Giữ gìn văn hóa truyền thống làng quê

Thứ sáu, 25/09/2020 11:31

Xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ là câu chuyện đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cao thu nhập mà còn là bồi đắp các giá trị văn hóa làng quê trong từng gia đình, thôn xóm... Điều này được cụ thể hóa thông qua 2 tiêu chí là văn hóa và cơ sở vật chất văn hóa của Bộ tiêu chí xây dựng NTM đã được các địa phương trên địa bàn H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tích cực triển khai hiệu quả.

Các tộc họ thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong) đóng góp kinh phí trùng tu, lưu giữ di tích cổ xưa.

Trong đó, vai trò tộc họ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân mỗi địa phương. Các tộc họ đã góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội, văn hóa ứng xử trong từng hộ gia đình với quan hệ xóm làng và trở thành một trong những nội dung thi đua ở các địa phương trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" trước đây, bây giờ là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh". Tuy hình thức tổ chức, hoạt động của mỗi tộc họ khác nhau nhưng đều là sự tập hợp con cháu cam kết thực hiện những quy ước về truyền thống gia tộc, phẩm chất đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng.

Ở thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong), để các di tích cổ xưa không chỉ hòa nhập vào thời đại mới, mà còn trở thành sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại; 24 tộc họ trong thôn đã duy trì hoạt động hiệu quả nếp sinh hoạt của làng, như sáng Mồng 1 Tết âm lịch hằng năm, người dân tập trung ở ngôi đình cổ kính với các nghi lễ trang trọng, trong sự thành kính tri ân của con người hôm nay đối với các bậc tiền nhân và những ai đã từng gắn bó với mảnh đất này. Đặc biệt những năm gần đây, ngoài việc đóng góp kinh phí, trùng tu các di tích cổ, người dân Bồ Bản còn tổ chức lễ hội đình làng theo tinh thần bảo lưu, kế thừa những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc và khơi dậy, phát huy sắc thái văn hóa làng quê. 

Được biết, Hòa Vang hiện có 585 dòng tộc, trong đó 305 tộc đã hình thành Hội đồng gia tộc (HĐGT), 228 tộc có Tộc ước, hơn 200 tộc họ hưởng ứng thực hiện Quy ước xây dựng "Tộc họ văn hóa" gắn với chương trình "TP 5 không, 3 có", "TP 4 an". Cuối năm 2019, gần 93% hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", hơn 85% thôn đạt danh hiệu "Thôn văn hóa"… Sinh hoạt tộc họ đã động viên con cháu, gia đình thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội; nêu gương tốt trong việc nâng cao dân trí, phục vụ dân sinh, phát huy dân chủ, giúp nhau vượt khó để xây dựng cuộc sống tốt đẹp ở cộng đồng dân cư. Chính các tộc họ đã tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng hiệu quả các mô hình phòng chống tội phạm, khuyến học khuyến tài, giữ gìn bình yên thôn xóm.

Nhiều tộc họ có quy ước riêng về đời sống tinh thần, vật chất với cộng đồng, xây dựng nhân cách, lối sống con người liên quan đến tình hình trật tự an toàn xã hội trong dòng tộc, như con cháu sai phạm trước hết HĐGT tự giải quyết, sau đó mới đến các hội đoàn thể cùng tham gia giáo dục, nếu tái phạm sẽ báo cáo với chính quyền địa phương... "Văn hóa truyền thống trong sinh hoạt tộc họ có xu hướng phục hồi, nhiều giá trị cũ đang sống lại. Những giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng tộc cần được bảo tồn và phát huy trong công cuộc xây dựng NTM. Một khi hoạt động của tộc họ đi vào nền nếp sẽ góp phần khơi dậy truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng", cụ Đinh Viết Thành - Trưởng tộc Đinh làng Quá Giáng (xã Hòa Phước) chia sẻ.

Có thể nói, phong trào xây dựng văn hóa tộc họ ở H. Hòa Vang thời gian qua đã lan tỏa sâu rộng, nhiều ý nghĩa với tiêu chí sát hợp đời sống người dân. Với đặc thù là một miền quê có cấu kết của nhiều gia đình trong một dòng tộc lâu đời và bền vững, các địa phương trên địa bàn huyện đang nỗ lực gắn kết phong trào tộc họ với xây dựng xã hội văn hóa, văn minh; góp phần thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về việc "Phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

VY HẬU