Giữ hồn cho phố

Thứ ba, 08/07/2014 09:20

(Cadn.com.vn) - Một họa sĩ đã vào tuổi “xưa nay hiếm” nói với tôi ông yêu thành phố biển Đà Nẵng này lắm bởi bao nhiêu năm sống ở đây, từ khi phố thị còn hoang sơ. Ông thổ lộ chân tình, hầu như những tác phẩm hội họa để đời của ông, từ ý tưởng sáng tác, lúc phôi thai hình hài cho đến lúc đứa con tinh thần chào đời đều xuất phát từ ngọn nguồn cảm xúc từ bến nước, con đò,  ngôi chợ, con phố đìu hiu, những bà mẹ tảo tần đôi bờ sóng nước sông Hàn... Rồi ông phân trần, thành phố ngày càng phát triển, đô thị mở rộng gấp nhiều lần, đó là tất yếu của sự đổi thay, điều đáng để mỗi người nhân lên niềm tự hào.

Nhưng ông bảo, tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nhiều khi trở thành nỗi ám ảnh không nguôi, dễ bị con người thời hiện đại xóa nhòa đi nhiều thứ. Tâm hồn con người cũng trở nên nhạt nhẽo, nguội lạnh, khô cứng; ông khảng khái, bất kể thành phố nào trên thế giới, cho dù có hiện đại bao nhiêu chăng nữa, hễ có trung tâm đô thị thì phải có ngoại ô. Thành phố nào cũng có người giàu, người nghèo, dù chính quyền có nhiều nỗ lực rút ngắn khoảng cách, xóa  nghèo. Có đường phố lớn thì ắt phải có đường phố nhỏ, có kiệt, có hẻm. Có những con phố thẳng như kẽ chỉ trải dài tít tắp đến tận phía chân trời thì cũng có những con phố cũ, hắt hiu, ngoằn ngoèo, lởm chởm sỏi đá. Ông nói thêm, xứ sở ngoại ô Paris xa xôi từng trở thành đề tài hấp dẫn cho các nhà văn sáng tác những tác phẩm gối đầu giường của bao thế hệ trên thế giới.

Một buổi sáng đọc báo, ông nhảy lên mừng như trẻ nhỏ được người lớn cho quà, khi hay tin ông Bí thư Thành ủy cho giữ lại cây cầu màu sơn vàng ố, cũ kỹ Nguyễn Văn Trỗi, cải tạo làm cầu dành cho người đi bộ, chứ không phá bỏ hẳn như ý định ban đầu. Một hôm ra biển Mỹ Khê, tần ngần nhìn những chiếc xe đang ủi mấy nổng cát, giải tỏa cây cối xây dựng công viên Biển Đông, ông chợt lo sợ ngôi miếu thờ cá Ông nằm ven bờ được dân làng xây dựng bao nhiêu năm nay sẽ mất đi. Thời gian sau khi quay lại, ông ồ lên vui mừng khi thấy miếu thờ cá Ông được nâng cấp khang trang, đẹp hơn miếu thờ cũ.

Cầu Trần Thị Lý như cánh buồm giong ra khơi.

Ông còn bảo, lấy làm tiếc nuối nếu ai đó cứ gọi Trung tâm Thương nghiệp mà không gọi là chợ Cồn- cái tên thân quen, nỗi hoài niệm nhớ nhung không chỉ của người dân Đà Nẵng mà còn cho người con xa xứ. Ông nghe ai đó, rất có lý khi đề nghị nên sưu tầm tất cả những tên đường của Đà Nẵng qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm của thành phố đưa vào lưu trữ hồ sơ, bảo tàng tên đường để lại cho mai hậu thì hay biết  mấy. Đó là linh hồn của phố, là văn hóa mà ta cần phải gìn giữ, nâng niu như kỷ niệm nặng sâu.

Ở thành phố đầu biển cuối sông này, với ông, từng con phố, từng mái nhà cổ, từng ô cửa nhỏ, từng hàng cây già cỗi ven đường, từng món ăn ngon quê kiểng- những  mỳ Quảng, bánh xèo Bà Dưỡng, bánh tráng thịt heo Khuê Trung, bánh khô mè Cẩm Lệ; những tà áo dài duyên dáng của nữ sinh khi tan học đạp xe qua cầu quay Sông Hàn độc nhất vô nhị vào mỗi trưa tan học, hình dáng như cung đàn cầu Thuận Phước, như cánh buồm no gió cầu Trần Thị Lý, cong cong cầu Rồng hướng mặt ra biển Đông rì rào sóng vỗ, cả tấm lòng của con người Đà Nẵng chịu thương, chịu khó, thân thiện và đồng thuận cao... tất cả đó là linh hồn quê xứ. Cái cũ mất đi, cái mới hình thành, thay thế, là tất yếu, nhưng phá bỏ tất cả hoặc xâm phạm thô bạo cái cũ mà không tiếc thương, không nâng niu, giữ gìn, phát huy những giá trị tiềm tàng của cái cũ để tôn vinh, tiếp biến nền văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc thì quả là đáng tội với tiền nhân.

Người họa sĩ già trăn trở: Giữ hồn cho phố, cho đô thị Đà Nẵng hôm nay và cả mai hậu, điều đó cần lắm! Ông không quen nói như nghị quyết, văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển của xã hội, hình như mọi câu chuyện về văn hóa đã thẩm thấu sâu nặng trong ông. Với ông, văn hóa xứ sở là gốc rễ, là cội nguồn, máu mủ của dân tộc, của mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi công dân; mà văn hóa- như ai đó đã từng nói là những gì còn lại sau tất cả những thứ đã mất đi.

Đinh Văn Dũng