Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10):

Giữ lại “hồn” người Cơ Tu

Thứ năm, 01/10/2015 09:45

(Cadn.com.vn) - Trải qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, đồng bào Cơ Tu thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) vẫn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa quý giá về phong tục, tập quán... Góp phần tích cực trong việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống đó phải kể đến vai trò của các già làng.

Già làng Lê Văn Rời (85 tuổi) cho biết: “Gia đình là tế bào xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt; làm người phải sống có đạo lý và chấp hành tốt pháp luật, góp phần vào sự phát triển giàu mạnh của quê hương, gìn giữ giá trị văn hóa cộng đồng. Người dân trong thôn đối đãi với nhau như ruột thịt tình thâm vậy”. Cũng theo già Rời, những lúc nhà hàng xóm có hữu sự thì mọi người tự giác qua giúp, mỗi người một việc. Không chỉ lúc vui mà cả những khi buồn, lối xóm “tối lửa tắt đèn” đều có nhau, cùng chia sẻ, quan tâm lẫn nhau, nên tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt. Giờ người ta ít giúp nhau dựng nhà, vì hầu hết được Nhà nước hỗ trợ xây dựng kiên cố, nhưng đến mùa lao động thì chuyện nương rẫy vần công vẫn còn. Cái tình nghĩa ấy đã gắn bó với người Cơ Tu tự bao đời như biểu trưng cho tính cách hào sảng, trọng tình nghĩa, không gì chia cắt được.

Già Đinh Văn Trí chế tác tên, nỏ lưu giữ bản sắc văn hóa người Cơ Tu.

Dù tuổi đã cao nhưng già Nguyễn Văn Cần (80 tuổi) vẫn say mê tấu đàn, thổi kèn. Vừa chơi, mắt già vừa hướng về những dãy núi xa xăm trùng điệp để nhớ bao nhiêu mùa rẫy già đã rời bỏ buôn làng theo chân các đoàn quân giải phóng. Cũng những ngọn núi già trầm ngâm trong giấc ngủ ngàn năm, cũng những dáng sa mộc kiêu hãnh giữa sương mờ lãng đãng nhưng có nét gì đó mộc mạc hơn, thuần phác hơn hội tụ trong tiếng kèn Cabluốc của già. Già nhớ những người bạn đã ra đi không bao giờ trở lại cho sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước, góp phần cho người Cơ Tu hôm nay được ấm no, hạnh phúc... Theo già Đinh Văn Trí (70 tuổi), trước đây, người Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn theo lối du canh du cư. Đi đến chỗ nào đất tốt là phát rừng làm rẫy trồng lúa, bắp, sắn cho đến vài năm sau, khi đất xấu, cằn thì bỏ đi nơi khác tiếp tục khai phá. Trên nương rẫy của người Cơ Tu có cất chòi tạm bằng cây rừng, lợp lá nón làm chỗ trú nắng, trú mưa cho người giữ rẫy. Để ngăn chặn các loại thú rừng phá hoại mùa màng, già Trí phải chế tác các loại nỏ, tên xua đuổi thú rừng... Bây giờ, mỗi khi địa phương tổ chức lễ hội, già lại miệt mài vót tên, căng lại dây nỏ và luyện tập cho các trai trẻ trong thôn dự thi. Mỗi dịp liên hoan như thế này, bà con Cơ Tu mừng lắm, những người già lại càng mừng hơn vì như được sống lại với ký ức đại ngàn xưa.

Đoàn kết, tương thân, tương ái “Tối lửa tắt đèn có nhau” là truyền thống tốt đẹp được kết tinh trong quá trình lao động, sinh hoạt của ông cha ta từ những ngày đầu khai hoang, mở đất. Tương tự người dân miền xuôi, tuy nghèo về vật chất, nhưng cái tình, cái nghĩa của đồng bào Cơ Tu cũng đầy ắp trong từng con người... Các già làng thôn Phú Túc chỉ mong muốn một điều, sau này trở về với núi rừng, những gì mình biết được từ phong tục, tập quán đến chế tác và sử dụng các công cụ, nhạc cụ truyền thống của cha ông đều được truyền lại cho bọn trẻ. Bởi đó là cách duy nhất giữ lại cái “hồn” của người Cơ Tu từ bao đời nay.

Quả thật, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hòa Vang thời gian qua đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực đối với đồng bào Cơ Tu. Theo đó, nhiều loại hình văn hóa, mô hình văn hóa đặc trưng của các làng, bản được khôi phục và từng bước củng cố, hoàn thiện đã góp phần vào việc phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT tại địa phương, tạo ra một diện mạo mới đầy tính nhân văn và sâu sắc.

An Dương