Hai nam sinh đam mê nghiên cứu khoa học

Thứ bảy, 18/04/2020 11:38

Trước sự hoành hành của dịch bệnh Covid-19, Nguyễn Tấn Tiến và Ngô Quốc Huy- học sinh chuyên lý Trường THPT Quốc học- Huế đã nỗ lực sáng chế ra máy rửa tay sát khuẩn tự động. Hai em cũng vừa đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật (KHKT) tỉnh TT-Huế khối THPT với dự án “Hệ thống cường hóa gỗ tự động ở cấp độ tế bào”. Hiện, dự án đang tham gia cuộc thi KHKT toàn quốc năm 2020.

Huy và Tiến (phải) tặng máy rửa tay sát khuẩn tự động cho Chốt kiểm soát y tế.

MÓN QUÀ NHỎ, Ý NGHĨA LỚN

Trong những ngày đại dịch Covid-19, một lần đến ngân hàng giao dịch, em Ngô Quốc Huy thấy ở đó có nhiều người xếp hàng để rửa tay sát khuẩn trước khi vào bên trong. “Tuy nhiên, em thấy ai cũng dùng tay để bấm vào một bình, điều này dễ bị lây nhiễm chéo”- Huy cho biết.

Sau đó, Huy đem câu chuyện này kể với người bạn cùng trường là Nguyễn Tấn Tiến. Từ đó, đôi bạn lên ý tưởng sáng tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động để hạn chế lây nhiễm chéo. Chiếc máy gồm các linh kiện dễ tìm kiếm và có giá thành vừa phải như: cảm biến hồng ngoại, bơm điện, van điện từ, ống nước… Kinh phí của phần máy dao động từ 1 đến 1,6 triệu đồng và được các anh chị cựu học sinh, các nhà tài trợ và nhà trường hỗ trợ. Em Nguyễn Tấn Tiến cho biết, khi người dùng đưa tay vào, hệ thống cảm biến hồng ngoại nhận biết rồi tự động phun ra 1,5ml dung dịch nước sát khuẩn trong 3 giây ở chế độ dạng phun sương. “Với chiếc máy tự động này, người dùng rửa tay mà không cần phải chạm vào sẽ tránh được lây nhiễm chéo cũng như hạn chế được lượng dung dịch bị hao hụt trong quá trình rửa, đồng thời, tiêu tốn rất ít điện năng và giá thành phù hợp”- Tiến cho hay.

Những ngày này, nhiều người dân đi ngang qua trước BV Trung ương Huế cơ sở 2 (huyện Phong Điền) cũng như ở Chốt kiểm soát y tế số 2 (TX Hương Trà) hay một số điểm cộng đồng, thay vì phải dùng tay ấn nút mới được sử dụng nước sát khuẩn thì nay đã được thay thế bằng máy rửa tay sát khuẩn tự động. Đây chính là món quà nhỏ mà Huy và Tiến cùng các đoàn viên - học sinh trường THPT Chuyên Quốc học Huế gửi tặng. Khi được hỏi cảm xúc về “đứa con tinh thần” của mình được ứng dụng trong thực tế, Huy chia sẻ: “Chúng em cảm thấy rất vui và tự hào, vì đã góp một phần công sức nhỏ để lan tỏa tinh thần phòng, chống dịch Covid-19”.

ỨNG DỤNG THỰC TIỄN CAO

Với dự án “Hệ thống cường hóa gỗ tự động ở cấp độ tế bào”, Huy và Tiến đã vượt qua nhiều đề tài xuất sắc và đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo KHKT khối THPT tỉnh TT-Huế năm 2020. Lý giải về việc chọn đề tài này, Huy và Tiến cho biết, có rất nhiều phương pháp để tăng cường chất lượng gỗ nhưng một trong số những phương pháp tối ưu nhất chính là phương pháp “ổn định gỗ” (Stabilizing Wood) và gỗ được cường hóa có tên là “gỗ ổn định”. Tuy nhiên, phương pháp này theo quy mô nhỏ và chỉ làm hoàn toàn bằng thủ công. Do đó, để cường hóa được gỗ sẽ mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, các giai đoạn đều yêu cầu người gia công phải luôn giám sát 24/24 giờ; nếu không thì chất lượng gỗ sẽ không được đảm bảo. Vì vậy, giá thành gỗ sau khi được cường hóa sẽ rất đắt đỏ. Nhóm tác giả nhận thấy, những bất cập trên chủ yếu bắt nguồn từ nguyên nhân do làm thủ công hoàn toàn, thế nên các em đã tạo ra hệ thống dây chuyền tự động hóa, hoạt động dựa trên phương pháp ổn định thủ công “Hệ thống cường hóa gỗ tự động ở cấp độ tế bào” với mục đích cải thiện chất lượng và giá thành sản phẩm.

Theo ban giám khảo cuộc thi, đề tài thể hiện tính sáng tạo, ứng dụng thực tiễn cao. Đây là thành công khởi đầu cho con đường nghiên cứu khoa học trong tương lai của các em. Cái được từ cuộc thi là các em biết vận dụng lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống làm cho bài học thêm sinh động và hữu ích. Đây là lần thứ 2 cậu học trò Ngô Quốc Huy giành giải cao tại cuộc thi khoa học kỹ thuật khi trước đó, dự án Hệ quan sát giao thoa Nirvana đã giành giải Nhất tại cuộc thi KHKT tỉnh TT-Huế năm học 2018 -2019.

H.LAN

Đề xuất các khối cuối cấp trở lại trường vào đầu tháng 5

Ngày 17-4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh TT-Huế, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục sẵn sàng có phương án cho học sinh đi học trở lại. Theo đề xuất của Sở GD-ĐT, các khối cuối cấp ở tỉnh sẽ đi học trở lại vào đầu tháng 5 sau khi các trường học được tiêu độc khử trùng. Cụ thể, Sở GD-ĐT tỉnh đề xuất, từ ngày 20 đến 25-4, ngành giáo dục tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các trường học. Sau khi vệ sinh trường học, từ ngày 4-5 các khối cuối cấp TH, THCS và THPT sẽ trở lại trường. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, sau đó sẽ tổ chức cho học sinh các khối còn lại đến lớp. Trước đề xuất này, ông Phan Ngọc Thọ chỉ đạo ngành giáo dục sẵn sàng có phương án cho học sinh đi học trở lại căn cứ vào chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và tình hình dịch bệnh ở tỉnh.

H.L