Góc khuất SV làm thêm (2)

Thứ tư, 25/03/2015 11:25

Bài cuối: Những hệ lụy

(Cadn.com.vn) - Để chiều lòng khách, có khi nhiều sinh viên (SV) tiếp thị rượu, bia phải uống đến nửa chai hay nửa thùng bia. Hoặc các nữ tiếp viên karaoke phải dùng thuốc tăng lực để có sức thức khuya phục vụ những “thượng đế”.

T.A. (quê ở huyện miền núi Nghệ An) gia đình rất khó khăn, nên từ khi vào Huế học cao đẳng đã xin đi làm tiếp thị cho một hãng rượu. Khuôn mặt bầu bĩnh trong trang phục áo quần kimônô, rất nhiều khách hàng khi đến nhà hàng hải sản này  hay chọn uống rượu do T.A. tiếp thị. Trong khi ở nhà hàng, nhân viên tiếp thị của nhiều hãng rượu tranh nhau thì điều đầu tiên, để mời được khách uống rượu của mình, tất nhiên tiếp thị phải uống được rượu. T.A. cũng không ngoại lệ. “Từ nhỏ đến lớn, em ở quê, sau đó vào Huế học. Trước đây em chưa khi nào uống rượu, bia, nhưng từ khi làm tiếp thị, phải gắng uống một vài ly để khách ủng hộ mình. Có nhiều người khách khó tính, họ bắt em uống 1 ly, họ uống 1 ly. Mình mà không uống thì khách không chọn sản phẩm của mình. Lúc đó, sản phẩm bán được ít thì em sẽ không có thêm tiền phần trăm. Vì rứa, uống không được cũng phải gắng” - T.A. tâm sự.

Rồi T.A kể lại những mệt nhọc khi mới đi làm: “Có hôm uống nhiều quá, em say về nhà ngủ quên khóa cửa. Cả đêm nôn thốc nôn tháo. Chưa hết, sáng mai thức dậy, nhức đầu nhức óc không thể đến lớp. Nhiều lần em cũng định nghỉ việc nhưng nếu nghỉ thì một tháng lấy đâu ra 2 triệu đồng để trang trải cho việc học. “Cũng nhờ tiền lương từ tiếp thị rượu mà gần cả năm học này em không phải xin tiền gia đình. Nhưng mỗi lần bố mẹ hỏi em đi làm thêm việc gì mà đủ tiền ăn, ở thì em nói dối là đi bán cà-phê, bưng bê cho nhà hàng, chứ không dám nói đi tiếp thị". T.A. cũng thừa nhận, từ khi đi làm tiếp thị rượu, thời gian em đầu tư học hành không còn được như trước nữa.

Trong khi phần lớn SV chọn việc làm thêm là tiếp thị rượu, bia thì nhiều em xin làm nhân viên phục vụ ở những quán bình dân.

Cũng như T.A., nhiều SV có hoàn cảnh khó khăn đã chọn công việc tiếp thị để kiếm tiền trang trải cho việc học hành. Em Nguyễn Thị Th. (quê Quảng Bình, SV năm thứ 4 Trường ĐH S., từng tiếp thị bia ở quán T.N. (Khu kiểm Huệ, TP Huế) vẫn không thể quên được kỷ niệm buồn trong 1 năm làm việc. Có nhiều hãng bia cạnh tranh nhau, vì vậy, để mời được khách uống hãng bia của mình đang tiếp thị là cả “vấn đề”. Trước khi xin làm tiếp thị, người trưởng quản lý có hỏi: “Em có biết uống bia không thì em trả lời có (thực ra em không uống được, nhưng nếu nói không thì họ sẽ không nhận vào làm - P.V). Thế là có hôm em mời được 3 bàn uống bia thì đồng nghĩa hôm đó, em phải “nạp” trong người ít nhất cũng 10 chai bia. Tối nào về đến phòng trọ, người em cũng liêu xiêu, nồng nặc mùi bia rượu. Nhiều bạn ở cùng dãy trọ không hiểu, tưởng em đi làm gái. Còn người biết hoàn cảnh thì khuyên em nên bỏ, đừng làm tiếp thị nữa. Nhưng không làm thì phải xin tiền ba mẹ để trang trải tiền nhà trọ, tiền học. Mà mỗi lần đến tháng chuyển tiền cho em, ba mẹ phải vay mượn khắp. Thôi, thương ba mẹ nghèo nên em cố đi làm...”.

Th. kể, có hôm gặp nhiều khách “chướng”, họ nói nếu uống bia của em thì phải có điều kiện, đó là sau khi uống xong, phải đi chơi. Gặp những trường hợp đó, em thường giải thích vì em còn thời gian học bài, không thể đi được. Sau một hồi thuyết phục thì cũng được đồng ý. Nhưng sau khi làm tiếp thị 1 năm, bỗng dưng em bị đau cả vùng bụng, đi khám nội soi thì được biết bị viêm tá tràng, nguyên nhân một phần do bia, rượu. Từ đó, nhiều hôm “chiều” khách uống, đêm về lại đau. Nhiều ngày em đau kiệt sức không thể đến lớp. Có môn em học không đủ tiết lại phải lưu ban. Sau đó, em quyết định từ bỏ tiếp thị và xin đi làm nhân viên chạy bàn ở quán cà-phê.

Một người bạn của tôi mới đây đến Trung tâm sản phụ khoa để nhờ tư vấn sinh con thứ 2 kể, chị tình cờ gặp một cô gái (sau này mới biết là SV năm thứ 3 Trường Đại học K.) cũng tìm đến Trung tâm này để nhờ các BS tư vấn phá thai. Khi được các BS hỏi: “Cháu làm nghề gì”? “Ở đâu? “Bao nhiêu tuổi”... Cô gái này ấp a ấp úng, ngại ngùng không dám trả lời. Sau một hồi được các BS nhắc đi nhắc lại: “Cái thai trong bụng cháu đã hơn 3 tháng. Cháu suy nghĩ kỹ đi, nên giữ lại vì thai nhi đã lớn rồi...”. Cô gái mặt mày tái mét, vì giữ lại cũng không được mà bỏ đi thì sợ. Cô gái không nói năng gì, đi nhanh ra dãy ghế dành cho bệnh nhân ở phía ngoài, mặt che kín khẩu trang, ngồi chờ. Đến khi bệnh nhân về hết, cô gái quay lại gặp BS, mới tiết lộ đang là SV. Theo lời BS, cô gái này kể, do điều kiện gia đình khó khăn nên theo người bạn đi làm tiếp viên karaoke. Hôm đó, do uống quá nhiều, say ngất và đến khi tỉnh dậy, cô gái hoảng hốt khi biết đang ngủ trong nhà nghỉ.

Một BS có thâm niên sản phụ khoa ở Huế cho biết, có nhiều cô gái 20-22 tuổi, rất xinh đẹp, ăn mặc sành điệu và có trình độ thường hay đến các cơ sở y tế để "xử lý hậu quả". Ng., (SV năm thứ 4 Trường ĐH Khoa học Huế, nhân viên phục vụ bàn ở một quán ăn bình dân), chia sẻ: “Tụi em vì muốn kiếm tiền chân chính nên xin chạy bàn, tiền lương từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/tháng/. Còn nhiều SV, do muốn kiếm nhiều tiền nên xin làm tiếp thị, tiếp viên”. Thực tế, SV đi làm thêm bằng những công việc chính đáng để kiếm tiền trang trải học hành, đỡ đần cha mẹ là chuyện rất được trân trọng. Tuy nhiên, có nhiều SV khi đi làm thêm, có nhiều tiền thì bắt đầu sa ngã, trong khi đó bố mẹ ở quê không hề hay biết những công việc con mình đang làm.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi biết được, có nhiều SV không chỉ ngoại tỉnh, hoàn cảnh khó khăn mới chấp nhận đi làm tiếp thị rượu, bia hoặc tiếp viên karaoke mà có nhiều nữ sinh kinh tế gia đình thuộc diện khá giả vẫn chọn những công việc này để có tiền thỏa mãn nhu cầu tiêu xài cá nhân. Làm việc trong môi trường nhạy cảm, để giữ mình, không phải SV nào cũng làm được và khi đã “ngã” thì tất yếu phải mang hệ lụy buồn.

Phóng sự: Nhóm phóng viên