Góc khuất ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn (Kỳ 3: Xót xa dòng suối Nước Mắt)

Thứ năm, 02/07/2020 10:11

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn H. Phước Sơn có 6 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản vàng. Điều đáng nói, ngoài việc sử dụng lao động trẻ em, trong quá trình khai thác, các đơn vị làm vàng không đảm bảo môi trường theo quy định. Cơ quan chức năng đã nhiều lần xử phạt với số tiền hàng trăm triệu đồng nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn.

Một góc khu vực mỏ vàng Bãi Muối.

Tràn lan bãi vàng trái phép

Theo người dân địa phương phản ánh, lâu nay dòng suối Nước Mắt (giáp ranh giữa hai xã Phước Thành và Phước Lộc của H. Phước Sơn) luôn trong tình trạng đục trắng bởi chất thải từ mỏ vàng Bãi Muối đổ ra. Gần đây, dòng suối còn chuyển sang màu đỏ đặc quánh do tình trạng các đối tượng khai thác vàng trái phép giáp ranh với mỏ vàng xả thải ra. Lý giải cho con suối có tên “Nước Mắt”, người dân cho biết, trước đây, các phu vàng và người dân địa phương đi nương rẫy qua đây bị nước lũ cuốn trôi, chết rất nhiều, do vậy suối mới có tên “Nước Mắt”!

Chạy xe máy trên đường liên xã, khi đến khu vực Bãi Sạt, giáp ranh giữa Phước Thành - Phước Lộc, chúng tôi dễ dàng nhận thấy cảnh tượng nhiều ngọn đồi bị cày đất nham nhở, những lán trại màu xanh mọc lên như nấm để khai thác vàng trái phép. Khi men theo đường ống dẫn nước từ trên nguồn khoảng 1.000m, chúng tôi gặp một lán trại có 6 “vàng tặc” đang đào vàng, đưa đất đá lên miệng hầm. Thấy người lạ đến, những người này vội ngưng việc rồi bước vào trại lánh mặt.

Quan sát, P.V nhận thấy hầm vàng này được đào sâu xuống lòng đất khoảng 40m, bên dưới hầm, có nhiều phu vàng đào đất đá vào gầu để một phu vàng “nhí” chừng 14-15 tuổi đứng tại miệng hầm kéo lên tập kết tại cối xay. Công đoạn làm vàng ở đây cũng rất đơn giản, đất đá nghiền nát sẽ theo dòng nước chảy qua máng, máng có đặt lớp thủy ngân bắt vàng, nước xả trực tiếp ra môi trường. Đáng nói là xái quặng chứa hóa chất tuồn tràn lan ra môi trường bốc mùi nồng nặc.

Nước thải từ mỏ vàng Bãi Muối đổ ra dòng sông Nước Mắt.

Tiếp tục di chuyển lên đỉnh đồi, chúng tôi sững sờ khi chứng kiến nhiều ngọn đồi bị cày xới để lấy đất, đá làm vàng. Nhiều lán trại dựng xung quanh để làm vàng, mỗi lán có khoảng 6-10 phu vàng. Đến miệng hầm, P.V thấy có 1 phu vàng “nhí” hì hục kéo đất, đá lên từ hầm sâu chừng 5m. Trò chuyện với chúng tôi, phu vàng “nhí” này cho biết mình tên là Cường (17 tuổi, trú xã Phước Lộc) làm thuê tại bãi vàng với mức 5 triệu đồng/tháng.

Tiếp cận một điểm khai thác vàng trái phép khác có 6 phu vàng đang nghỉ trưa, trong đó có 3 phu vàng “nhí” độ tuổi từ 13-16 tuổi. Tại đây, một người đàn ông ngoài 50 tuổi có tên là Vinh “tóc dài” thừa nhận, đây là bãi vàng trái phép. “Chúng tôi chỉ mới lên làm vàng được 1 tuần nay. 3 đứa nhỏ là cháu bà con không có việc làm ổn định nên lên đây làm vàng. Chính quyền địa phương thường truy quét nhưng chúng tôi không có việc làm nên mới bám ở đây”, Vinh “tóc dài” phân bua.

Dọc con suối Nước Mắt, còn có nhiều lán trại được dựng lên để làm vàng trái phép sát với mỏ vàng Bãi Muối. Cách khu vực Bãi Muối một con suối, một điểm tập kết lượng lớn xái quặng có cả xe múc hoạt động, bên cạnh có 4 bể lớn ngâm ủ xái quặng bằng bạt chứa hóa chất bốc mùi nồng nặc.

Điểm chung mà chúng tôi nhận thấy ở các bãi khai thác vàng ở đây là xả thải trực tiếp ra môi trường, ngâm ủ xái quặng bằng hóa chất rồi tuồn trực tiếp ra môi trường chảy  ra sông, suối bốc mùi hóa chất nồng nặc.

Dòng suối Nước Mắt bị “bức tử” bởi tình trạng làm vàng tại đây.

Vi phạm môi trường nghiêm trọng

Trước tình trạng khai thác vàng thường xuyên gây ô nhiễm, vi phạm pháp luật trong bảo vệ môi trường, vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đợt giám sát về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn H. Phước Sơn. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm mà các chủ mỏ vàng tại đây qua mặt chính quyền và các ngành chức năng.

Điểm đầu tiên mà đoàn giám sát của HĐND tỉnh Quảng Nam tiếp cận kiểm tra là mỏ vàng Bãi Muối đã nói ở trên. Ông Võ Hồng- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, tại thời điểm kiểm tra, dù doanh nghiệp có xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, nhưng chưa đảm bảo về mặt kỹ thuật và quy mô hồ chứa. Vì vậy, khi mưa lớn hoặc lượng nước thải ra nhiều đã tràn ra các sông, suối gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước; việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp còn mang tính đối phó, chưa thực hiện đúng theo báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt...

Chính việc xem nhẹ môi trường, xử lý chất thải theo cách đối phó mà ngày 11-10-2019, UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 3268/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty chủ mỏ vàng Bãi Muối hơn 350 triệu đồng. Theo nội dung quyết định xử phạt, Cty này đã thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (nước rỉ từ hầm lò không được thu gom đưa vào hệ thống xử lý mà chảy trực tiếp ra môi trường); vi phạm quy định về xả nước thải có chứa thông số môi trường không nguy hại vào môi trường, cụ thể: Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trước khi đổ ra môi trường của Cty. Với những vi phạm trên, UBND tỉnh Quảng Nam buộc Cty phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật gây ra và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm cho UBND tỉnh và Sở TN&MT trước ngày 31-10-2019.

Cùng vào thời điểm trên, bãi vàng Khe 39 (đã phản ánh trong số báo trước) cũng bị xử phạt vi phạm về môi trường. Cụ thể, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Cty TNHH Phước Hưng. Theo đó, Cty đã thực hiện không đúng một trong các nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án khai thác và chế biến khoáng sản vàng gốc khu vực Khe 39 (xã Phước Hòa, H. Phước Sơn). Do đó, Cty Phước Hưng bị áp dụng hình thức xử phạt 70 triệu đồng...

Như vậy có thể thấy, tình trạng vi phạm môi trường ở các Cty khai thác vàng là một thực tế. Dù các ngành chức năng đã có những đợt kiểm tra, xử lý, thế nhưng qua ghi nhận của chúng tôi, tình trạng trên vẫn cứ tiếp diễn.            

(còn nữa)

BÃO BÌNH - LÊ VƯƠNG

>> Góc khuất ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn (Kỳ 2: "Đột kích" bãi vàng Khe 39)

>> Góc khuất ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn (Kỳ 1: “Điểm nóng” bãi vàng Khe 39)