Gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam: Loay hoay kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu hải sản

Thứ tư, 08/08/2018 08:57

Chỉ còn vài tháng nữa là  đến thời điểm ngành thủy sản Việt Nam phải đối diện với nguy cơ nhận thẻ đỏ xuất khẩu thủy sản của Ủy ban Châu Âu (EC). Thế nhưng đến thời điểm này, đa số các cảng cá tại Quảng Nam vẫn chưa thể kiểm soát được số lượng tàu cập cảng và chưa có khả năng chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản sau khai thác. Điều này đang là một thách thức rất lớn bởi  quy định của EC là  yêu cầu tất cả các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào thị trường châu Âu (EU) phải có chứng nhận khai thác, có thông tin về các loài, vị trí khai thác, tàu cá, ngày khai thác và hoạt động trung chuyển, tuân thủ quy định khai thác IUU. Trường hợp sản phẩm bị nghi ngờ là IUU, các quốc gia thành viên EU có thể từ chối nhập khẩu, sẽ gây thiệt hại nặng nề đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Cơ sở hạ tầng tại các cảng cá yếu kém là nguyên nhân chính khiến Quảng Nam chưa kiểm soát được nguồn gốc hải sản.

Thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục cảnh báo của EC, Sở NN&PTNT Quảng Nam đã tổ chức 6 đợt tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho 330 ngư dân ở các địa phương. Tổ công tác liên ngành tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát tàu cá có công suất trên 90CV trước khi xuất bến. Cơ quan chức năng cũng tăng cường thẩm định, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản. Trong khi đó, tổng số tàu đăng ký sản xuất xa bờ toàn tỉnh là 788 chiếc, đem lại sản lượng hải sản gần 50 nghìn tấn mỗi năm. Tuy nhiên, từ khi Chỉ thị 45 ban hành đến nay, tổng số tàu cá cập cảng cơ quan chức năng thống kê được chỉ có 75 lượt, tổng sản lượng hải sản khai báo chỉ có 740,3 tấn.

Ông Nguyễn Đình Sơn – Phó phòng nông nghiệp H. Núi Thành cho biết hiện nay trên địa bàn huyện có rất nhiều bến cá nhỏ lẻ khiến địa phương rất khó quản lý lượng hải sản ngư dân xuất đi. Hiện nay chỉ có cảng An Hòa là có ban quản lý cảng trực thuộc Sở nông nghiệp quản lý là có đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc. Còn tại H. Duy Xuyên, theo ông Nguyễn Văn Giang – Chuyên viên phòng nông nghiệp cho biết: “Hiện nay cảng An Lương trên thực tế số tàu cập cảng không nhiều vì nó cũng là cảng nhỏ. Còn âu thuyền Hồng Triều thì chủ yếu là nơi trú tránh bão. Sau này tỉnh có chủ trương nâng cấp lên thành cảng cá thì lúc đó mới có đủ khả năng kiểm soát. Có cảng cá lớn thì mới có ban quản lý, có con người, có chức năng kiểm tra kiểm soát. Những tàu cá lớn để xuất khẩu thì lại chọn những cảng lớn để vào xuất hàng nên chúng tôi hoàn toàn không nắm được vấn đề này”.

Không chỉ những địa phương có cảng nhỏ không nắm được số lượng tàu và hải sản cập bến mà tại TP Hội An nơi có lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn cũng không có khả năng chứng nhận nguồn gốc hải sản sau đánh bắt. Theo ông Lê Đình Tường – Phó phòng Kinh tế TP Hội An cho biết: “Phần lớn hàng hóa tàu cá của Hội An thì ngư dân đều trao đổi buôn bán ở cảng cá Thọ Quang – TP Đà Nẵng. Do cảng Thanh Hà nằm sâu trong đất liền cách cửa biển tận 10km nên chủ yếu tàu thuyền nhỏ lẻ ghé vào phục vụ tại chỗ, cảng không đủ khả năng đáp ứng tàu có trọng tải lớn. Chỉ có một số ít tàu họ liên hệ qua đầu nậu thu mua thì mới mang về cảng Thanh Hà. Sau khi các đầu nậu thu mua thì họ sẽ nhập về các công ty xuất khẩu. Kiểm tra IUU thì phải thông qua cảng, cảng phải đảm bảo hạ tầng để tàu cập bến và phải có bộ máy tổ chức, quản lý, điều này thì Hội An chưa có nên lâu nay không có cách gì quản lý nguồn gốc hải sản”.

Ông Tường cũng cho biết, do việc mở rộng cảng cá gây ảnh hưởng đến môi trường chung trong khi định hướng của TP Hội An là phát triển du lịch bền vững nên nhiều khả năng sẽ không được mở rộng cảng. 

Hiện nay, nhiều tàu có công suất lớn ở Quảng Nam chủ yếu xuất hàng tại cảng Thọ Quang – TP Đà Nẵng hoặc mua bán hải sản trên biển.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, Quảng Nam mới chỉ kiểm soát tàu cá cập cảng ở cảng An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) còn các cảng khác như Tam Quang (Núi Thành), Thanh Hà (Hội An), An Lương (Duy Xuyên) hay các bến cá khác chưa thực hiện được. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh chưa doanh nghiệp nào có yêu cầu xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản.  Theo bà Tâm, bất cập trong công tác xác nhận nguồn gốc xuất xứ của hải sản khai thác là hiện nay các cảng cá do Nhà nước đầu tư thiếu đồng bộ, dịch vụ đi kèm hạn chế nên số tàu cập cảng, vận chuyển hải sản chiếm tỷ lệ rất ít. Trong khi đó, phần lớn tàu cập các cầu cảng của tư nhân có nhiều dịch vụ đi kèm; mặt khác một số tàu cá thực hiện bán hải sản trên biển, nên không thể kiểm soát được.

Bà Tâm cho biết sắp tới sẽ tham mưu Sở NN&PTNT thành lập các tổ xác nhận nguồn gốc xuất xứ hải sản khai thác ở tất cả khu vực có tàu cá cập bờ bán hải sản trên địa bàn tỉnh để phối hợp chặt chẽ với đơn vị thu mua hải sản thực hiện xác nhận nguồn gốc hải sản.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết trong thực hiện kiện toàn các quy định của EC, thuận lợi của Quảng Nam là toàn tỉnh không có tàu cá khai thác hải sản trái phép tại các vùng biển nước bạn. Vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là làm thế nào kiểm soát lượng hải sản cập bờ. Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực, điều phối và chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến; kiểm tra tàu cá khi cập bến, chuyển cá lên bờ; kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trong khi khai thác hải sản trên biển qua hệ thống liên lạc có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS. Trong thời gian đến tỉnh đã có kế hoạch đầu tư nâng cấp các cảng cá, hậu cần nghề cá để có thể đáp ứng được yêu cầu của các tàu có công suất lớn. Việc đầu tư này không chỉ nhằm thực hiện việc kiểm tra quản lý lượng hải sản xuất – nhập mà còn góp phần quy hoạch lại nghề khai thác thủy sản chuyên nghiệp hơn.

HÀ DUNG

XỬ PHẠT 12 PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC THỦY SẢN

Ngày 7-8, Thanh tra Chi cục Thủy sản hoàn tất hồ sơ đề nghị xử phạt đối với 12 tàu cá vi phạm các quy định trong quá trình đánh bắt. Qua công tác thanh tra, kiểm tra nhằm tăng cường giám sát tàu cá hoạt động trên biển, góp phần khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục Thủy sản, BCH BĐBP thành phố và Đồn Biên phòng Sơn Trà đã tiến hành kiểm tra 229 tàu cá/1.775 lao động. Lực lượng chức năng đã xử lý 12 phương tiện vi phạm các quy định về nhật ký khai thác thủy sản, thuyền trưởng không có chứng chỉ hành nghề, tàu không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật hoặc có nhưng đã hết hạn. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã xử lý 25 thuyền thúng nhỏ hành nghề lưới rê, bẫy lồng gây ảnh hưởng đến an toàn hàng hải đối với tàu vận tải ra vào vịnh Đà Nẵng.

CÔNG KHANH