Giúp học sinh vùng sâu, vùng xa đến lớp

Thứ hai, 06/01/2014 11:29

(Cadn.com.vn) - Tình trạng học sinh bỏ học ở Gia Lai từ nhiều năm nay ở các trường lớp học vùng sâu, vùng xa đã trở thành “điểm nóng”, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh, trong năm học 2011 - 2012, số học sinh cấp tiểu học bỏ học trong toàn tỉnh là 883 em (680 học sinh dân tộc, năm học 2012 - 2013 là 1.189 em (570 học sinh dân tộc); cấp THCS có số học sinh bỏ học năm 2011 - 2012 là 2.401 em (1.616 học sinh dân tộc) và năm 2012 - 2013 là 2.135 em (hơn 1.500 học sinh dân tộc).

Số học sinh ở các cấp bỏ học hầu như ở địa phương nào trong tỉnh cũng có, nhiều nhất là ở địa bàn các huyện Krôngpa, Ia Pa, Ia Grai, Đức Cơ, Chưprông...Riêng ở các trường học cấp trung học cơ sở ở huyện Chưprông trong 2 năm học gần đây, năm nào cũng có từ 350 - hơn 400 học sinh bỏ học.

Con đường đến trường cả chục cây số là một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh ở Gia Lai bỏ học.

Bà Nhan Thị Hằng Nga - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho biết: Mới đây, ngành cũng đã tổ chức cuộc Hội thảo để tìm hiểu rõ những nguyên nhân chính tác động đến tình trạng học sinh bỏ học ở các trường học vùng sâu, vùng xa, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số.

Có 4 nhóm nguyên nhân chính đã được xác định, đó là: Nhóm nguyên nhân từ hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn, trẻ em phải sớm tham gia lao động để phụ giúp bố mẹ, gia đình không hạnh phúc và dẫn tới việc thiếu sự quan tâm chăm lo cho con cái.

Nhóm nguyên nhân từ phía nhà trường còn thiếu cơ sở vật chất, quan hệ thầy trò và bạn bè ít thân mật, bất đồng ngôn ngữ đối với học sinh dân tộc thiểu số, chất lượng dạy học và phương pháp giảng dạy thiếu tính sáng tạo để gây hứng thú học tập cho học sinh.

Nhóm nguyên nhân từ phía xã hội và cộng đồng chưa thật sự phát huy vai trò của các cơ quan, đoàn thể và các tổ chức xã hội tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục, khoảng cách đến trường xa và điều kiện đi lại khó khăn.

Nhóm nguyên nhân xuất phát từ bản thân học sinh do xấu hổ với bạn bè vì học lực yếu dẫn đến thiếu tự tin và không thích đến trường, sức khỏe kém, bệnh tật hoặc khuyết tật, cảm thấy việc học quá buồn tẻ.

Tỉnh Gia Lai đang tập trung chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và các ngành chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp quan trọng, nhằm duy trì sĩ số học sinh ở các trường lớp học ở vùng sâu, vùng xa.

7 giải pháp quan trọng đã được đề ra, trên cơ sở xác định những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học hàng năm, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số. Đó là: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện hệ thống trường lớp; nâng cao chất lượng giáo viên; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; cải thiện điều kiện kinh tế cho các hộ nghèo; tuyên truyền nâng cao nhận thức của các hộ gia đình; nâng cao vai trò của chính quyền địa phương; tăng cường hỗ trợ về vật chất cho đối tượng trẻ em người dân tộc thiểu số.

Văn Thông