Hackathon-IBM 2015: Sân chơi ứng dụng công nghệ cho sinh viên

Thứ hai, 29/06/2015 12:09

(Cadn.com.vn) - Cuộc thi Hackathon-IBM 2015 về lập trình ứng dụng Web và lập trình cho ứng dụng di động do Sở Thông tin - Truyền thông TP Đà Nẵng cùng Cty IBM Vietnam phối hợp tổ chức là một trong những sân chơi lớn về ứng dụng CNTT cho sinh viên (SV) Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Cuộc thi tạo lập môi trường ứng dụng CNTT rộng rãi, giúp SV có điều kiện đem những kiến thức chuyên môn đã  học và các kỹ năng lập trình, ứng dụng vào thực tiễn.

* Cuộc thi Hackathon-IBM 2015 về lập trình ứng dụng Web và lập trình cho ứng dụng di động đã kết thúc vào ngày 21-6, BTC đã trao 1 giải nhất cho sản phẩm NutriLife của nhóm SV Trần Anh Khoa, Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Văn Hải (ĐH Duy Tân) với phần thưởng cho mỗi thành viên là 1 máy tính xách tay Lenovo S410 i3; 1 giải nhì cho sản phẩm IsOpen của nhóm SV Trương Quang Ngữ, Huỳnh Tú Thiên và Nguyễn Thị Phương Dung (Đại học Bách khoa Đà Nẵng); 2 giải ba cho nhóm SV ĐH Sư phạm và ĐH Duy Tân. Theo đại diện BTC, các sản phẩm trên tiếp tục được nghiên cứu, phát triển hoàn thiện, với sự bảo trợ của IBM Vietnam để tranh tài ở vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Hackathon IBM-2015 tổ chức tại TPHCM.

Sân chơi không biên giới

Mạng Internet là một sân chơi không biên giới trong thế giới phẳng, vì vậy bất kỳ ai có ý tưởng tốt, biết nắm bắt cơ hội thì chắc chắn sẽ thành công. Cuộc thi Hackathon-IBM 2015 là một trong những sự kiện, sân chơi công nghệ vừa giúp SV nâng cao nhận thức trong việc tạo ra những sản phẩm công nghệ, phục vụ cộng đồng, vừa thúc đẩy môi trường đào tạo nguồn lực ngày càng thiên về xu hướng ứng dụng, đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng xã hội.

“Cuộc thi hướng đến khuyến khích, động viên các bạn SV tìm hiểu, học và thực hành viết ứng dụng trên “đám mây”, đặc biệt khuyến khích các ý tưởng sáng tạo mới, khuyến khích SV có dự án khởi nghiệp ngay khi họ còn trên ghế nhà trường”, ông Nguyễn Khiêm, Chuyên gia phụ trách chương trình Sáng kiến học đường của IBM Việt Nam nói.

Theo đó, SV, nhóm SV yêu thích và có khả năng về lập trình ứng dụng Web, lập trình cho các ứng dụng di động trên “đám mây” của IBM (Bluemix) tham gia cuộc thi có thể lập trình trên nền tảng ngôn ngữ Java, JavaScript (Node.js), PHP, Python, Go và Ruby; các kỹ thuật nền tảng gồm HTML5, CSS3, XML... 

Nhóm SV Đoàn Hải Đăng, Lê Bá Đạt và Nguyễn Bá Chinh (thành viên đội Lucess – ĐH Duy Tân) chia sẻ: “Đà Nẵng là TP phát triển rất mạnh về du lịch và CNTT, chính vì vậy chúng em đã chọn 2 ngành mũi nhọn này kết hợp lại với nhau trong ý tưởng đề tài. CNTT hỗ trợ du lịch phát triển (với phần mềm tìm kiếm điểm đến), nếu phần mềm có tính hoàn thiện cao, được nhiều người sử dụng, thì chính du lịch đã quảng bá cho thế mạnh CNTT và truyền thông của TP”.

Theo đó, phần mềm của nhóm SV Đăng-Đạt-Chinh tích hợp dữ liệu với 51 điểm đến và điểm lưu trú (khách sạn 2 đến 5 sao) trên địa bàn TP Đà Nẵng. Du khách tìm điểm đến sẽ được chỉ dẫn đường, lộ trình đến, kết hợp giới thiệu các dịch vụ lưu trú trên tuyến đường mà du khách sẽ đi; ngược lại, khi xác định được địa chỉ lưu trú, phần mềm sẽ chỉ dẫn từ nơi ở đến các điểm tham quan (lộ trình, đi theo hướng, cách bao nhiêu km...). Ở mỗi điểm đến, các tác giả đều kèm theo lời giới thiệu đủ để du khách có cơ sở lựa chọn.

SV Đà Nẵng tham gia triển lãm CNTT trên địa bàn.

Đồng hành để phát triển

Tính đến nay, thành phố Đà Nẵng là địa phương duy nhất của cả nước liên tục trong 5 năm liền dẫn đầu bảng xếp hạng (khối các tỉnh/TP) về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (Ict Index). Chúng ta tự hào về thành quả đó song cũng phải luôn xứng đáng với sự đánh giá hết sức khách quan của các cơ quan hữu quan, sự ghi nhận của cộng đồng CNTT. Để phát triển, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác ứng dụng CNTT vào nhiều lĩnh vực trong đời sống, đặc biệt là ứng dụng vào đào tạo, cải cách hành chính và ứng dụng cho vận hành đồng bộ Chính quyền điện tử...

Theo nhận định của BTC, Cuộc thi Hackathon-IBM 2015 về lập trình ứng dụng Web và lập trình cho ứng dụng di động góp phần cho việc phát triển các ngành và lĩnh vực công nghiệp CNTT, nhất là công nghiệp phần mềm. Đây cũng là mũi nhọn đột phá của TP trong định hướng phát triển những năm đến.

“Vào những năm 2000, Đà Nẵng chúng ta chưa hề có doanh thu từ xuất khẩu phần mềm, song đến nay đã đạt đến con số hàng chục triệu USD. Kết quả này đã thể hiện tầm nhìn, hướng đi đúng đắn. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục đầu tư để xuất khẩu phần mềm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng trong tương lai”, TS Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở TTTT, Trưởng BTC Cuộc thi chia sẻ.

Cùng chung quan điểm này, ông Lưu Danh Anh Vũ-Giám đốc Bộ phận Điện toán đám mây IBM, khẳng định: “IBM cam kết sẽ đồng hành cùng các ý tưởng sáng tạo, chúng tôi sẽ không dừng lại ở việc trao thưởng cho các cuộc thi mà đi cùng các tác giả cho đến khi các đề tài do chính các em SV phát triển trở thành sản phẩm thực sự.

Chúng tôi khuyến khích SV phát triển nhiều ứng dụng trên nền công nghệ điện toán đám mây, bởi các dịch vụ trên nền điện toán đám mây đã là xu thế và điều chắc chắn rằng, đó cũng là công cụ và phương thức để chúng ta đổi mới cách làm việc, thay đổi các môi trường dịch vụ cũng như các ứng dụng công nghệ”.

Nguyễn Tuấn