế giới của họ, có ai để tên tiếng Anh đâu?

Chuyện thứ hai muốn nói là tình trạng một số nhạc sĩ, ca sĩ trẻ, trong sáng tác của mình, chen vào một vài câu tiếng Anh hoặc sáng tác cả một bài tiếng Anh. Mới đây, xem Chương trình “Bài hát hay nhất” trên VTV3,  thỉnh thoảng lại gặp một số một ca sĩ trẻ có triển vọng, trong sáng tác và trình bày của mình có xen vào vài đoạn, vài câu tiếng Anh, nhiều khi nghĩa của nó không ăn nhập với nội dung bài hát. Và một trong những nhạc sĩ trong Ban Giám khảo của Chương trình này là Lê Minh Sơn đã luôn phê bình những bạn trẻ này vì sự không thuần Việt trong bài hát do mình sáng tác. Phải chăng, các bạn trẻ thêm thắt vào bài hát của mình vài câu, vài từ tiếng Anh để nghe cho “sang”, cho “hợp thời” hay là tiếng Việt không phong phú, không thể diễn đạt được những ý tứ của người sáng tác nên các bạn trẻ ấy phải dùng tiếng Anh!?. Còn nếu bảo đó là giao lưu và hội nhập văn hóa, thì cũng chỉ nên dịch trọn vẹn một bài hát tiếng Việt sang tiếng Anh là hợp lý… Chúng ta hội nhập về văn hóa chứ không hội nhập về cái tên, về sự pha tạp ngôn ngữ. Giá trị của một bài hát, tài năng của một nghệ sĩ, ca sĩ sẽ được người trong nước lẫn ngoài nước đánh giá bằng thước đo nghệ thuật, bằng sự tinh tế qua cảm thụ âm nhạc chứ không bằng sự pha trộn, lai căng.

Hội nhập văn hóa cần tính đến giá trị chung, giá trị nhân loại, đồng thời thừa nhận cái khác biệt của người, để các dân tộc khác thừa nhận cái khác biệt của ta. Vấn đề còn lại là bản sắc, bản lĩnh, đạo lý dân tộc. Làm thế nào để hòa nhập nhưng không hòa tan, không biến tướng. Chúng ta ra biển lớn của hội nhập là để thế giới hiểu hơn, phục hơn về  đất nước ta, yêu mến và cảm phục con người Việt Nam chứ không phải hội nhập để làm phai nhạt đi bản sắc Việt, không du nhập được cái đẹp, cái hay của bạn mà vô hình trung lại làm mất đi cái đẹp cái hay vốn có của văn hóa dân tộc.

Dân Hùng