Giữ mãi một tình yêu!

Thứ bảy, 21/10/2017 10:37

Trong danh sách 20 giáo viên (GV) Đà Nẵng được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017, tôi đặc biệt ấn tượng cô Bùi Thị Thư (1963). Bởi, cô là  GV duy nhất của hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) được vinh danh.

Cô Thư bên những mô hình đồ dùng dạy học do vợ chồng cô tự làm.

Có một tình yêu như thế!

 Tìm đến nhà cô Thư ở đường Nguyễn Thiện Kế (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), tôi càng thú vị khi biết chồng cô, thầy giáo Phan Thanh Thuận- GV Toán trường THPT Tôn Thất Tùng, là một trong số 20 GV đầu tiên của Đà Nẵng nhận giải thưởng Võ Trường Toản khi giải thưởng này được mở rộng ra khu vực Đà Nẵng năm 2016. Nhìn vẻ mộc mạc, giản dị chân chất như phụ nữ nông thôn, khó ai nghĩ cô giáo Thư sinh ra, lớn lên giữa lòng trung tâm TP, là nữ sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Mê Toán từ bé, học xong lớp 12, cô Thư đăng ký dự thi và trúng tuyển vào khoa Toán trường ĐH Sư phạm Huế. Tại đây, cô gặp thầy (bạn cùng lớp). Năm 1986, tốt nghiệp, cô, thầy và một người bạn học cùng khóa được phân công về dạy tại trường THPT Lê Hồng Phong H.Duy Xuyên (QN-ĐN cũ, nay Quảng Nam). Một năm sau, họ nên duyên vợ chồng…

Sau 9 năm gắn bó với mái Trường THPT Lê Hồng Phong Duy Xuyên, năm 1995 - một năm sau khi chồng chuyển công tác về dạy tại TP Đà Nẵng, cô cũng được chuyển công tác về gần chồng, dạy tại Trung tâm GDTX tỉnh QN-ĐN, sau là TTGDTX TP Đà Nẵng (nay TTGDTX số 1). Suốt 30 năm gắn bó bên nhau, vợ chồng cô Thư luôn giữ cho mình một tình yêu rất đẹp với nghề giáo. Ngoài thời gian dạy dỗ 2 cô con gái yêu, tất cả thời gian còn lại, vợ chồng cô dành cho công tác chuyên môn, cặm cụi tìm tòi, sáng tạo làm đồ dùng dạy học môn Toán. "Trong thời buổi kinh tế thị trường này, hiếm thấy ai có được niềm say sưa, tâm huyết với nghề như vợ chồng cô giáo Thư. Đó là một gia đình nhà giáo mẫu mực hiếm có. Cả hai đều đồng chí hướng, có chung một quan điểm sống, rất mô phạm, tham gia hoạt động các phong trào rất tuyệt vời! Tôi học hỏi ở vợ chồng cô thầy ấy rất nhiều điều", Phó Giám đốc TTGDTX 1 Đinh Lương Y không giấu vẻ cảm phục khi nói về vợ chồng cô giáo Thư.

Một giáo viên tuyệt vời!

31 năm gắn bó với nghề nhà giáo, có đến 22 năm cô Thư gắn bó với hệ GDTX, một sự gắn bó không phải ai cũng dễ kiên trì, bám trụ. "Đang dạy học sinh (HS) THPT, chuyển sang dạy hệ GDTX, bổ túc văn hóa, cô có cảm giác hụt hẫng không ạ?", tôi hỏi. "Nói không là mình nói dối. Thật tình, ban đầu cũng có cái cảm giác đó, bởi so với hệ phổ thông, HS hệ GDTX, bổ túc mặt bằng kiến thức thấp hơn nhiều, lại đủ lứa tuổi, thành phần. Nhưng càng tiếp xúc với các em, chẳng biết tự lúc nào, tôi thấy gắn bó, dứt ra không được".

Với mặt bằng kiến thức không đồng đều, để giúp HS hệ GDTX, bổ túc hiểu rõ những công thức toán học, những bài toán đại số, hình học khô khan, hầu hết các bài giảng của cô đều sử dụng đồ dùng dạy học tự làm để minh họa. "Đặc thù của HS hệ GDTX là khả năng tiếp thu bài vở không nhanh bằng HS hệ phổ thông. Hơn nữa, phần lớn các em rất ít đi học thêm, nên để giúp các em hiểu bài, trong các tiết dạy của mình, tôi luôn sử dụng đồ dùng dạy học tự làm, trực quan sinh động nhằm giúp các em hiểu bài nhanh hơn", cô Thư chia sẻ.

Một "bí quyết" nữa để giờ dạy môn Toán không rơi vào nhàm chán đối với những HS GDTX mất căn bản là hầu hết các bài giảng trong chương trình đều được cô quy về phương pháp thông qua các bước giải. Sau đó, cô gọi HS lên bảng ráp từng bước một. Việc cho HS làm thật nhiều bài tập tại lớp theo các dạng bài đã giúp các em khắc ghi kiến thức được học. Một trong những điều cô kỵ khi dạy HS hệ GDTX, bổ túc là không bắt học thuộc lòng, chỉ cần các em hiểu, trình bày và so sánh được các nội dung đã học. Trong lúc giảng bài, cô luôn hướng xuống lớp, quan sát để nắm bắt các em có hiểu bài hay không. "Khi đứng trên bục giảng, nếu cứ ôm bảng giảng thao thao bất tuyệt, không nhìn xuống lớp để xem các em có hiểu bài hay không thì... ôi thôi rồi. Bọn trẻ sẽ tự múa rồng múa kiếm phía dưới", cô Thư hài hước.

Vợ chồng cô Thư trong lần thầy nhận giải thưởng Võ Trường Toản.

"Biệt tài" về công tác chủ nhiệm

Theo Phó Giám đốc TTGDTX1 Đinh Lương Y, cô Thư là một GV có "biệt tài" về công tác chủ nhiệm lớp. 22 năm gắn bó với TTGDTX1 này, cô luôn được lãnh đạo tín nhiệm phân công chủ nhiệm lớp có nhiều HS chưa ngoan. "Không biết cô dùng thủ thuật gì nhưng hầu hết những HS cá biệt được đưa vào lớp cô Thư chủ nhiệm đều thuần hết. Hầu hết các em sau này đều có nghề nghiệp ổn định. Cô Thư được rất nhiều thế hệ HS GDTX yêu quý!", thầy Y khen ngợi.

Hỏi "bí quyết" nào giúp cô làm được điều này, cô cười: "Có bí quyết gì đâu. Đối với các em này, mình la rầy nặng là không xong, mắng trước lớp cũng không được. Tôi gặp riêng nói chuyện, khuyên các em cố gắng học để có vốn kiến thức cơ bản nhất định, đồng thời nhẹ nhàng nhưng rất thẳng thắn nói rõ quan điểm: Nếu các em không chịu tiến bộ, cô buộc hạ hạnh kiểm. Đối với những trường hợp trong giờ học quậy phá, tôi không la mắng nhưng nghiêm khắc yêu cầu các em ra ngoài chơi để tôi dạy các bạn khác học. Cũng có khi, tôi buộc phải lập biên bản, mời gia đình đến nói chuyện...".

Cô Thư còn được xem là một trong những GV của TTGDTX1 có nhiều thành tích trong phát hiện, bồi dưỡng đội tuyển tham gia các kỳ thi chọn HSG Toán cấp TP với 24 lượt HS đạt giải, 13 lược HS được giải tại các kỳ thi giải toán trên máy tính. Nhờ sự phát hiện, động viên kịp thời của cô, không ít HS có năng lực học tập nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn có ý định bỏ học tiếp tục theo đuổi sự học. Trong số đó, có người trở thành hiệu trưởng trường mầm non, có người trở thành giảng viên trường ĐH Địa chất, có em đỗ cùng một lúc 2 trường ĐH uy tín...

Đọc bảng thành tích của cô, tôi không khỏi thán phục: 7 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp trung tâm, 2 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 2 năm đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp cơ sở và trung tâm, giải nhì GVCN giỏi cấp TP, 1 giải nhì và một giải ba cuộc thi thiết kế bài giảng E-learming cấp TP, giải II TP về bài giảng điện tử Lô-ga-rít, giải nhất cấp TP về cuộc thi đồ dùng dạy học tự làm cùng nhiều danh hiệu thi đua khác... Thầy Đinh Lương Y bày tỏ: "Đâu chỉ có dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi. Tất cả các hoạt động Công đoàn, Đoàn ở TTGDTX này đều có sự đóng góp của cô Thư. Việc gì giao cho cô ấy đều được cô làm đến nơi, đến chốn. Có nhiều em trẻ được phân công về dạy tại trung tâm còn lúng túng trong hồ sơ, sổ sách, tôi đều bảo gặp cô Thư để học tập".

Trong căn nhà nhỏ ấm cúng của vợ chồng cô giáo Thư, đâu đâu cũng gặp đồ dùng dạy học môn Toán do họ tự làm. Thấy tôi chú ý đến một mô hình bằng gỗ với hình ảnh đôi nam nữ đang song ca có hệ thống điều khiển bằng tay rất ngộ nghĩnh, cô vui vẻ cho biết đó là sản phẩm do chồng làm. Khi nói về chồng con, tôi bắt gặp trong đôi mắt hồn hậu của cô một tình yêu nồng nàn. Phải chăng từ tình yêu lớn này đã chắp cánh cho vợ chồng cô không màng danh lợi để vượt qua bao khó khăn, trở thành một gia đình nhà giáo mẫu mực với 2 cô con gái ngoan, một đã trở thành bác sĩ, một nối gót cha mẹ theo học ĐH Sư phạm Huế, khoa Hóa.

P.THỦY