“Gỡ khó” cho con em công nhân tại các khu công nghiệp

Thứ hai, 21/12/2020 22:17

Từ nhiều năm nay, Nghệ An đã bàn rất nhiều giải pháp để xây dựng trường mầm non cho con em công nhân ở các khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên cho đến nay kế hoạch vẫn chưa được triển khai, dù nhu cầu của phụ huynh là rất lớn.

Giờ học ngoại khóa tại trường MN Thanh Xuân, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An.

Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển GDMN, trong đó nêu rõ trẻ em có cha hoặc mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, lao động đang làm việc tại các KCN được nhận mức hỗ trợ 160.000 đồng/tháng, được xem là một giải pháp thiết thực. Bên cạnh đó, Nghị định cũng đưa ra mức hỗ trợ 20 triệu đồng/năm đối với các cơ sở GDMN độc lập ở địa bàn có KCN thuộc loại hình dân lập, tư thục có từ 30% trẻ em là con công nhân. Đồng thời, giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở GDMN thuộc loại hình này cũng được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng.

Trường MN Thanh Xuân là một trong số ít trường mầm non ngoài công lập ở thị xã Hoàng Mai. Sau 3 năm đi vào hoạt động, hiện trường có hơn 400 học sinh, trong đó trên 100 cháu là con em công nhân lao động. Do đặc thù trên, trường MN Thanh Xuân cũng là một trong những trường có số xe đưa đón nhiều nhất tỉnh, bởi đa phần công nhân đi làm rất sớm và về nhà muộn. Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 100 con em công nhân KCN Đông Hồi, thu nhập thấp, vì thế mong muốn Nghị định sớm được triển khai để giảm bớt khó khăn cho con em công nhân cũng như cơ sở mầm non.

Xã Hưng Đông (TP Vinh) có 15 cơ sở mầm non tư thục hoạt động, nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Học sinh chủ yếu là con em công nhân đang làm việc tại KCN Bắc Vinh hoặc KCN VSIP. Trường MN Búp Sen xanh có đến 50% học sinh là con em công nhân, nên mọi hoạt động của nhà trường cũng theo lịch của bố mẹ các cháu là đón trẻ sớm từ lúc 6 giờ và trả trẻ vào lúc 7-8 giờ tối. “Thực tế, khi có con gửi ở nhà trẻ tư, phụ huynh phải chi phí nhiều hơn, nhưng chúng tôi cũng cố gắng tiết giảm mọi chi phí để phù hợp với điều kiện của phụ huynh. Chẳng hạn, nếu các trường tư khác học phí có thể lên đến hơn 1 triệu đồng/tháng, nhưng với các trường gần KCN, chỉ khoảng 700-800.000 đồng/tháng, tiền ăn cũng chỉ 20.000 đồng/ngày, ít hơn cả trường công, dù các cháu được ăn sáng”, cô giáo Đặng Thùy Dung, chủ cơ sở MN Búp Sen xanh cho biết.

Tại Nghệ An, đến tháng 12-2020, tỉnh có 4 KCN được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo quy định của pháp luật. Qua thống kê của Sở GD-ĐT, hiện có 16 cơ sở GDMN độc lập với khoảng 600 trẻ thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ đang học tập. Khảo sát của Sở cũng cho thấy, mức thu học phí bình quân của các cơ sở GDMN độc lập trên địa bàn có KCN là 600.000 đồng/trẻ/tháng, bằng 60% so với học phí các trường tư thục trên cùng địa bàn. Trong khi đó, hiện mức lương bình quân của giáo viên làm việc tại các cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở các KCN cũng chỉ bằng 56,9% so với mức lương bình quân của giáo viên làm việc tại các cơ sở GDMN công lập cùng địa bàn. Đa phần giáo viên đang làm ở các cơ sở tư thục đều đang trẻ, phải ở trọ và điều kiện sống còn nhiều khó khăn.

Với các cơ sở GDMN, do mức thu học phí thấp nên các chủ nhóm, lớp độc lập không có nguồn tích lũy để bổ sung đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và tu sửa cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em. Do đó, nguy cơ rủi ro về tai nạn, thương tích ở nhóm đối tượng này thường cao hơn các trường công lập, tư thục. Với những khó khăn trên, khi Nghị định 105 của Chính phủ được thực hiện sẽ hỗ trợ tích cực cho giáo viên, học sinh và cả những cơ sở GDMN tư thục.

Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: Sở đã khảo sát và lập dự toán kinh phí hỗ trợ với tổng kinh phí cho cả 3 đối tượng là gần 1,6 tỷ đồng/năm. Số tiền này không lớn, nhưng sẽ là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho người lao động và phần nào chia sẻ với những khó khăn của công nhân đang làm việc tại các KCN.

Bích Huệ