Gỡ khó cho doanh nghiệp cần gỡ đúng “nút thắt”
Khó khăn của doanh nghiệp (DN) thì chồng chất và TP cũng không đủ nguồn lực để hỗ trợ hết. Nhưng nếu gỡ đúng “nút thắt” sẽ giúp DN vượt qua khó khăn của đại dịch, góp phần phục hồi kinh tế nhanh hơn.
Tình trạng thiếu container ở các cảng khiến DN xuất khẩu phải trả chi phí thuê tăng gấp nhiều lần.
Doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, vận tải có những khó khăn riêng, “nút thắt” khác với DN sản xuất, xuất khẩu. Do đó, chính sách hỗ trợ cần đúng đối tượng và phù hợp. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vitours cho biết, khoảng 300 lao động trong khối khách sạn và 100 lao động khối lữ hành của Công ty đã phải nghỉ việc không lương từ tháng 3-2020 tới nay. Họ là những lao động có hợp đồng, thuộc DN nhưng không được hỗ trợ, trong khi lao động tự do, không có hợp đồng theo qui định được hỗ trợ. Khi đã thất nghiệp thì có hợp đồng hay không đều khó khăn như nhau. Điều DN mong muốn nhất là có chính sách hỗ trợ số lao động này duy trì cuộc sống để khi du lịch hoạt động trở lại có sẵn nhân lực làm việc. Đây là lĩnh vực kinh tế chủ lực, được Đà Nẵng đầu tư lớn thời gian qua. Tuy vậy, thống kê mới nhất cho thấy, hiện 295/310 DN lữ hành, 16 khu điểm du lịch, 931/1.231 cơ sở lưu trú, khách sạn, 330/350 đơn vị xe vận chuyển, 19 đơn vị vận chuyển du lịch đường thủy tạm ngừng hoạt động.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng nói rằng, TP đã có hỗ trợ cho lao động du lịch vay vốn duy trì cuộc sống, hỗ trợ tiêm vaccine, tuy nhiên cái hỗ trợ tốt nhất cho DN lúc này là làm sao khôi phục hoạt động trở lại. “Chúng tôi đã có kịch bản, phương án đón du khách và chống dịch đảm bảo an toàn. Bây giờ chỉ mong TP có lộ trình mở cửa dần bằng cách tạo luồng xanh cho du khách, mở cửa đường bay tới Đà Nẵng. Khách đã xếp hàng rồi, chỉ cần có luồng xanh, thẻ xanh vaccine là sẽ vào Đà Nẵng”- ông Dũng chia sẻ.
Nhiều DN khối dịch vụ, vận tải, du lịch cũng đều cho rằng bên cạnh chính sách hỗ trợ giãn nợ, giảm lãi suất, thuế, phí thì cái cần hỗ trợ nhất lúc này là mở cửa để được ổn định kinh doanh. Ông Lê Tấn Thanh Tùng nói: Điều chúng tôi mong muốn nhất là TP có giải pháp kiểm soát dịch để mở cửa kinh doanh ổn định. Chứ mở rồi vài bữa lại đóng, phập phù như vậy, DN không dám hoạt động trở lại vì chi phí tốn kém vô cùng.
Không giống với lĩnh vực dịch vụ, “nút thắt” lớn nhất với các DN sản xuất, xuất khẩu chính là dòng lưu chuyển hàng hóa, nguyên liệu và nhân lực. Các DN này phải đối mặt với “khó khăn kép”, vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra, đồng thời việc xuất hiện các ca lây nhiễm trong KCN buộc họ phải sản xuất “3 tại chỗ” chi phí tăng cao. Ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng giám đốc Heineken Đà Nẵng cho biết, nếu phải duy trì sản xuất “3 tại chỗ” cho 1 ngàn công nhân thì hết năm nay DN tốn khoảng 100 tỷ đồng. Vì thế, DN cần được TP hỗ trợ để chủ động giải pháp, mô hình riêng có thể vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn. Cũng theo ông Phúc, hiện nay việc lưu thông hàng hóa, nguyên liệu, nhân lực giữa các địa phương rất khó khăn do thiếu nhất quán giải pháp, điều kiện khi kiểm soát dịch ở cửa ngõ mỗi địa phương. Đặc thù DN sản xuất ở Đà Nẵng phải nhập nguyên liệu từ địa phương khác về song việc lưu thông khó khăn đã ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất.
Nhân lực, chuyên gia là “nút thắt” với doanh nghiệp FDI rất cần được tháo gỡ.
Với các DN FDI sản xuất, xuất khẩu, “nút thắt” với họ cần được tháo gỡ còn ở nguồn nhân lực, chuyên gia, hạ tầng viễn thông. Ông Kim Jong Bok -Giám đốc Trung tâm nghiên cứu LG VS tại Đà Nẵng cho biết, việc tuyển nhân lực chất lượng cao tại Đà Nẵng hiện khó khăn do vậy đơn vị phải điều chuyển nhân sự, chuyên gia từ các địa phương khác về Đà Nẵng. Tuy nhiên, do yêu cầu chống dịch, việc điều chuyển nhân lực vào Đà Nẵng hiện rất khó. Ông Kim cho rằng, để đảm bảo cho các công ty toàn cầu như LG hoạt động hiệu quả tại Đà Nẵng thì TP cần có chính sách phát triển nhân lực chất lượng cao cũng như thu hút nhân tài từ khắp Việt Nam về đây. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng cần cải thiện hạ tầng viễn thông tốc độ cao, giá phải chăng. Bởi lẽ, đây là một trong những yếu tố lớn nhất đang làm giảm năng suất khi người lao động làm việc tại nhà.
Nhiều DN sản xuất, xuất khẩu cũng phản ánh và mong muốn được gỡ “nút thắt” về chi phí lưu container tại cảng, tình trạng thiếu container. Ở một số cảng giá thuê container đã tăng gần 6 lần so với đầu năm 2020 nhưng vẫn rất khó đặt được container do tình trạng được báo là thiếu container tại các cảng, các tuyến. Ngay cả khi DN đã đăng ký được container đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu rồi nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục hoãn chuyến gây nên việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu nhất là các đơn hàng phải giao để kịp quota nhưng tàu hoãn dẫn đến chậm trễ buộc phải hủy giao hàng, chi phí lưu container ở cảng cũng tăng lên gấp bội. DN xuất khẩu rất mong được tháo gỡ các khó khăn hiện nay về chi phí logistics, tình trạng thiếu container... để đưa ra các giải pháp hạn chế tình trạng thao túng giá, đẩy giá của một số bên.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP tới tháng 9-2021 hơn 63 ngàn tỷ đồng, trong đó số dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hơn 7 ngàn tỷ đồng; số dư nợ được miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ hơn 3,2 ngàn tỷ đồng. Về hỗ trợ các chính sách thuế, TP đã triển khai giảm một số khoản thu phí, lệ phí khoảng 50 tỷ đồng, giảm thuế thu nhập DN năm 2020 hơn 77 tỷ đồng, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất năm 2021 với số tiền giảm hơn 1 ngàn tỷ đồng (128 tỷ đồng tiền thuê đất). Ngoài ra, từ đầu năm đến ngày 15-9, TP cũng đã chấp thuận cho 223 lượt người là chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại 56 DN. Hiện nay TP đang xem xét hỗ trợ 25% phí sử dụng hạ tầng tại các KCN trong năm 2021 cho DN, hỗ trợ 30% lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động trong thời gian 3 tháng với DN du lịch, vận tải logistic, công-nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, TP sẽ tạo điều kiện cho DN nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển của TP với lãi suất 0% trong 2 năm.
HẢI QUỲNH