Hà Lan bầu cử Quốc hội: Phép thử cho EU

Thứ năm, 16/03/2017 09:03

(Cadn.com.vn) - Mọi con mắt đang đổ dồn vào đảng Vì tự do (PVV) của ông Geert Wilders có quan điểm chống lại người nhập cư trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Hà Lan lần này, một cuộc tổng tuyển cử được đánh giá là phép thử cho Liên minh Châu Âu (EU).

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (phải) và đối thủ Geert Wilders đi bầu cử Quốc hội hôm 15-3.
Ảnh: AFP

Ngày 15-3, các cử tri Hà Lan bắt đầu đến các điểm bỏ phiếu để bầu ra Quốc hội mới, trong bối cảnh bị lu mờ bởi cuộc chiến ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ và những hoài nghi về tương lai của EU.

Theo AFP, các địa điểm bỏ phiếu trên cả nước mở cửa lúc 7 giờ 30 và sẽ đóng cửa lúc 21 giờ cùng ngày (sáng 16-3, giờ Việt Nam) để 12,9 triệu cử tri Hà Lan quyết định đảng nào sẽ giành nhiều ghế nhất trong Quốc hội. Sau cuộc bỏ phiếu gây sốc đưa Anh rời EU (Brexit) và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, cuộc tổng tuyển cử của Hà Lan lần này được xem như là phép thử quan trọng cho sức mạnh của các đảng cánh hữu và quyền dân sự đang bùng nổ ở Châu Âu.

Cuộc bầu cử cũng được đánh giá là thử nghiệm về chủ nghĩa dân túy ở Châu Âu và cơ hội sống sót của EU khi chủ nghĩa rời EU đang trỗi dậy mạnh  mẽ. Trong bối cảnh bùng nổ tranh cãi gay gắt giữa đảng Những người vì tự do và dân chủ (VVD) của Thủ tướng Mark Rutte và PVV của ông Wilders, hầu hết trong số 12,9 triệu cử tri đủ điều kiện đi bầu cử vẫn còn lưỡng lự giữa 28 đảng trong cuộc đua này.

Các kết quả thăm dò dư luận cho thấy, VVD đang dẫn đầu với 16% số phiếu, tương đương 24-28 ghế. Tuy nhiên, con số này giảm nhiều so với 40 ghế mà VVD đang nắm giữ hiện nay. Trong khi đó, PVV của ông Wilders cũng chứng kiến sự xuống dốc khi dự kiến sẽ giành được sự ủng hộ của 13% số cử tri, tức có khoảng 19-22 ghế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một phần nguyên nhân cho sự xuống dốc này là do những lo ngại trong cuộc chiến ngoại giao với Ankara sau khi Hà Lan cấm các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc mít-tinh ở nước này nhằm kêu gọi người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại đây ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 16-4 tới. Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt tức giận trước các hành động này của Hà Lan.

Quan hệ giữa Amsterdam và Ankara hiện nay rơi xuống mức thấp nhất sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, “danh tiếng” của Hà Lan đã bị “hủy hoại” sau vụ thảm sát Srebrenica vào năm 1995. Ông Erdogan động chạm đến vấn đề nhạy cảm với Hà Lan khi nhắc lại cuộc thảm sát Srebrenica tại Bosnia vào năm 1995, khi các binh sĩ gìn giữ hòa bình của Hà Lan bị lực lượng người Serbia gốc Bosnia đẩy lùi và không thể bảo vệ những người tị nạn Hồi giáo. Thủ tướng Rutte kịch liệt lên án tuyên bố này của Tổng thống Erdogan.

Nhà lãnh đạo VVD này đang nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba tại quốc gia 17 triệu dân - một trong những nền kinh tế lớn nhất ở khu vực đồng EUR (Eurozone) và là cha đẻ của EU. “Khi mọi người tìm kiếm sự lãnh đạo, họ nhìn vào tôi”, ông Rutte nhấn mạnh tại cuộc tranh luận cuối cùng hôm 15-3.

Cơ hội cho ông Rutte vẫn còn nhiều vì đối thủ Wilders không có cơ hội thành lập chính phủ khi tất cả các đảng dẫn đầu đã loại trừ bắt tay liên minh với nhà lãnh đạo PVV. Ông Wilders phần nào thuyết phục được cử tri với cam kết đóng cửa biên giới cho những người nhập cư Hồi giáo, đóng cửa nhà thờ Hồi giáo và cấm kinh doanh Kinh Koran. Ông cũng muốn kéo đất nước ra khỏi EU trong một cái gọi là Nexit. Vì vậy, dù không có cơ hội thành lập chính phủ liên minh, chiến thắng của PVV vẫn sẽ gây ra cơn sóng thần trên khắp Châu Âu.

Khả Anh