Hàng chục người sập bẫy lừa xin việc

Thứ sáu, 30/12/2016 11:22

(Cadn.com.vn) - Thủ đoạn lừa xin việc để chiếm đoạt tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng không còn là chuyện lạ ở địa bàn TT-Huế. Thời gian qua, dù cơ quan CA, báo chí đã nhiều lần khuyến cáo, nhưng nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin, chỉ thông qua quen biết vẫn giao một số tiền lớn cho người lạ để nhờ chạy việc. Hậu quả là tiền mất tật mang. Vụ án Phan Thị Thùy Trang (1980, trú đường Mai Thúc Loan, TP Huế, TT-Huế) lừa đảo bằng “chiêu” xin việc mà Cơ quan CA tỉnh TT-Huế đang thụ lý tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cho tất cả mọi người.

Nói về vụ án này, Đại tá Nguyễn Hàn - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) CA tỉnh TT-Huế cho biết, tính đến cuối tháng 12-2016, số bị hại gửi đơn đến cơ quan CA tố cáo hành vi lừa chạy việc của Phan Thị Thùy Trang (1980, trú đường Mai Thúc Loan, TP Huế, TT-Huế) đã lên đến 21 người. Theo đơn tố cáo, số tiền Trang chiếm đoạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Và, chắc chắn số bị hại không chỉ dừng lại ở đó mà có nhiều trường hợp cho rằng, nếu có gửi đơn đến cơ quan CA thì đối tượng cũng không có khả năng trả nợ nên âm thầm chịu mất hoặc do một số người đang công tác ở nhiều cơ quan Nhà nước nên sợ ảnh hưởng, đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Công bố lệnh bắt tạm giam Phan Thị Thùy Trang.

Trước đó, đầu tháng 9-2016, Cơ quan CSĐT CA tỉnh TT-Huế nhận được đơn phản ánh của 4 trường hợp “tố” Phan Thị Thùy Trang nhận 700 triệu đồng để chạy việc nhưng quá hẹn đã lâu mà các bị hại vẫn không được đi làm. Người thân của một bị hại cho biết, qua giới thiệu của một người bạn, chị này biết được Trang có chồng đang làm việc tại một bệnh viện uy tín ở Huế. Sau đó, người này gặp Trang để nhờ “chạy việc” thì Trang “nổ” rằng có thể xin vào làm các công việc như: bác sĩ, điều dưỡng, y tá ở bất cứ bệnh viện nào tại TP Huế. Khi nghe Trang nói như “đinh đóng cột”, chị này đồng ý nhờ Trang chạy việc cho em gái. Với chân y tá ở bệnh viện, Trang ra giá 100 triệu đồng. Sau đó, chị này đã giao 1 bộ hồ sơ xin việc và 100 triệu đồng cho Trang. Khi nhận hồ sơ và tiền, Trang nói rằng, “chậm nhất trong 6 tháng sẽ có giấy báo gửi về nhà để đi làm”. Tuy nhiên, 6 tháng trôi qua đã rất lâu nhưng em gái chị này vẫn không nhận được giấy thông báo đi làm như lời hứa của Trang. Chờ đợi tháng này sang tháng khác, gia đình tìm gặp Trang để đòi lại tiền thì Trang hứa hẹn rồi “bặt vô âm tín”.

Tương tự, một bị hại khác, qua quen biết đã gặp Trang và đặt vấn đề nhờ lo việc làm. Khi người này nói muốn xin vào dạy tại một trường học trên địa bàn TP Huế thì Trang ra giá 120 triệu đồng. Sau khi nhận hồ sơ xin việc và 120 triệu đồng, Trang hứa “5 hoặc 6 tháng sẽ có giấy báo đi dạy”. Tuy nhiên, người này chờ hơn cả năm vẫn không thấy giấy báo đâu. Nhiều lần tìm gặp Trang để hỏi “vì sao trễ hẹn quá lâu nhưng vẫn chưa đi làm” thì Trang “bịa” chuyện do thay đổi nhân sự nên... chịu khó chờ. Qua tìm hiểu, người này biết được Trang nhận tiền mà không hề lo việc cho mình nên đã trình báo cơ quan CA…

Sau khi cơ quan CA vào cuộc xác minh, nhận thấy cả 4 trường hợp phản ánh Phan Thị Thùy Trang có hành vi lừa xin việc là có đủ căn cứ nên ngày 9-10, Cơ quan CSĐT CA tỉnh TT-Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trang về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Phan Thị Thùy Trang.

Ngay sau khi Trang bị bắt cho đến những ngày cuối tháng 12-2016, đã có thêm 17 người đến cơ quan CA gửi đơn tố cáo Trang về hành vi lừa chạy việc. Như vậy, đến thời điểm này đã có tổng cộng 21 người tố cáo Trang lừa đảo chiếm đoạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Theo cơ quan CA, Trang hứa xin việc cho các bị hại vào nhiều ngành như y tế, kho bạc, giáo dục… Điều đáng nói, bị hại không chỉ ở trong phạm vi TP Huế mà còn ở một số huyện miền núi, thị xã của tỉnh TT-Huế. Người nhà của một bị hại trú tại huyện miền núi Nam Đông cho biết: Khi nghe một người quen giới thiệu rằng, chồng Trang là một bác sĩ nên Trang có quan hệ rất rộng và từng nhận xin việc cho nhiều trường hợp. Sau khi gặp Trang để nhờ lo đi dạy cho người em thì được đồng ý với giá 120 triệu đồng. Để có đủ tiền đưa cho Trang, gia đình này phải đi vay mượn khắp nơi, nhưng sau khi đưa tiền và hồ sơ thì chờ hoài không thấy kết quả. Tìm gặp Trang xin lấy lại tiền để trả nợ thì Trang “lẩn như chạch”.

Được biết, mỗi trường hợp nhờ xin việc đều được Trang ra giá dao động 80-150 triệu đồng tùy theo tính chất từng công việc. Theo khai nhận của hầu hết bị hại, khi họ gặp để đặt vấn đề nhờ lo xin việc thì Trang đều “khoe” rằng có quen thân với nhiều lãnh đạo nên có thể “chạy” được nhiều công việc. Thế nhưng qua quá trình điều tra, cơ quan CA xác định, Trang là đối tượng không nghề nghiệp và thực tế không có mối quan hệ với lãnh đạo nào ở địa phương. Chồng Trang đúng là làm ở bệnh viện nhưng hai người đã ly thân từ lâu. Qua điều tra cho thấy, số tiền sau khi chiếm đoạt của các bị hại, Trang sử dụng để tiêu xài cá nhân và trả nợ mà đối tượng đã vay mượn trước đó. Cơ quan CA cũng đã thu giữ nhiều bộ hồ sơ xin việc ở nhà của Trang.

Cũng theo Cơ quan CA, qua vụ án này một lần nữa cho thấy, các bị hại và người thân do quá sốt ruột, muốn có được việc làm nên nhẹ dạ cả tin, sẵn sàng đưa tiền cho người khác dù chưa tìm hiểu kỹ. Đây cũng chính là kẽ hở, tiếp tay cho các đối tượng dễ dàng phạm tội mà người dân cần thận trọng, cảnh giác.

H. Lan