Hạn hán, mặn hoành hành các tỉnh miền Trung (Bài 3: Nguy cơ khủng hoảng nước sinh hoạt)
Để kiểm soát nguy cơ, giảm thiểu rủi ro, tránh khủng hoảng nước sinh hoạt những ngày cao điểm trên địa bàn, 2 nhánh đập ngăn mặn trị giá gần 15 tỷ đồng đã được Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) xây dựng ngay dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương để ngăn chặn các đợt nhập triều “đột kích” ngược lên nhà máy nước Cầu Đỏ. Trong khi đó, với mực nước trung bình trên sông Vu Gia và sông Cẩm Lệ xuống thấp đột biến, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước được dự báo sẽ rất căng thẳng.
Lượng mưa ít, nước thượng nguồn không đủ xả về sẽ xảy ra nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho Đà Nẵng những ngày cao điểm. |
Những năm gần đây, người dân Đà Nẵng đã quá “ám ảnh” với điệp khúc đến hẹn lại khát nước sinh hoạt. Vào mùa hè, hiện tượng nước yếu, nhiễm mặn, nhiều cặn bẩn trong nhiều ngày liền đã khiến cuộc sống ở nhiều khu dân cư đảo lộn. Phía cuối nguồn như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Phước Lý, có thời điểm người dân phải thức đêm để hứng, ban ngày chờ xe lưu động đến cấp nước từng xô, không đủ cho sinh hoạt của gia đình. Ngoài nguyên nhân công tác đầu tư, quản lý, vận hành nhà máy nước còn thiếu chủ động vào những thời điểm nắng nóng kéo dài thì hiện tượng xâm nhập mặn cực đoan, có xu hướng ngày càng đi sâu về phía thượng lưu như những cuộc “đột kích”, “bao vây” khiến nguồn nước thô không đủ cấp cho 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay.
Năm 2019, cơ quan chức năng TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thống nhất xây con đập tạm trên sông Quảng Huế (H. Đại Lộc, Quảng Nam) để dẫn một phần nước chảy về sông Yên phục vụ đẩy mặn, cấp nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng. Tức là với con đập này, khi các thủy điện xả nước thì lượng nước chuyển về Đà Nẵng sẽ nhiều hơn, mức nước ở đập An Trạch sẽ ổn định, độ mặn ở sông Cầu Đỏ sẽ giảm đi. Tuy nhiên cho đến giữa tháng 3, con đập này cũng nằm khô vì không có nước từ thượng nguồn đổ về để chặn. Ông Nguyễn Văn Bê, một hộ dân có ruộng bắp ngay bên chân đập Quảng Huế cho biết: “Hồi trước thời gian này nước lên mấp mé mặt trên của đập. Nhưng năm nay có vẻ hạn hán sẽ rất nặng vì đến giờ này không có mưa, nước thượng nguồn không về, hai bên bờ sông Quảng Huế nước rút lòi hàm ếch”.
Theo ông Hồ Minh Nam – Phó Tổng giám đốc Dawaco, từ đầu năm đến nay, các thủy điện hầu như không xả nước. Điều này dẫn đến sự suy giảm dòng chảy về phía hạ du. Phía cửa biển, diễn biến xâm nhập mặn ngày càng có dấu hiệu xuất hiện sớm, kéo dài ngày hơn, độ mặn cao hơn dẫn đến nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Độ mặn tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi cấp phần lớn nước sinh hoạt cho thành phố thường xuyên thay đổi, có ngày cao điểm lên đến hơn 3.000mg/lít. Để tránh hiện tượng khủng hoảng nước sinh hoạt do độ mặn cao đột biến như trong những năm qua, ngay từ đầu năm 2020, Dawaco đã đầu tư 9 tỷ đồng để làm đập tạm tại khu vực thượng lưu cầu Nguyễn Tri Phương để ngăn mặn từ sông phía sông Hàn xâm nhập lên. Trạm bơm phòng mặn An Trạch cũng tranh thủ gom nước ngọt để chủ động kiểm soát nguy cơ, giảm thiểu rủi ro.
“Sông Cẩm Lệ ở phía dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương có một doi đất phân thành 2 nhánh. Hiện tại căn cứ vào thủy triều, chúng tôi đã làm đập tạm một nhánh khoảng 180m để giảm bớt độ mặn từ sông Hàn đẩy lên. Nhưng với tình hình này, đơn vị đã phải làm thêm nhánh còn lại với độ dài khoảng 80m bằng bao cát hoặc vật liệu mềm”, ông Nam cho biết. Cùng với việc xây đập ngăn mặn, Dawaco phải liên tục cập nhật độ mặn của nước sông để bơm dự phòng vào trạm bơm phòng mặn An Trạch nhằm ứng phó với các tình huống mặn đột biến. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp cần chứ chưa phải là đủ để đảm bảo an ninh nguồn nước. “Để ngăn mặn xâm nhập sâu, muốn đẩy mặn thì chắc chắn phải có nước ngọt từ thượng nguồn đổ về. Trong khi thực tế là những lúc thủy triều lên cao, độ mặn lớn, xâm nhập sâu vào các dòng sông cũng là thời điểm mà các hồ thủy điện không xả nước. Nghịch lý này sẽ khiến cả nước sinh hoạt và phục vụ mùa màng rất căng thẳng”, Phó Tổng giám đốc Dawaco cho hay.
Số liệu từ Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ cho biết, lượng mưa tích lũy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ đầu năm 2020 đến nay đạt 64,2mm, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ là 28%, chỉ bằng một nửa của năm 2019. Hiện nay, các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn (thuộc tỉnh Quảng Nam) như A Vương đã hạn chế phát điện từ ngày 22-11-2019 và dừng phát điện hoàn toàn từ ngày 1-12-2019; Sông Bung 4 đã gần như ngừng phát điện từ ngày 3-12-2019 để ưu tiên tích nước hồ, phục vụ việc điều tiết phát điện - cấp nước hạ du trong mùa khô năm 2020. Lãnh đạo Cty CP Thủy điện A Vương cho biết, mỗi năm, hồ thủy điện A Vương sử dụng bình quân 1,61 tỷ m3 nước để phát điện, nhưng dung tích hữu ích của hồ chứa chỉ 266 triệu m3 nước. Như vậy, trữ lượng nước tích trữ trong các cánh rừng trên lưu vực hồ thủy điện để sử dụng trong năm đến 1,3 tỷ m3 nước. Trữ lượng nước này có được nhờ mưa lớn trong suốt mùa mưa bão, thậm chí có nhiều lũ lớn. Nhưng trong thời gian qua, lượng mưa ở các cánh rừng trên lưu vực hồ thủy điện A Vương rất kém, không xuất hiện lũ, dẫn đến trữ lượng nước tích trong các cánh rừng rất ít. “Trong trường hợp mùa hè của năm 2020 không có mưa thì sẽ có thêm một kỷ lục mới về hạn, mặn. Cty cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam khuyến cáo tình trạng khô hạn bất thường và đề nghị có biện pháp chủ động ứng phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước”, lãnh đạo Cty CP Thủy điện A Vương cho hay.
Mới đây nhất, khi độ mặn vượt đỉnh năm 2019 với giá trị 5.863mg/lít tại cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ, Đà Nẵng phải có công văn yêu cầu các thủy điện xả nước ít nhất 12 giờ/ngày trong thời gian xây dựng tuyến đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ. Qua theo dõi diễn biến độ mặn nước sông Vu Gia tại vị trí cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ từ ngày 1-3 đến 12-3, Chi cục Thủy Lợi Đà Nẵng cho biết, nguồn nước sông thường xuyên bị nhiễm mặn với độ mặn lớn nhất đạt giá trị 6.863mg/lít vào rạng sáng ngày 10-3, vượt đỉnh mặn của năm 2019 là 5.109mg/lít. Đặc biệt, có những thời điểm độ mặn đã duy trì với giá trị lớn hơn 1.000mg/lít liên tục trên 24 giờ.
Trước diễn biến xâm nhập mặn phức tạp này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã ký văn bản gửi chủ các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Dawaco yêu cầu thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt trên địa bàn. Cụ thể hồ A Vương xả từ 18-22m3/s, Sông Bung 4 từ 25-30m3/s; thời gian yêu cầu xả nước vận hành liên tục không ít hơn 12 giờ/ngày, thời gian bắt đầu không muộn hơn 9 giờ sáng và kết thúc không sớm hơn 21 giờ. “Thời gian bắt đầu vận hành chế độ xả nước này là từ ngày 13-3 đến khi Đà Nẵng xây xong nhánh 2 của đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ tại vị trí thượng lưu cầu Nguyễn Tri Phương. Ngoài ra, sau khi đập ngăn mặn hoàn thành, hồ thủy điện A Vương tiếp tục tích nước đến ngày 1-4 để đảm bảo yêu cầu về tích nước sử dụng đến cuối mùa cạn”, công văn nêu.
CÔNG KHANH