Gỡ "nút thắt" trong đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy

Thứ hai, 30/12/2019 11:48

Những "nút thắt" đặt ra

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn TP vừa được tổ chức mới đây, Đại tá Trần Mưu- Phó Giám đốc CATP cho biết, tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn TP luôn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Ngoài nguyên nhân từ điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm rất tinh vi và luôn thay đổi..., thì khó khăn cho lực lượng chức năng khi đấu tranh với loại tội phạm này là nhiều loại ma túy tổng hợp mới xuất hiện nhưng chưa được quy định trong danh mục quản lý của Chính phủ cũng là cơ sở làm gia tăng tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn. Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính với quan điểm người nghiện ma túy là người bệnh đã làm gia tăng số người nghiện, người sử dụng ma túy tại cộng đồng, gây khó khăn cho công tác quản lý và tác động đến tình hình ANTT của Đà Nẵng.

Ngoài tăng cường công tác đấu tranh, thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên về tác hại của ma túy để phòng tránh cũng là giải pháp cần tập trung.

Về mặt chủ quan, Đại tá Trần Mưu cho rằng, một số cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể... tuy có quan tâm đến công tác phòng chống ma túy nhưng đầu tư cho công tác này chưa nhiều, mà chủ yếu giao cho lực lượng CA nên kết quả công tác phòng chống ma túy chưa cao như mong muốn. Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy tuy có cố gắng nhưng các lực lượng chức năng chưa phát hiện được các đường dây, đầu nậu ma túy lớn mà chủ yếu là các vụ nhỏ lẻ; công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức; công tác quản lý sau cai còn gặp nhiều khó khăn...

Đồng quan điểm nêu trên, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP cũng cho rằng pháp luật về phòng chống ma túy còn bất cập. Đơn cử, Luật Phòng, chống ma túy quy định trách nhiệm của người nghiện, gia đình người nghiện tự giác khai báo về tình trạng nghiện với UBND cấp xã, phường nhưng chưa có chế tài xử lý phù hợp đối với việc không khai báo; một số cấp ủy địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa sâu sát, nên công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, quản lý sau cai không thường xuyên...

Theo đại diện TAND TP, thực tiễn quá trình giải quyết xét xử các loại án hình sự về ma túy, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của TAND hai cấp TP thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Cụ thể, tội phạm ma túy có khung hình phạt cao và một số bị cáo trước khi phạm tội đã có tiền án, tiền sự nên thường ngay sau khi bị bắt thì khai báo thành khẩn, nhưng sau đó trong quá trình điều tra hoặc khi ra phiên tòa đã thay đổi lời khai, khai báo gian dối, đổ trách nhiệm cho nhau, gây khó khăn cho việc xét xử. Đối với công tác xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa án, áp dụng biện pháp cai nghiện thì đây là loại việc phải qua nhiều khâu, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan...

Gỡ thế nào?    

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên, theo Đại tá Trần Mưu, một trong những bài học rút ra qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Thành ủy là phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và vận động nhân dân tham gia công tác phòng, chống và kiểm soát tội phạm và tệ nạn ma túy. Đồng thời, phát huy tính tích cực, chủ động trong tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, khắc phục những hạn chế, thiếu sót; tham mưu, đề xuất kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác phòng, chống ma túy. Song song là xây dựng các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo công ăn việc làm, quản lý, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng tù tha về, thanh thiếu niên hư, người nghiện, từ đó đẩy lùi các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội.

Theo ông Lê Tự Gia Thạnh- Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hải Châu, công tác đấu tranh không chỉ có sự vào cuộc của một hoặc vài đơn vị, địa phương, lực lượng nào mà phải là sự vào cuộc quyết liệt, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xem đây là nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trên cơ sở phát huy tích cực vai trò và sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Ngoài ra theo ông Thạnh, cùng với đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động, phải tăng cường các biện pháp mạnh, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy; mở các đợt ra quân, test và xử lý triệt để các đối tượng nghiện...

D.H