Hai làng nghề vẫn "bức tử" môi trường

Thứ sáu, 15/01/2016 11:56

(Cadn.com.vn) - Theo Quyết định 64/2003 (QĐ64) của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; trong đó lộ trình xử lý đối với làng nghề gạch ngói là phải di chuyển địa điểm và hoàn thiện công nghệ kể từ năm 2003- 2004, còn đối với làng nghề đúc đồng phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải và hiện đại hóa công nghệ sản xuất từ năm 2003- 2006. Như vậy, tính đến nay, thời hạn cuối cùng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện theo QĐ64 đã qua cả chục năm, nhưng làng nghề đúc đồng ở phường Đúc và P. Thủy Xuân (TP Huế, TT-Huế) và làng gạch ngói ở xã Hương Vinh và Hương Toàn (TX Hương Trà, TT-Huế) vẫn chưa di dời, xử lý khiến môi trường tiếp tục ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch UBND phường Đúc cho biết, hiện có 52 lò đúc đồng thuộc địa bàn của 2 phường: Thủy Xuân và phường Đúc. Tất cả các lò đúc đồng này đều nằm xen lẫn trong khu dân cư. Cơ quan chức năng đã từng khảo sát thông số không khí tại làng nghề phường Đúc cho thấy, nồng độ bụi cuối hướng gió vượt quá tiêu chuẩn cho phép 2 lần, các khí độc nằm dưới tiêu chuẩn nhưng nồng độ vẫn tương đối lớn. Vào các thời điểm sản xuất, nồng độ bụi và các khí độc đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2-5 lần. Môi trường khí bị ô nhiễm có tính cục bộ tại nơi trực tiếp sản xuất, đặc biệt là ô nhiễm bụi vượt tiêu chuẩn cho phép do sử dụng nhiên liệu là than, củi đốt lò. Ngoài ra, do xen lẫn trong khu dân cư, do sản xuất trong gia đình theo kiểu thủ công nên môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nặng bởi một số khí thải độc hại vào thời điểm sản xuất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các hộ dân sống trong khu vực.

Đã quá thời hạn phải xử lý triệt để ô nhiễm nhưng hầu hết các cơ sở đúc đồng
ở phường Đúc vẫn "bức tử" môi trường.

Ông Long cho biết thêm, theo QĐ64, các lò đúc ở đây phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải và hiện đại hóa công nghệ sản xuất để không gây ô nhiễm. Trước đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh TT-Huế đã từng nghiên cứu và đưa vào ứng dụng hệ thống xử lý khí thải cho một số cơ sở sản xuất và gia công đồng đúc. Mô hình này sử dụng hệ thống máy hút bụi thông qua chụp hút khói, bụi, khí thải bằng inox, đưa vào bể sục khí, kết hợp với hóa chất để làm sạch khí thải... Đây là giải pháp đưa lại hiệu quả môi trường khá cao nhưng do chi phí đầu tư lớn nên đến nay chỉ thực hiện ở 3 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở được Nhà nước hỗ trợ. Ông Nguyễn Tiến Long băn khoăn, cũng không biết đến khi nào làng nghề đúc đồng mới "thoát" khỏi QĐ64 của Thủ tướng.

Đối với làng nghề gạch ngói Hương Vinh và Hương Toàn, dù đã quá thời hạn di dời 10 năm nhưng nhiều lò gạch thủ công tại đây vẫn nhóm lò để sản xuất. Do các lò gạch này nằm lẫn trong khu dân cư, lò chủ yếu được làm bằng đất và nung gạch bằng củi nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân thôn Thủy Phú (xã Hương Vinh) cho biết, việc lò gạch xả khói bụi mù mịt đã khiến nhiều người trong thôn bị mắc các bệnh hô hấp và mắt. "Đường làng ngõ xóm và nhà dân gần các lò gạch thường chìm trong khói bụi mù mịt khiến con người ngột ngạt. Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị tỉnh di dời các lò gạch nhưng hàng chục năm rồi mọi chuyện vẫn vậy"- một người dân bức xúc.

Một lò gạch thủ công ở xã Hương Vinh vẫn đang tồn tại.

Để giải quyết ô nhiễm môi trường và việc làm cho lao động tại làng nghề gạch ngói trên địa bàn, TX Hương Trà từng xây dựng dự án quy hoạch chi tiết cụm làng nghề gạch ngói, gốm Hương Vinh. Tuy nhiên, dự án này không được cấp trên phê duyệt. Trong khi đó, chính quyền TX Hương Trà lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nghề mới cho người dân nên đến nay làng nghề này vẫn chưa di dời.

Như vậy, sau cả chục năm QĐ64 của Thủ tướng chính phủ được phê duyệt thì 2 làng nghề đúc đồng và gạch ngói chưa thể ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là do chưa có phương án giải quyết.

H.Lan