Gõ cửa ngày mới

Thứ năm, 01/01/2015 10:10

(Cadn.com.vn) - Trong muôn vàn biến động của cuộc sống, cứ tưởng những người bị án phạt tù tha về địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn để hòa nhập cộng đồng nhưng thực tế lại khác rất nhiều. Không ai khác, chính bản thân họ đã biết vượt lên số phận, tạo cho mình một cuộc sống mới ngày càng tươi đẹp...

Lực lượng CA tỉnh Lâm Đồng gặp gỡ, động viên người thi hành xong án phạt tù về địa phương.

CÓ NHỮNG CON NGƯỜI NHƯ THẾ

Gặp ông Tạ Văn Hoàn, thôn 13, xã Hòa Bắc, H. Di Linh (Lâm Đồng) trông ông rất tự tin và vui vẻ, khác xa những ngày vừa mới mãn hạn tù năm 2011. Ông Hoàn bảo: “Lúc đầu cũng mặc cảm lắm nhưng rồi được anh em CA xã, huyện gần gũi, tư vấn, giúp đỡ nhiều thứ nên cũng quen dần và quyết tâm hướng đến tương lai”. Vốn bản tính cần cù, chịu khó và được mọi người động viên, ông Hoàn vay vốn ngân hàng để kinh doanh vận tải hành khách, đầu tư nuôi trồng thủy sản và trồng rừng. Hiện nay, ông Hoàn đang sở hữu 6ha cà-phê, 40ha mặt nước nuôi cá, hợp đồng trồng 20ha rừng cùng với phương tiện kinh doanh vận tải khách. Ông Hoàn phấn chấn cho biết: “Bây giờ thu nhập bình quân mỗi năm cũng được hơn 150 triệu đồng. Có điều kiện rồi mình lại giúp anh em khác”.

Trong khi đó, ông Trần Văn Nhiệm (1959), trú thôn Hương Thanh, xã Hương Lâm, H. Đạ Tẻh (Lâm Đồng) bộc bạch về chuyện của mình: “Đã một lần phạm tội là nhớ suốt đời. Bởi vậy, sau khi ở tù về, tôi được CA, chính quyền địa phương giúp đỡ rất nhiều, trong đó có cả việc 30 triệu đồng vay vốn của ngân hàng. Từ nguồn kinh phí ít ỏi đó, tôi đã tập trung phát quang đất để trồng 2ha mía, 0,3ha cao su, 1ha điều ghép, 0,5ha sầu riêng. Bây giờ có thể yên tâm rồi khi mỗi năm tôi có khoảng thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng”.

Hay như anh Hồ Ngọc Huy (1986), trú số 16, kiệt 1, Hoàng Diệu, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) sau khi ra tù đã tiếp tục học lớp 12 và đã thi đậu vào Trường Đại học Yersin-Đà Lạt. Sau khi ra trường, anh Huy được nhận vào làm việc tại Cty Thêu XQ Đà Lạt, có thu nhập bình quân hàng tháng hơn 3 triệu đồng. Ngoài thời gian làm việc tại XQ, hàng đêm anh còn phụ gia đình buôn bán tại Chợ Đà Lạt để đỡ đần thêm cuộc sống của cả nhà.

Cũng có nhiều người ngay sau khi ra tù vừa lo làm ăn, vừa tham gia nhiệt tình trong công tác địa phương và không ít trong số họ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam như anh Lê Văn Công (1961), trú P.12, TP Đà Lạt... Đó mới chỉ là con số rất nhỏ trong số hàng ngàn người ở tỉnh Lâm Đồng chấp hành xong án phạt tù, đặc xá về địa phương đã được cộng đồng mở hướng tìm lối ra để làm kinh tế, ổn định cuộc sống, không tái phạm.

NHIỀU MÔ HÌNH HAY

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Đình Thư, Phó Giám đốc CA tỉnh Lâm Đồng cho hay, lực lượng CA các cấp đã làm tốt vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu, hướng dẫn việc điều tra khảo sát nhằm phát hiện các mô hình về tái hòa nhập cộng đồng để qua đó tiếp tục xây dựng, củng cố và nhân rộng.

Hiện tỉnh Lâm Đồng đang có 4 mô hình về tái hòa nhập cộng đồng đang hoạt động và phát huy tốt tác dụng. Đó là mô hình “Bố trí việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương” của Ban CAX Đạ Ròn, H. Đơn Dương (Lâm Đồng) đã giúp cho 9 người trong diện vào làm việc tại một số công ty đang đầu tư trên địa bàn với các cam kết và hợp đồng lao động rất rõ ràng, chi tiết, giúp họ yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài. Mô hình “Phối hợp với gia đình để quản lý, giám sát, giáo dục, động viên người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” của CAX Mê Linh, H. Lâm Hà và kết quả là đã có 95% người chấp hành xong án phạt tù tiến bộ, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Trong khi đó, với mô hình “Vận động thân nhân cùng lực lượng CA giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng”, CATT Đạ Tẻh, H. Đạ Tẻh đã thu hút hơn 90% gia đình cùng đồng hành làm tốt công tác này. Đơn cử như trường hợp chị Bùi Thị Bé có 3 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, khi ra tù tiếp tục sống lang thang, bị mọi người xa lánh. CATT  Đạ Tẻh đã phối hợp gia đình, chính quyền địa phương thường xuyên gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ mua một nếp nhà cũ để Bé có nơi ở, tạo cho Bé nghề đan sọt tre, sớm hòa nhập cộng đồng.

Cũng với mô hình thăm gặp, cảm hóa, giúp đỡ nhưng CAX Hương Lâm, H. Đạ Tẻh đã tập hợp được nhiều lực lượng để xây dựng 2 nhà tình thương cho 2 người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn, cấp 5 ha đất sản xuất cho 1 người khác; tạo điều kiện cho 2 người vay hơn 30 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác để làm ăn; tạo việc làm cho 3 người có thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng.

Với những người đã từng ở tù tha về để từ bỏ được một quá khứ lỗi lầm là điều không dễ nhưng với sự góp tay của cả cộng đồng, trong đó có lực lượng CA, họ đã biết vượt qua những khó khăn, thử thách để hòa nhập, mở ra một chân trời mới cho cuộc sống ở trên vùng đất cao nguyên giàu truyền thống này.

P.K