Hàn - Triều tiếp tục đàm phán

Thứ ba, 16/01/2018 10:56

Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 15-1 bắt đầu đàm phán về việc Triều Tiên cử đoàn nghệ thuật tham gia Thế Vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 tại làng đình chiến Panmunjom.

Hàn-Triều đàm phán về việc Bình Nhưỡng cử đoàn nghệ thuật tham gia Thế Vận hội.

Xây dựng lại hình ảnh

Đây là bước tiếp theo của cuộc đàm phán cấp cao Hàn- Triều hồi tuần trước. Hai bên dự kiến tập trung thảo luận các nội dung chi tiết như số lượng diễn viên của Triều Tiên, tuyến đường sang Hàn Quốc và chương trình hoạt động.

Phát biểu với báo giới trước khi lên đường tham dự đàm phán, Trưởng đoàn Lee Woo-sung, quan chức cấp cao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, cho biết "Việc phái đoàn nghệ thuật Triều Tiên có thể tham dự Thế Vận hội PyeongChang đang thu hút sự chú ý của cả Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế. Chúng tôi sẽ đối thoại bình tĩnh để có thể đạt được kết quả tốt nhất". Trong khi đó, đại diện phía Triều Tiên, ông Kwon Hyok-bong, Giám đốc Cục Nghệ thuật Biểu diễn Triều Tiên cho biết, nhiều khả năng, ban nhạc nữ Moranbong sẽ được cử tham dự Thế Vận hội PyeongChang.

Nhiều chuyên gia nhận định, các buổi biểu diễn nghệ thuật có thể là cách tốt để Triều Tiên thể hiện hình ảnh, trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang phải hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt quốc tế. Ông Cheong Seong-chang, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Sejong, Hàn Quốc, nhận định: "Việc cử đoàn nghệ thuật đến Hàn Quốc sẽ giúp thúc đẩy nỗ lực hòa giải giữa hai bên. Tuy nhiên, hai nước cần bàn thảo kỹ lưỡng về các chi tiết như trang phục và phong cách biểu diễn của phái đoàn này".

Trước đó,  báo chí Triều Tiên ngày 14-1 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa giải và đoàn kết giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời kêu gọi mở rộng các hoạt động giao lưu liên Triều theo cách có lợi cho việc tái thống nhất. Bài xã luận đăng trên nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, nhấn mạnh: "Điều quan trọng là thực hiện hòa giải và đoàn kết giữa người dân nhằm cải thiện mối quan hệ Triều - Hàn và tạo bầu không khí có lợi cho tái thống nhất".

Tờ báo cũng kêu gọi các chính trị gia ở Hàn Quốc ủng hộ và chấp nhận đề nghị hòa giải của Triều Tiên.

Mỹ "dội gáo nước lạnh"

Trong khi quan hệ Hàn -Triều đạt được những bước chuyển tích cực, Mỹ lại "dội gáo nước lạnh" vào quan hệ đang dần ấm lên này. Mỹ tăng cường sự hiện diện xung quanh bán đảo Triều Tiên trước thềm Thế vận hội mùa Đông PyeongChang bằng cách triển khai các máy bay ném bom tàng hình, ít nhất một tàu sân bay và một tàu đổ bộ mới tới khu vực.

Các quan chức quân đội Mỹ cho hay, những động thái trên nằm trong kế hoạch huấn luyện thường lệ và nâng cao năng lực quân sự vốn nằm trong lịch trình hai nước. Tuy nhiên, động thái này diễn ra sau khi Washington nhất trí ngừng các cuộc tập trận quy mô lớn hàng năm với Hàn Quốc cho đến khi kết thúc Thế vận hội PyeongChang nên Triều Tiên cho rằng, Mỹ đang cố "dội gáo nước lạnh" vào cuộc đàm phán mới của nước này với Seoul.

Tờ Rodong Sinmun cáo buộc Mỹ đang tìm cách hủy hoại quan hệ liên Triều bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt ở mức cao nhất cũng như gây áp lực mạnh mẽ nhất để Triều Tiên buộc phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. "Mỹ liên tục lặp đi lặp lại tuyên bố sẽ không làm dịu bớt áp lực tối đa và các lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Washington đang "dội nước lạnh" vào bầu không khí hòa giải giữa 2 bên bán đảo Triều Tiên", bài xã luận viết. Tờ Rodong Sinmun còn cảnh báo, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un có nhiều lựa chọn để thực hiện một vụ tấn công phủ đầu vào Washington "vào một thời điểm thích hợp".

Hôm 14-1, Triều Tiên cũng chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sau khi ông khẳng định, Tổng thống Mỹ Donald Trump "đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hai miền Triều Tiên có thể tiến tới đối thoại hòa bình". Thậm chí, Triều Tiên còn đề cập đến khả năng rút lại quyết định tham dự Thế Vận hội PyeongChang.

AN BÌNH

Hàn Quốc xuất khẩu 3,19 tỷ USD vũ khí trong năm 2017

Ngày 15-1, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) của Hàn Quốc thông báo lượng xuất khẩu vũ khí của nước này đạt 3,19 tỷ USD trong năm 2017, trong bối cảnh Seoul đẩy mạnh các nỗ lực nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khách hàng và phương pháp tiếp thị.

Theo DAPA, lượng xuất khẩu vũ khí năm 2017 tăng 25%, từ mức 2,55 tỷ USD trong năm 2016. DAPA cho biết: "Hoạt động xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc, vốn đã bị đình trệ, dường như dần thay đổi theo xu hướng đi lên". Đây là thành quả của sự cố gắng đến từ nhà chức trách có liên quan và các Cty quốc phòng nhằm chiến thắng sự cạnh tranh quốc tế khốc liệt, giá dầu giảm và những khó khăn kinh tế.  DAPA thường không công khai những con số cụ thể như trên đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc, vốn trì trệ trong vài năm qua.

T.NGUYÊN