Giũ sạch rồi lòng nhẹ như không
Tôi sinh ra và lớn lên ở đây
Ba mươi năm sóng dạt dào cửa bể
Từ chiếc nôi mẹ ru từ tấm bé
Đến bầu trời thành phố tháng Ba
(Thành phố tháng Ba)
Cách đây gần 50 năm, Hoàng Tư Thiện đã viết về quê hương của mình như thế. Từ chiếc nôi mẹ ru gió biển Thanh Khê đến bầu trời trong xanh của thành phố bên sông Hàn trong những ngày tháng Ba cháy bỏng đã mang lại cho thơ anh những cảm xúc tràn đầy: “Những ngày tháng Ba đời tôi rồi qua hết/ Hãy còn đây mặt trời trên biển/ Và lòng tôi trên bán đảo bình minh”. Tháng Ba cuối cùng đời anh qua rồi. Nhưng tháng Ba trong thơ thì vẫn còn mãi mãi trong lòng bè bạn.
Bạn bè văn nghệ đến thăm nhân ngày giỗ nhà thơ Hoàng Tư Thiện. |
Có lẽ Hoàng Tư Thiện là một nhà thơ cô độc, sống ẩn khuất, khép kín trong thế giới của riêng mình. Những năm trước khi từ giã cõi đời, Hoàng Tư Thiện hay ngồi một mình trước cửa, nhìn xa xăm như là không nhìn vào đâu cả. Mỗi chiều, với vài ly rượu trắng đơn độc, sẻ chia với mình về những bất hạnh của một người đàn ông đi tìm chân dung mình trong cuộc đời này. Hơn 50 năm xa xăm, mờ mịt. Hạnh phúc chạy trốn anh, mà có lẽ anh cũng chẳng mơ màng một thứ hạnh phúc gì ngoài thơ: Bao lần soi mặt vào gương/Ngỡ như thoắt hiện lại dường như xa/Mảnh gương trong vắt kia mà/Sao tôi tìm mãi không ra bóng mình (Đi tìm).
“Cái bóng“ ấy là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong thơ Hoàng Tư Thiện: “Tôi ngồi với bóng tôi mà/ Tôi và chiếc bóng nữa là có đôi”. Có lần, anh nới với tôi, tìm không thấy người nên phải tri âm với bóng, vậy thôi. “Soi vào khắp cõi người ta/ Biết bao giờ mới nhận ra chính mình”. Và mãi mãi, Hoàng Tư Thiện chỉ một bóng với những buồn vui trong đời, một mình lầm lũi, trôi dạt với thơ: Cái bóng trong tôi/ Cái bóng ngoài đời/ Cái hư/ Cái thực/ Cái mất/ Cái còn/ Cái có/ Cái không/ Chập chờn/ Cái bóng”. Dường như phảng phất một chút triết lý của nhà Phật, cộng với sự chiêm nghiệm lẽ đời rất thi sĩ của anh, nên khổ cuối bài thơ “Cái bóng” đã tạo ra cho người đọc một cảm xúc sâu lắng, gợi lên bao điều để chúng ta suy nghĩ về cuộc đời này: “Tắt đèn/ Mất bóng/ Tôi nhìn/ Thấy tôi”. Bây giờ, anh đã mất bóng rồi. Hoàng Tư Thiện đã thấy rõ lẽ đời và biết mình đã phải tồn tại với thế gian này để làm gì?
Tôi quen thân Hoàng Tư Thiện đã lâu, từ ngày anh có mặt trên tờ báo Đối diện, một tạp chí phát hành bí mật ở miền Nam lúc bấy giờ. Đây là nơi quy tụ những trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước, chống chính quyền Sài Gòn. Hoàng Tư Thiện có không ít những bài thơ đề lại dấu ấn cho người đọc lúc bấy giờ. “Đất nước” là một trong những bài thơ như thế: Cây giữ đất và đê điều giữ nước/Mến thương con, hoa quả giữ mùa/Cơm áo sông Hồng mở đường Nam tiến/Nghĩa phù sa, máu đỏ như thơ… Là Việt Nam bốn nghìn năm đó/Hịch truyền ghi sông núi xa gần/Cở trỏ Đông Đô hồi trống giục/ Thế nhân dân, trúc chẻ ngói tan…(Đất nước, 1970)
Có một Hoàng Tư Thiện ngày ấy với đất nước. Anh đi tìm bóng mình, hay đi “tìm hình của nước”? Thơ là hình thức tối cao của tự do. Và thơ anh một thời đã góp vào tiếng nói tự do ấy của dân tộc, đi tìm Tổ quốc mình: “Đường Bắc Nam gần thêm bước nữa/ rộng vô cùng tình nghĩa nhân dân”. Đọc lại những câu thơ cách đây hơn 50 năm của Hoàng Tư Thiện, tôi vẫn đầy niềm kính trọng và không che dấu được những giọt nước mắt: Bát nước qua đò con chưa kịp uống/Mẹ đã rót thêm ánh mắt dịu hiền; Hay: Đường lịch sử về trong ánh sáng/Những mùa thu nên vóc nên hài/Buổi rạng đông của thời cách mạng/Cỏ hoa hèn cũng ngát hương mai”. (Đất nước)
Thơ và cuộc đời Hoàng Tư Thiện dường như còn ấm ức điều gì. Anh sống và viết như một lẽ thường tình, bài thơ viết xong như một số phận, cứ tự bươn chải mà sống, không mưu cầu gì ngoài giải tỏa ấm ức tâm hồn mình. Hoàng Tư Thiện hồn nhiên khóc cười, anh vừa nuối tiếc lại vừa đón nhận mọi cay nghiệt của đời sống: Nào cay đắng ngọt bùi tôi đã cạn/Men vị đời còn ấm trên tay/Tôi đã khóc thưở ban đầu thương mến/Và sẽ cười thanh thản sớm mai sau/... Mai mốt khi nào tôi vắng bóng/Mai mốt song trôi về biển khác/Nhớ ngày tôi đi giữa cuộc đời. (Với cuộc đời)
Cả cái chết, Hoàng Tư Thiện cũng đón nhận một cách thanh thản. Có phải vì những cay đắng ngọt bùi đã cạn mà anh không vướng bận, hay vì cuộc đời này dửng dưng, mà thơ anh đầy vẻ cam chịu với số phận: “Cát với tôi là một/ Cát với tôi là hai/ Giũ sạch rồi/ lòng nhẹ như không”. Bài thơ cuối cùng chép tay gửi bạn bè, dường như Hoàng Tư Thiện đã dự cảm được sự ra đi của mình: Hãy để hồn an nghỉ một đêm nay/Đầu sẽ gối lên tay này cô độc/Hãy để hồn sống nốt đêm nay/Đêm sắp tắt hay mắt ai chừng đã khép? (Chiêu hồn)
Thế mà, “Trong đêm tối trái tim mình vẫn đập/ Thể phách còn đây sao hồn chẳng nói năng”. Trái tim ấy không chịu dừng với bao khát vọng của tình yêu. Hồn anh vẫn còn quanh quẩn đâu đây, như một phép màu, anh trở lại: Có kẻ nào trong ta cựa mình thức dậy./Thở quanh đây từng đốm lửa lưu huỳnh/Không biết nữa cửa nào mở vậy/Có ai vừa vén hộ ánh bình minh. (Chiêu hồn)
Một Hoàng Tư Thiện khác vừa nhập xác hay chính là anh yêu tha thiết cuộc đời này, mà không muốn xa rời ngọn gió Thanh Khê, giữa những ngày tháng Ba, nơi anh hằng yêu mến.
Nguyễn Ngọc Hạnh