Hà Nội và hoài niệm thu qua Bóng thức
(Cadn.com.vn) - Mùa thu và Hà Nội từ bao đời nay vẫn là nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca và âm nhạc. Với nhà thơ Đinh Tấn Phước và nhạc sĩ Trần Thị Kim Phú, đề tài này được chắp cánh bay lên qua tập Bóng thức. Bóng thức là tuyển tập những ca khúc phổ thơ của Đinh Tấn Phước- Trần Thị Kim Phú và nhiều tác giả vừa được Nhà xuất bản Văn học phát hành.
Đinh Tấn Phước sinh năm 1952, quê ở Quảng Ngãi, xuất thân là thầy giáo dạy Toán và vợ anh- Trần Thị Kim Phú cũng từng là giáo viên. Dẫu công việc bộn bề nhưng đôi vợ chồng này vẫn dành không ít thời gian cho thi ca và âm nhạc. Toàn tập Bóng thức có 16 bài thơ của tác giả Đinh Tấn Phước được rút ra từ Chạm Bóng- tác phẩm được Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải thưởng thơ năm 2009. Đặc biệt ấn tượng trong Bóng thức là chùm thơ về Hà Nội, mùa thu và những ca khúc phổ thơ về đề tài này.
Có một Hà Nội rất cũ, rất thơ và Đinh Tấn Phước yêu vô cùng nét cũ kỹ đó. Bởi nơi đó không chỉ có hình ảnh: gánh hàng hoa tan chợ đi về, mái đình cong võng điệu thời gian, ông đồ nho vẽ chữ bán bên đường mà còn có thanh âm đặc trưng, rất Hà Nội: tiếng dương cầm lạnh ngắt- rơi từng giọt- khói -sương; mùa thu và giọng nói- Hà Nội cửa ô, Hà Nội ả đào (Hà Nội cũ). Nhớ về Hà Nội- trái tim hồng của cả nước, thơ nhạc thường hướng đến mùa thu, bởi mùa thu nơi đây thật đẹp với lá vàng rơi, những buổi sáng se lạnh, một chút gió heo may.
Với Đinh Tấn Phước, tâm trạng sững sờ như rớt giữa mùa thu được anh diễn đạt thật tinh tế: Chút mùa thu để lại- trọn một nửa cuộc đời- anh có thời lãng đãng- em- mùa thu xa khơi (Thu Hà Nội). Thu Hà Nội trong thơ Đinh Tấn Phước là vầng trăng khuyết, trời sương giăng, bầu trời mênh mông dễ dấy lên nỗi cô đơn đến rợn ngợp trong lòng khách tha hương. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở miền Trung song Hà Nội luôn là dấu ấn trong Đinh Tấn Phước bởi với người nghệ sĩ, ở đâu cái đẹp hiện hữu là ở đó thơ ca vút lên. Hà Nội ấn tượng anh không chỉ có mùa thu ướt sũng- quay quắt trái tim mình (Thu Hà Nội) mà còn quyến luyến anh ở những chuyến công tác dài ngày giữa mùa đông buốt giá: Ta chạm vào cơn gió- gió mùa ơi gió mùa- chiều cuối năm sao làm ta bạc tóc- giữa nắng hanh- cơn gió ùa bất chợt- ta hồn nhiên như gai ốc- mọc trên da thịt mình (Gió mùa). Buổi chia tay Hà Nội, gió mùa đã thay anh nói lời từ tạ: anh vẫn lặng câm- sao cơn gió mùa- lạnh đến thế! buổi chia tay Hà Nội những trận rét- mãi xua anh về (Gió mùa).
Trong tập Bóng thức, ta không thể bỏ qua những ca khúc đã được phổ nhạc từ thơ Đinh Tấn Phước. Hà Nội và mùa thu dường như đẹp hơn, lung linh hơn. Một thu Hà Nội trong trẻo hiện lên và ghi dấu không phai: Anh rớt giữa mùa thu/ dù không lời hò hẹn/ vầng trăng còn đang khuyết/ Hà Nội ơi, sương giăng. Còn với Hà Nội cũ, bài thơ được 3 nhạc sĩ phổ nhạc nhưng khi lắng nghe, bạn sẽ ấn tượng hơn với lối diễn ngâm độc đáo của Nghệ sĩ ưu tú Trọng Thủy cùng giai điệu nhẹ nhàng như lời thủ thỉ, tâm tình qua tài nghệ tuyệt vời của nhạc sĩ Quỳnh Hợp và giọng ca Y Yang Tuyn: Có một Hà Nội rất thơ/ mùa thu là em đó…Ba mươi sáu phố phường liễu rũ/bờ hồ… Có thể nói, Đinh Tấn Phước có duyên với âm nhạc vì vậy những ca khúc phổ từ thơ anh quyến rũ cả ca từ lẫn giai điệu, nhất là ở chùm thi phẩm anh viết về Hà Nội và mùa thu.
Nguyễn Thị Thu Thủy