Hà Nội và những con phố vương tình
Không giống như Sài Gòn, nhịp sống ở Hà Nội có vẻ thong dong hơn. Tôi nhớ chị Lữ Mai từng xuất bản tập tản văn mà chỉ cái tên thôi đã nói lên được tinh thần của một thành phố giàu trầm tích văn hóa: "Hà Nội không vội được đâu". Hà Nội - mảnh đất văn hiến, nơi mà những người chưa đến đều ao ước một lần được đến, những ai đã đến rồi sẽ vương vấn không thôi. Và dù đã đến hay chưa thì Hà Nội vẫn là một địa danh rất đỗi quen thương và hằn in trong trái tim bao người, thủ đô của nước Việt ngàn năm thương mến.
Hà Nội trở thành niềm khao khát cháy bỏng của tôi - một người con của phương Nam nắng gió - từ thuở tôi còn bé xíu. Mỗi lần trông thấy Hà Nội trên tivi, phim ảnh hay qua những vần thơ đẹp, một Hà Nội lãng mạn và vương tình lại hiện lên trong tâm trí của tôi. Mãi hơn hai mươi năm sau ngày tôi có mặt trên đời và trở thành một công dân nước Việt, tôi mới đặt chân đến Hà Nội. Cảm xúc đầu tiên khi tôi giáp mặt với thủ đô là sự xúc động tột cùng, một nỗi rưng rưng trong tâm hồn. Tôi như được trở về với nguồn cội của chính mình, cũng là cái nôi của văn hóa dân tộc. Khoảnh khắc bước đi trên những con phố dài, trong tiết trời hanh hanh nhưng không thể không thơ mộng của Hà Nội, tôi thấy mình trở thành một gã tình si từ khi nào chẳng rõ.
Trong mắt tôi, Hà Nội với những con phố vương tình đã làm say lòng người lữ khách. Đi trong lòng phố cổ, tôi lắng đọng tim mình nghe tiếng thở của thời gian, của những rêu phong phủ trùm lên từng mái ngói thâm u, nếp tường, ngõ nhỏ. Chiều Hồ Gươm sương mờ giăng lối, Tháp Rùa trầm tư nhắc chuyện một thời xa. Đêm nồng nàn Hồ Tây, bóng trăng ngà soi xuống làn nước long lanh u huyền, tôi đã đứng bên bờ và hát lâm râm những bản tình ca về Hà Nội. Phố trầm mặc pha lẫn hiện đại, đông đúc nhưng chẳng mấy vội vàng. Và có lúc đi giữa phố phường bỗng thấy mình ngột ngạt không phải vì ồn ã náo nhiệt mà bởi cảm xúc dâng đầy, tôi lại tìm đến một gác mái cũ có ban công nhìn xuống con phố xao xác lá rơi, với chiếc thìa trên tay khuấy nhẹ vào tách cà-phê thơm nồng và nghe bên tai văng vẳng câu hát "Mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ. Tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân…". Hoặc tôi tìm ra bờ sông Hồng trước khi hoàng hôn buông xuống, từ bãi bồi nhìn cầu Long Biên vắt ngang qua con sông đỏ ngầu phù sa mà thấy lòng bình yên, thênh thang mây gió. Tôi hiểu rằng sông Hồng chính là người mẹ từng ngày từng giờ nuôi sống thủ đô tôi.
Hà Nội - những con phố rợp bóng cây xanh, những con đê giờ vẫn còn dấu tích khơi nhắc một nền văn minh lúa nước lâu đời. Còn gì tuyệt vời hơn khi một trưa hè nắng nóng mà dạo bước trên phố Phan Đình Phùng - một trong những con phố có bề dày lịch sử giữa lòng thủ đô. Dưới những hàng sấu cổ thụ tỏa bóng lá che chắn dòng người và nuôi dưỡng bao phận đời lang thang trên vỉa hè con phố, tôi đã ngửi thấy mùi cây xanh, mùi của lịch sử trở mình sang trang, mùi của hoa hồng, hoa huệ, sen Tây Hồ bung nở nức ngát từ những chiếc xe đạp chở đầy hoa của các chị, các mẹ. Tôi nhận ra họ đâu chỉ lang bạt mưu sinh mà chính họ, những con người lặng thầm, những khuôn mặt khắc khổ thâm trầm nhưng nụ cười lại rất bao dung, nhân hậu đã giữ gìn nét đẹp văn hóa cho mảnh đất kinh kỳ, lưu giữ sắc hương bốn mùa cho thủ đô Hà Nội.
Đối với tôi, Hà Nội đẹp và tình, lãng mạn và say đắm như thế! Đó là cái nét riêng của Hà thành mà những thành phố khác trên đất nước mình, kể cả Sài Gòn phồn hoa rực rỡ cũng không có được. Tôi nhớ một trưa nào mưa bất chợt đổ xuống xác lá sấu rụng tản mạn dưới lòng đường, nhìn những gánh hàng rong lững thững đi trong cơn mưa rào cuối hạ, bất chợt những câu thơ của Nguyễn Phan Quế Mai dội về trong tôi: "Những ngôi sao của tôi/ Gánh trên vai mình hẩm hiu số phận/ Vô danh giữa đời thường/ Dẫu đôi lúc đặt vào mắt tôi bao tia nhìn mang hình dấu hỏi"… Không cần lộng lẫy kiêu sa, Hà Nội đã níu giữ trái tim tôi và bao người bằng chính những điều dung dị, thanh lịch và chân chất đời thường.
Hoàng Khánh Duy