Gốm cổ kể chuyện
(Cadn.com.vn) - Đồ gốm gắn với cuộc sống người Việt như một nhân chứng, phát triển theo dòng lịch sử dân tộc, lúc thịnh, lúc suy. Những đồ gốm cổ được trưng bày tại Triển lãm Cổ vật của người Đà Nẵng lần thứ 2 đang diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng đang kể câu chuyện riêng biệt về mình, về lịch sử các làng gốm ở Việt Nam và niềm đam mê của người sưu tầm...
Những bộ sưu tập gốm cổ được trưng bày tại triển lãm. |
Tham gia triển lãm cổ vật Đà Nẵng lần này, anh Lê Công Thọ (Đà Nẵng) mang đến nhiều chậu gốm có niên đại từ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, là dòng gốm Cây Mai nổi tiếng ở miền Nam, là mục tiêu săn tìm của những người mê đồ cổ. Anh Thọ kể, mình có niềm đam mê rất lớn đối với gốm cổ, nhưng đặc biệt là với gốm Cây Mai. Vì thế, anh đã dành thời gian để sưu tầm nhiều chủng loại gốm. "Những cổ vật tôi mang đến triển lãm lần này chưa phải gốm cổ Cây Mai quý nhất, tuy nhiên nó đại diện cho dòng gốm đặc trưng của Sài Gòn xưa", anh Thọ nói. Gốm Cây Mai nổi lên như một hiện tượng của Sài Gòn - Chợ Lớn xứ Nam kỳ những năm cuối thế kỷ XIX. Bởi đây là dòng gốm mỹ thuật do các nghệ nhân người Hoa đến định cư ở Chợ Lớn chế tạo. Các sản phẩm gốm Cây Mai phủ men độc đáo, thoạt nhìn rất thô mộc, đơn giản, nhưng ẩn chứa nét công phu trong chế tác, chuẩn mực trong tạo hình, kỹ lưỡng trong chấm men, hài hòa trong bố cục tổng thể. Mỗi sản phẩm như thế là một tuyệt tác mỹ thuật, đại diện cho một dòng gốm đặc trưng của Sài Gòn xưa trong bản đồ gốm Việt. Chính vì thế, dòng gốm Cây Mai thu hút những người đam mê gốm cổ như anh Thọ. "Tôi sưu tầm nhiều loại đồ cổ khác, tuy nhiên niềm đam mê vẫn là gốm cổ thuần Việt. Hiện, mỗi làng gốm cổ nổi tiếng của Việt Nam tôi đều có từ 1 đến 2 hiện vật, nhiều nhất vẫn là dòng gốm Cây Mai. Mỗi hiện vật gốm cổ, cho ta biết về lịch sử vùng đất và sự phát triển nghề gốm của nước ta ngày trước. Đó là lý do vì sao tôi đam mê gốm cổ", anh Thọ tâm sự.
Nếu như anh Thọ đam mê gốm Cây Mai, thì chàng trai trẻ Lê Vũ Bảo (Đà Nẵng) lại thích dòng gốm cổ Lái Thiêu. Bộ sưu tập gốm Lái Thiêu Bảo mang đến triển lãm có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với những họa tiết được vẽ bằng nhiều màu sắc sinh động. Bảo chia sẻ, nếu như ở gốm Sài Gòn, thế mạnh là sản xuất các dòng đồ dùng cao cấp thì với gốm Lái Thiêu lại tập trung vào sản xuất đồ gia dụng. Vì chủ yếu sản xuất các sản phẩm thực dụng nên từ khâu tạo tác gốm Lái Thiêu đã kết hợp nhu cầu tiện ích lẫn hiệu quả mỹ thuật. Sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, phong phú về hình dáng, bố cục, nội dung trang trí vừa đậm chất hội họa vừa mang tính dân gian đã tạo nên nét đặc thù của gốm Lái Thiêu. Vừa đẹp lại là sản phẩm ứng dụng, gốm Lái Thiêu nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường miền Nam trong suốt hàng chục năm. Không chỉ được ưa chuộng trong nước, gốm Lái Thiêu được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài khá nhiều vào khoảng đầu thế kỷ XX. "Đó là điểm đặc biệt của gốm Lái Thiêu mà mình thích nhất, một dòng gốm thuần Việt. Khi đã đam mê thú chơi nào đó thì sẽ dành nhiều thời gian công sức để sưu tầm, với tôi, đó là sưu tầm gốm cổ Việt", Bảo chia sẻ về đam mê sưu tầm gốm của mình.
Với những người đam mê gốm cổ, họ chấp nhận bỏ nhiều công sức và cả kinh phí chỉ để thỏa đam mê. Anh Cao Quỳ (Quảng Ngãi), là người như thế. Dù làm việc trong lĩnh vực xây dựng, thế nhưng hiện anh Quỳ sở hữu nhiều loại gốm cổ giá trị, trong đó có dòng gốm Celadon. Anh Quỳ chia sẻ: "Tôi nghiện chơi gốm cổ, thế nên nghe ở đâu có bán là đi tìm mua, nhiều lúc vào tận Nha Trang, Bình Thuận. Tôi mang đến triển lãm cổ vật ở Đà Nẵng lần này gồm nhiều đĩa, chén, bát sứ men ngọc (Trung Quốc)... để chia sẻ với mọi người về gốm cổ, về những sản phẩm gốm đã từng được lưu hành ở Việt Nam thuở trước".
H. Anh