Hệ lụy từ các mỏ khai thác đất, đá...

Thứ hai, 11/09/2017 11:07

Sở TN&MT TP Đà Nẵng vừa quyết định thành lập Đoàn giám sát, kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường đã được thành phố phê duyệt đối với 19 mỏ trên toàn thành phố. Nhiều vấn đề về môi trường, đời sống dân sinh đang cần giải quyết, khắc phục trong công tác này…

Đồi núi ở thôn Phước Thuận bị cạo trọc do khai thác đất, bên dưới là cánh đồng bỏ hoang do không có nước.

Chuyện ở “thôn khổ”

Hòa Nhơn (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) là trung tâm của các mỏ khai thác đất, khai thác, chế biến đá ở Đà Nẵng, chỉ riêng khu vực thôn Phước Thuận đã có hơn 10 mỏ đất, đá. Theo Đề án đóng cửa mỏ của UBND TP đợt này, Hòa Nhơn có 7 mỏ tại thôn Phước Thuận đóng cửa, tiến hành cải tạo phục hồi môi trường. Tuy nhiên theo đánh giá, khó có thể phục hồi lại hệ sinh thái ban đầu tại các khu vực khai thác mỏ. Hậu quả trước mắt là đời sống dân sinh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chúng tôi trở lại thôn Phước Thuận vào một ngày đầu tháng 9-2017, nơi mà từ lâu, người dân ở đây vẫn tự nhận là... “thôn khổ”. Lý giải về danh xưng này, Trưởng thôn Lê Văn Tuân cười buồn: “Thì khổ quá thì tự nhận vậy chớ sao! Cả thôn có 187 hộ dân thì có gần 1/3 thôn là hộ nghèo, mà tình hình này sẽ còn nghèo nữa...”. Theo ông Tuân, hơn 10 năm nay, bao  quanh thôn là mười mấy cái mỏ khai thác đất, chế biến đá, ngọn núi đầu thôn xưa xanh mướt thì nay đã bị cạo trọc, nham nhở, chỉ còn màu vàng ối. Những ngày nắng này, cả thôn lúc nào cũng chìm trong bụi đất đá, còn ngày mưa, con đường qua thôn ngập trong bùn đất, đấy là cái khổ nhìn thấy rõ nhất.

Từ năm 2010 đến nay, hơn 20ha ruộng màu mỡ, nuôi sống cả thôn đã bị bồi lấp, trở nên khô cằn, không thể nào trồng được bất cứ cây gì nữa, nguồn nước cũng cạn kiệt hết rồi. Trước đây nguồn nước tưới tiêu cho cánh đồng của thôn, nhờ vào hơn 10 mó nước trên khe núi như hố Trầu, hố Bạc, hố Riều... 10 năm qua, các mỏ khai thác đất đá, đã cắt ngang mạch nước, lấp kín dòng chảy, cả thôn đã trở thành “sa mạc”. Ngay nguồn nước sinh hoạt cũng khan hiếm, thôn đã có đường ống nước máy kéo về, nhưng chỉ cung cấp được khoảng 70 hộ, mà cũng lúc có lúc không. Nguồn nước thiên nhiên bị bồi lấp, người dân đóng giếng, đào giếng cũng khó khăn, bởi nguồn nước ngầm cũng cạn kiệt.

Thôn Phước Thuận nằm sát chân núi, nhưng mấy năm qua các khe, rãnh thoát nước bị bồi lấp, bây giờ mùa mưa đến, nước ứ đọng trong thôn, lại xảy ra tình trạng ngập lụt, thật là chuyện ngược đời chưa bao giờ có ở cái làng bị gán cho cái tên “khổ” này...

Nhiều vấn đề môi trường, dân sinh đặt ra...

Gặp chúng tôi vào chiều 7-9, ông Nguyễn Tấn Phát- Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn trăn trở: “Tôi cũng vừa đi họp trên huyện về vấn đề tài nguyên khoáng sản, môi trường, nhiều vấn đề đặt ra lắm...”. Ông Phát bộc bạch, thành phố cấp phép cho doanh nghiệp khai thác mỏ, Sở TN&MT quản lý, nhưng xảy ra vấn đề về môi trường, ảnh hưởng đời sống dân sinh lại quy trách nhiệm cho cán bộ cơ sở. Ông Phát cho biết, từ năm 2010 đến nay, toàn xã có hơn 50ha đất nông nghiệp không sản xuất được do các công ty khai thác đất, đá làm bồi lấp, thi công các dự án, hạ thấp cao trình cải tạo đồng ruộng. Có 18 xứ đồng tại 9 thôn bị ảnh hưởng,  trong đó có hơn 29ha đất nông nghiệp bị bồi lấp do việc khai thác mỏ đất, đá gây ra. UBND xã Hòa Nhơn đã kiến nghị các doanh nghiệp hỗ trợ cho nhân dân hàng năm, tên các diện tích đất bị bồi lấp, ảnh hưởng do khai thác đất, đá, tuy nhiên như trên đã nêu, nhiều doanh nghiệp đã bỏ mặc, trốn tránh trách nhiệm với người dân nhiều năm qua.

Như tại thôn Phước Thuận, xứ đồng Hố Rái bị bồi lấp gần 4,5ha từ năm 2013 đến nay, các Cty TNHH Phúc Đặng, DNTN Văn Tân, Cty CP VLXD Fococev, Cty TNHH Đại Hồng Tín, Cty CP Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh chưa chi trả tiền hỗ trợ cho người dân. Xứ đồng Hố Bạc, Lương Điền, Hố Trầu, Đồng Thung, Đá Đen hơn 15ha bị bỏ hoang từ năm 2010 đến nay, hàng năm các doanh nghiệp chỉ hỗ trợ tiền một vụ mùa cho người dân... Còn tại thôn Thạch Nham Đông, xứ đồng Hố Như, Hóc Quả có hơn 8ha ruộng bỏ hoang từ năm 2009, do khai thác đất đầu nguồn bồi lấp nguồn nước, các đơn vị gây ảnh hưởng là Cty Tiến Thanh, Cty TNHH Sơn Hải, Cty TNHH Vạn Tường.

Chúng tôi được biết, Sở TN&MT đã thành lập đoàn kiểm tra việc cải tạo phục hồi môi trường tại 19 mỏ đã đóng cửa trên địa bàn thành phố, trước những thực trạng về vấn đề môi trường, đời sống dân sinh bị ảnh hưởng như đã nêu ở Hòa Nhơn, chúng tôi xin nêu những kiến nghị của UBND xã Hòa Nhơn cũng là kiến nghị chung cho việc cải tạo phục hồi môi trường tại các mỏ: Đề nghị chính quyền thành phố và ngành chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ yêu cầu các doanh nghiệp khai thác mỏ cải tạo lại môi trường, cảnh quan khu vực đã khai thác mỏ, làm sao cho người dân có thể canh tác, trồng rừng phát triển kinh tế. Khơi thông các dòng chảy tự nhiên bị bồi lấp, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Đối với diện tích đất nông nghiệp không thể sản xuất do bị ảnh hưởng từ việc khai thác mỏ, cho chuyển đổi mục đích sử dụng; hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp. Hỗ trợ người dân những thiệt hại do đất không canh tác, sản xuất được, hỗ trợ về vốn để người dân chuyển đổi ngành nghề sản xuất phát triển đời sống.

HỒNG THANH