Giữ nét đẹp văn hóa tâm linh qua lễ rước Cộ Bà
Tại Quảng Nam, lễ hội rước Cộ Bà chợ Được đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014. Cứ vào mồng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch, người dân địa phương và các vùng lân cận lại rủ nhau về xã Bình Triều (H. Thăng Bình, Quảng Nam) xem rước Cộ. Đây được xem là nét đẹp văn hóa đa màu sắc vẫn luôn được gìn giữ, bảo tồn và là vốn quý trong đời sống xã hội có phần “thành thị hóa” như ngày này. Về lễ Cộ Bà chợ Được, du khách sẽ nghe câu ca truyền miệng trong dân gian suốt mấy trăm năm qua: “Hằng năm 11 tháng Giêng/ Chưng cộ, hát bộ, đua thuyền tri ân”. Lễ hội rước Cộ Bà phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp vùng biển Quảng Nam, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đồng thời thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân và những mong ước bình dị về cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc của người dân. Giữa những bộn bề, đổi thay của cuộc sống hiện đại, một lễ hội truyền thống, mang ý nghĩa tâm linh sẽ là điểm nhấn trong sắc màu văn hóa dân tộc. Thực tế, lễ hội rước Cộ Bà chợ Được đã được nâng tầm và là lễ hội lớn của cả tỉnh Quảng Nam được tổ chức đều đặn hằng năm, thu hút hàng nghìn du khách tham gia.
Người dân và du khách đi xem rước Cộ Bà chợ Được. |
Lăng Bà chợ Được được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2008, tọa lạc tại thôn Phước Ấm xã Bình Triều. Đây là nơi thờ vị nữ thần đã có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Tương truyền rằng, vị nữ thần có họ Nguyễn, tên Của sinh ngày 28-2-1800 tại phiếm Ái Châu, làng Phường Chào, tổng Mỹ Hòa, H. Diên Phước (nay là xã Đại Cường, H. Đại Lộc). Bà mất ngày 19-11-1817 và được dân làng lập đền thờ tại quê nhà. Năm Nhâm Tý (1852), Bà hiển linh tại làng Phước Ấm thành một thiếu nữ xinh đẹp đổi nước, bán trầu, bốc thuốc chữa bệnh, cứu nhân độ thế, biến hóa thần thông trị tội quan tham. Và cũng chính Bà đã linh ứng tạo dựng bãi cát hoang vắng nơi này thành chợ sầm uất người mua, kẻ bán. Để tri ân công đức của Bà, người dân làng Phước Ấm lập đền thờ và đệ đơn lên triều đình xin sắc phong. Năm Mậu Tuất (1989), triều đình Huế ban sắc phong Bà là “Tế Thục Dực Bảo Trung Hưng Đăng Thần”; năm 1924 vua Khải Định lệnh tặng cho Bà là “Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”; năm Đinh Mẹo (1927) vua Bảo Đại gia tặng Bà là “Tề Thục Dực Bảo Trang Huy Thượng Đẳng Thần”. Người dân Bình Triều đón nhận sắc phong vào 11-1 âm lịch nên thành lệ từ đây cứ vào ngày 10-11 tháng Giêng, lễ rước Cộ Bà chợ Được cùng nhiều hoạt động vui chơi như: bài chòi, đua thuyền, hát bội, các trò chơi dân gian sẽ được khai hội trong niềm hân hoan, nô nức của dân làng và du khách thập phương…
Trong đó, điểm nhấn là phần rước cộ Bà với xung quanh thân cộ sẽ trưng bày các sự tích liên quan đến thần linh như hình tượng Bà bằng giấy, hình tượng các anh hùng dân tộc như: Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo và cả hình ảnh bác Hồ… do các em nhỏ vào vai luôn là sự đón chờ của người dân, du khách. Anh Nguyễn Nhật Khách, quê gốc tại Bình Triều nhưng mưu sinh ở TPHCM chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, dịp về quê ăn Tết tôi đều xin nghỉ thêm vài ngày để ở lại xem Cộ. Nếu không xem được Cộ, không hòa vào không khí lễ hội thì một năm làm việc sắp tới dường như rất tẻ nhạt. Bây giờ tận mắt chứng kiến trong lòng lại dâng lên cảm xúc thiêng liêng khó tả, rất tự hào về nét đẹp văn hóa này của quê hương”. Anh Phan Mạnh Hùng (Đà Nẵng) cho hay: “Sức hút của Cộ Bà là không cần phải nói. Năm nào gia đình tôi cũng vào dự lễ. Việc tìm về với không khí lễ hội truyền thống vẫn luôn là lựa chọn của nhiều người yêu bản sắc văn hóa dân tộc”. Tùy vào điều kiện mỗi năm mà quy mô lễ hội diễn ra lớn nhỏ khác nhau. Song, bao giờ cũng vậy, những lễ nghi truyền thống, các trò chơi dân gian, rước sắc phong Bà luôn được lưu giữ, phục dựng như thỏi than hồng mang màu sắc văn hóa dân tộc về một tín ngưỡng dân gian mãi được nhen nhóm, sẵn sàng bùng cháy.
Phi Nông