KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2017):

Gương hy sinh của 4 sư đoàn trưởng Sư đoàn 2

Thứ sáu, 21/07/2017 06:35

Trải qua 52 năm chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn 2 trở thành “chiếc nôi” tôi luyện nên nhiều vị tướng tài cho quân đội. Đã có 12 đồng chí từ Sư đoàn trưởng và 7 đồng chí từ Chính ủy sư đoàn phát triển đến cấp tướng, 4 đồng chí là Tư lệnh Quân khu, 1 đồng chí là Phó tổng Tham mưu trưởng, 2 đồng chí là Thứ trưởng BQP, 1 Đô đốc Hải quân; 4 đồng chí Sư đoàn trưởng và Chính ủy là Anh hùng LLVTND. Trong vinh quang ấy, có bóng dáng thầm lặng của 4 Sư đoàn trưởng và 1 Chính ủy Sư đoàn 2 đã ngã xuống ở chiến trường thuở nào...

Vợ chồng Sư đoàn trưởng Dương Bá Lợi (1971).    Ảnh : T.L

Mối thù được trả ở đồi yên ngựa

Sư đoàn trưởng, Anh hùng LLVTND Lê Hữu Trữ (Lê Thạch), trong trí nhớ của đồng đội là một người đẹp trai, đàn guitar rất hay, thông minh, quyết đoán, chỉ huy đơn vị lập nên những chiến công vang dội. Ngày 5-12-1967, trong khi chuẩn bị đi chiến trường đánh cứ điểm Việt An, Ban Chỉ huy Sư đoàn đã bị máy bay lên thẳng và bộ binh Mỹ tập kích tại khu yên ngựa Động Mông- Đá Hàm (Quế Thuận, Quế Sơn, Quảng Nam). Sư đoàn trưởng Lê Hữu Trữ, Chính ủy Nguyễn Minh Đức (Đạo), Trung đoàn trưởng các Trung đoàn 21, 31, Tham mưu phó, Chủ nhiệm Hậu cầu và một số cán bộ cơ quan đã hy sinh. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 Nguyễn Chơn đã may mắn không có mặt trong số đó khi Sư đoàn trưởng cử xuống núi nhận nhiệm vụ khác. Sau này, trả thù cho đồng đội, ông đã chỉ huy đơn vị san bằng cứ điểm Việt An.

Tuổi đã 90 nhưng Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn năm 1967 vẫn không quên chi tiết nào buổi tập kích của địch mà ông chứng kiến từ xa: “Khi tôi và Nguyễn Chơn từ Sơn Phúc ngược lên dốc thì địch đã rút. Quang cảnh hoang tàn, cây cối đổ nát, thân thể đồng đội không còn nguyên vẹn. Tôi phân công chiến sĩ chôn cất từng người ở dưới chân núi và nhân dân địa phương đã tự nguyện bảo vệ các ngôi mộ’’. Còn Đại tá Nguyễn Đình Ngật, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 vẫn chưa hết thảng thốt: “Đại tướng Chu Huy Mân ngày trước “mê’’ nhất 3 người đánh giặc rất giỏi, đó là Nguyễn Hữu An, Lê Hữu Trữ và Nguyễn Chơn. Hai người sau này đều là thượng tướng. Anh Trữ không hy sinh chắc chắn sẽ là tướng tài trong quân đội. Đầu năm 1990, khi làm ở Văn phòng Bộ Tư lệnh, tôi có dẫn người con rể của anh Trữ  lên Quế Thuận bốc mộ. May mắn là phát hiện được nhờ anh ấy có chiếc răng bạc. Hài cốt anh Minh Đức, Chính ủy cũng đã được gia đình đưa về. Tiếc là từ đó đến nay tôi không còn được liên lạc với thân nhân của Trữ, chỉ biết quê anh ấy ở Quảng Trị, còn cô con gái là Lê Khánh Thu sống tại Hà Nội”.

Giọt nước mắt trong căn hầm chữ A

Sư đoàn trưởng Dương Bá Lợi hy sinh đã 45 năm nhưng  trong tâm trí Đại tá cựu chiến binh (CCB) Hoàng Đức Thế (ở Đà Nẵng) vẫn hiện ra mồn một trước mắt mình khoảnh khoắc kinh hoàng. Đó là ngày 14-9-1972, cuộc chiến đấu của Sư đoàn 2 để chiếm lĩnh Mộ Đức, Ba Tơ (Quảng Ngãi) giằng co quyết liệt. Cuộc họp tại Sở Chỉ huy Sư đoàn ở Mộ Đức diễn ra khẩn trương khi trinh sát kỹ thuật thông báo địch có khả năng thả bom vào khu vực này. Nguyên trưởng ban tổ chức Sư đoàn Hoàng Đức Thế nhớ lại: “Cuộc họp trong căn hầm chữ A có mặt gần như đầy đủ lãnh đạo Sư đoàn và các cơ quan đã chuẩn bị kết thúc. Khi nghe tiếng máy bay, mọi người nhanh chóng trú ẩn. Sư đoàn trưởng Dương Bá Lợi và các cán bộ Sư đoàn Hoàng Thí, Trần Quang Lập, Nguyễn Văn Hoàng chạy về phía đầu kèo bên này bị loạt bom B52 của địch thả trúng và đều hy sinh. Tôi và một số đồng chí ở bên kia đầu kèo thì may mắn thoát nạn. Dứt đợt bom, chúng tôi bới đất tìm các anh và  bật khóc. Trước sức công phá của bom, phần lớn thi thể đều nát tan trong đất...”.

CCB Huỳnh Thị Hương, nguyên y tá Sư đoàn thì nhớ đến người Sư đoàn trưởng quê Quảng Trị với bao mến thương. Bà lấy trong tủ ra chiếc hộp nhỏ đựng những kỷ vật thời chiến tranh, trong đó có tấm ảnh đã bạc màu của vợ chồng thủ trưởng. Bà kể: “Tháng 6-1971, tôi phục vụ Ban chỉ huy Sư đoàn (lúc này gọi là Bộ Tư lệnh) ra Hà Nội. Anh Lợi ra họp tranh thủ về thăm gia đình, giới thiệu vợ anh với đồng đội. Vợ anh ấy đã tặng tôi tấm ảnh này với lời đề tặng phía sau. Không ai ngờ rằng, đó là chuyến đi tử biệt. Không bao lâu khi anh Lợi hy sinh ở Quảng Ngãi thì vợ và con gái cũng mất khi tường nhà ở khu tập thể Gia Lâm bị sập. Không rõ bây giờ ai thờ tự gia đình anh ấy”.

Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh cùng con gái (1982).    Ảnh: T.L

Niềm vui chưa trọn

Về thay thế đồng chí Dương Bá Lợi đã  hy sinh, Sư đoàn trưởng Nguyễn Việt Sơn đã chỉ huy Trung đoàn 52 (Trung đoàn Tây Tiến), đơn vị tăng cường cho Sư đoàn 2 đập tan khu căn cứ Đá Bàn và giải phóng quận lỵ Ba Tơ 30-10-1972. CCB Nguyễn Trọng Nhị ở Sơn Trà, Đà Nẵng, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 52 là một trong những người chứng kiến sự hy sinh của Sư đoàn trưởng Nguyễn Việt Sơn. Theo ông, sau khi chiếm lĩnh Ba Tơ, đoàn công tác  lên lại trận địa kiểm tra để báo cáo tổng kết chiến trường với cấp trên. Ông nhớ lại: “Gần trưa, bỗng nghe một tiếng “rầm”. Mọi người từ chân dốc chạy lên thì thấy cảnh tượng đau đớn: Sư đoàn trưởng Nguyễn Việt Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 52 Hồ Hải Nam, 2 tiểu đoàn trưởng cùng các y tá, trinh sát hy sinh tại chỗ. Số khác bị thương nặng. Thì ra do chiến sĩ trinh sát  đi trước dẫm phải mìn nên tất cả đều trong vòng bị sát thương”. Tiểu đoàn 8 đã khẩn trương đưa người bị thương xuống trạm phẫu Tà Năng 3. Các đồng chí hy sinh thì chôn gần cao điểm 513, đây cũng là hầm đặt vị trí hỏa lực của đơn vị. Tên tuổi liệt sĩ được đục lỗ trên miếng tôn cắm làm dấu. Sau này ông Nhị quay lại thì địa phương bảo rằng các mộ đã được bốc đi hết. Đại tá Nguyễn Đình Ngật cũng khẳng định vậy khi năm 1996, đang làm ở Văn phòng Bộ Tư lệnh, ông đã cử cán bộ cùng gia đình Sư đoàn trưởng Nguyễn Việt Sơn từ Thái Bình vào đưa hài cốt liệt sĩ về Bắc.

Người được hàng trăm chiến sĩ xin truyền máu

22 tuổi, Trương Hồng Anh đã là tiểu đoàn trưởng, 35 tuổi là Sư đoàn trưởng. Chưa đầy 20 năm trong quân ngũ, anh được phong 13 cấp, từ binh nhì đến đại tá, hai lần có mặt ở chiến trường Campuchia trên cương vị trung đoàn trưởng và Sư đoàn trưởng. Trong trận đánh vào căn cứ 547, ta và Pôn Pốt giằng co quyết liệt. Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh đã nghiên cứu các hướng tấn công, điều chỉnh lực lượng pháo binh táo bạo, san điểm cứ điểm này. Tuy nhiên, Sư đoàn đã chịu  tổn thất lớn. Ngày 27-3-1984, trên đường đi kiểm tra chiến trường trở về, xe bị mìn của bọn Pôn Pốt cài lại, người chỉ huy Trương Hồng Anh bị thương nặng. Cuộc giành giật sự sống cho anh đã diễn ra khẩn trương, trên huy động cả máy bay trực thăng vận chuyển cấp cứu. Khi anh được đưa về ở Quân y viện 21 (Mặt trận 579), hàng trăm chiến sĩ đã xung phong truyền máu nhưng Sư đoàn trưởng đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 2-4-1984. Hiện nay mộ liệt sĩ Trương Hồng Anh ở Nghĩa trang Quân khu 5, vợ con anh vẫn thường xuyên từ Hà Nội vào thăm viếng. Bàn thờ Đại tá Trương Hồng Anh ở khu tập thể Nam Đồng với bức di ảnh lúc nào cũng khói hương ấm áp. Những bức thư thời chiến, chiếc ba lô bạc màu, áo bộ đội đã cũ đều được lưu giữ cẩn thận. Ngỡ như người con Quảng Ngãi mới vào Nam đấy thôi rồi trở lại.

HỒNG VÂN