Hàng loạt chợ xây xong rồi bỏ hoang

Thứ hai, 13/10/2014 11:51

(Cadn.com.vn) - Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh TT-Huế, hiện toàn tỉnh có 159 chợ từ loại I-III được đầu tư xây dựng nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tiêu thụ các loại nông sản địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, nhiều địa phương không khảo sát kỹ về nhu cầu cũng như địa điểm đầu tư, dẫn đến hàng chục ngôi chợ nằm “cạnh” nhau gây lãng phí, nhiều xã có từ 3-4 chợ nên không có người họp chợ hoặc chỉ họp chợ từ 1-2 giờ/ngày. Mặt khác, có nhiều xã tận dụng các nguồn vốn như đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, vốn bãi ngang, Chương trình 135… nên đầu tư ồ ạt.

Đơn cử như H. Phú Vang có một số xã được hưởng vốn bãi ngang nên từ năm 2005 đến nay, huyện này đầu tư xây dựng hàng chục ngôi chợ với kinh phí từ 250-700 triệu đồng/chợ. Đến thời điểm này, toàn huyện có 40 chợ đóng tại 19 xã, thị trấn, trong đó có nhiều xã có từ 3-4 chợ như Phú Diên, thị trấn Phú Đa; các xã Vinh Xuân, Vinh Hà, Phú Mỹ… Trong khi đó, những xã có 3-4 chợ thì chỉ có từ 1-2 chợ hoạt động hiệu quả với số lượng người dân đến kinh doanh mua bán, thời gian họp chợ dài còn lại đều rơi vào tình trạng bỏ hoang hoặc vắng khách.

Điển hình là chợ Phú Diên 1 được xây dựng năm 2003 nhưng không hoạt động và bị bỏ hoang nhưng đến năm 2005, từ nguồn vốn bãi ngang, UBND xã Phú Diên tiếp tục đầu tư 580 triệu đồng xây dựng 2 ngôi chợ là chợ Phú Diên 2 (thôn Mỹ Khánh) và Phú Diên 3 (thôn Kế Sung). Điều đáng nói, 2 ngôi chợ được xây dựng chỉ cách nhau khoảng 2km nên người dân trong thôn chỉ đến họp chợ từ 1-2 tiếng đồng hồ và số người đến kinh doanh buôn bán cũng chỉ vài chục người. Hiện, UBND H. Phú Vang đang triển khai quy hoạch và sẽ chuyển đổi một số chợ bỏ hoang làm nhà văn hóa cộng đồng nhưng do chưa có kinh phí nên đến nay vẫn chưa triển khai.

Đình chợ Bình Thành là nơi đậu xe, kho chứa củi của người dân sống gần chợ.

Tương tự, năm 2004, chợ Bình Thành (xã Bình Thành, TX Hương Trà) được đầu tư xây dựng khang trang với kinh phí hàng trăm triệu đồng nhưng đến nay đã gần 10 năm vẫn chưa một lần họp chợ. Có mặt tại chợ Bình Thành vào một sáng đầu tháng 10-2014, chúng tôi bất ngờ khi chợ này không có bóng dáng người; các ki-ốt phía trước chợ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đình chợ cũng chẳng có hàng quán mà trở thành nơi tập kết của xe tải và kho chứa củi của người dân sống gần đó.

Ông Nguyễn Văn Trung-Chủ tịch HĐND xã Bình Thành cho biết, chợ Bình Thành dù được xây dựng khang trang nhưng chẳng có ai buôn bán do địa thế không hợp. “Mỗi lần đi qua chợ, tôi thấy xót xa vì lãng phí. Sắp tới, xã dự định sẽ  xin cấp trên điều chỉnh lại chợ cho phù hợp và vận động người dân đến bán buôn tại chợ này. Chứ chợ bỏ hoang lâu quá rất lãng phí”- ông Trung nói.

Hay như chợ Quảng Phước với diện tích 6.000m2, gồm 36 lô và đình chợ, tổng kinh phí xây dựng 2,2 tỷ đồng được đầu tư xây dựng từ năm 2008, chuyên kinh doanh gia cầm và các loại hàng hóa nông sản địa phương. Song, gần 7 năm nay, ngôi chợ này chỉ thu hút trên dưới 10 người thường xuyên đến họp chợ. Tương tự, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (chương trình 135) dành cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, năm 2005, UBND H. Nam Đông đầu tư xây dựng chợ Thượng Long đóng trên địa bàn xã Thượng Long. Thế nhưng, từ khi đưa vào hoạt động, chợ chỉ thu hút vài ba người đến họp và từ năm 2008 đến nay, chợ Thượng Long trở thành hoang phế.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh TT-Huế, lâu nay, các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh TT-Huế xây dựng tràn lan, không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng chợ xây xong bỏ trống hoặc không hiệu quả diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong đó, các xã, thị trấn cứ có tiền là tập trung xây chợ chứ không quan tâm đến việc khảo sát nhu cầu, địa điểm dẫn đến lãng phí. Mặt khác, việc phát triển chợ ồ ạt khiến công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ nông thôn gặp khó, gây thất thoát tiền Nhà nước và lãng phí nguồn thu ngân sách từ khâu thu thuế ở các chợ.

H.Lan