Hàng ngàn ngôi nhà chìm trong lũ dữ

Thứ sáu, 16/12/2016 11:03

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-12, mưa lũ trên địa bàn các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, tình trạng ngập lụt, chia cắt diễn ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại nặng nề.

Người dân 3 xã Gò Nổi (TX Điện Bàn) phải di chuyển bằng ghe, thuyền.

TAN HOANG BỜ BIỂN CỬA ĐẠI

LŨ TỪ QUẢNG NAM – BÌNH ĐỊNH TIẾP TỤC LÊN NHANH

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong vòng 6 giờ tính đến 13 giờ ngày 15-12, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 30-80mm, một số nơi lớn hơn như: Trà My (Quảng Nam) 142mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 108mm; Quy Nhơn (Bình Định) 96mm. Sáng nay, 16-12, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế lên chậm, các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục lên nhanh; các sông ở Phú Yên lên lại. Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông và mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên.

B.Thùy

Ngày 15-12, tận mắt chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của biển tại khu vực Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam), chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước sự tan hoang nơi đây. Từ bãi tắm Cửa Đại, một bãi tắm đẹp nổi tiếng trước đây, nay chỉ còn là bờ cát xói lở, dựng đứng, sóng biển đã ăn sâu vào bãi tắm, cuốn những hàng dừa hàng chục năm tuổi xuống biển, theo ước lượng của chúng tôi chỉ còn cách con đường ven biển chưa đầy 20 m.  Anh Nguyễn Văn Tuấn - một người trông coi ở quán Hơn cho biết, sóng biển đã cuốn nhiều công trình của người dân xuống biển, cả dãy hơn chục hàng quán, bị xói lở tơi tả, sóng biển tiến sát vào các hàng quán, gần 3 tháng nay không kinh doanh được gì nữa. Bờ biển đang sạt lở với tốc độ kinh hoàng.

Ông Lê Công Sỹ - Phó Chủ tịch UBND P. Cửa Đại cho biết, ngay từ đầu tháng 11-2016,  chính quyền địa phương cùng chủ các nhà hàng ven biển đã huy động  nhân lực sử dụng sức người, vận chuyển hàng ngàn bao cát nhằm gia cố nhiều tuyến bờ kè. Cửa Đại có 3km bờ biển, nhưng đến nay đã sạt lở nghiêm trọng hơn 1,6km. Tình trạng biển xâm thực gây sạt lở bờ biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu ngân sách của địa phương, theo đánh giá năm 2016 này, phường thiệt hại tới hơn 60%, trước đây trung bình mỗi năm, ngân sách phường thu từ hoạt động kinh doanh du lịch hàng tỷ đồng, năm nay, lượng khách giảm hẳn...

Các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Cửa Đại cũng điêu đứng,  tại Resort Golden Sand Hội An, với   gần 700 m bờ biển trong khu vực của resort này.  Trong thời gian qua, doanh nghiệp này đã tự đầu tư xây dựng chuỗi bờ kè với kinh phí hàng tỷ đồng, nhưng mỗi năm, tình trạng xói lở lại tiếp tục mạnh thêm, gây tiềm ẩn nguy cơ “cuốn bay” các công trình của resort ven biển. Những khu nhà nghỉ dưỡng đầu tư ven biển luôn trong tình cảnh ế ẩm vì sóng to, gió lớn đánh thẳng vào... Đại diện các doanh nghiệp nơi đây đã đề đạt: “Mong muốn chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam sớm tìm được phương án hữu hiệu để cứu  bờ biển, biển Cửa Đại đang có nguy cơ xóa sổ trong tương lai rất gần...

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều hội thảo tìm một phương án chống sạt lở bờ biển Cửa Đại. Một số chuyên gia đã đưa ra ý kiến,   dùng phương án “kè mềm” chắn sóng chống biển xâm thực.  Theo phương pháp này, những túi  kỹ thuật được bơm cát vào, có trọng lượng khoảng 300 tấn, chiều dài 20m, cao 5m và được đặt liền nhau cách bờ biển khoảng 50 - 100 m. Đây chỉ là giải pháp tạm thời vì mỗi túi đựng cát chỉ có tuổi thọ trên dưới 5 năm. Theo quan sát của chúng tôi, trong những ngày này, sóng biển đã đánh tràn qua bờ kè “mềm”, nhiều đoạn bờ biển đã xói lở vượt qua bờ kè mềm đến 5-10 m.

Sóng biển đã đánh bạt qua bờ kè xây tạm, ăn sâu qua bờ kè cả chục mét ở Cửa Đại.

Chúng tôi cũng được biết, ngay từ đầu năm 2016,  UBND tỉnh Quảng Nam triển khai đầu tư dự án xây kè biển Cửa Đại với kinh phí khoảng 80 tỷ đồng, đã chuyển  về địa phương 20 tỷ đồng.  Để hoàn tất 1,6 km kè bờ biển Cửa Đại,  trong thời gian qua, UBND tỉnh đã kêu gọi một  số nhà đầu tư nước ngoài  hỗ trợ địa phương khảo sát các thông số sạt lở và có các nghiên cứu cụ thể để trình các bộ, ngành Trung ương xem xét. Nhiều ý kiến tại địa phương cho rằng, dự án kè biển Cửa Đại cần phải được khẩn trương xem xét, triển khai, trước tình hình biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay, càng chậm trễ thời gian nào, bờ biển Cửa Đại sẽ càng tụt nhanh xuống biển  chừng đó.

Nhiều công trình tại Cửa Đại chuẩn bị trôi xuống biển. Ảnh: Hồng Thanh

THỦY ĐIỆN LẠI XẢ LŨ GÂY NGẬP

Tính đến trưa 15-12, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, nhiều địa phương trên địa bàn xảy ra mưa lớn trên diện rộng, với tổng lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, một số địa phương có lượng mưa lớn hơn như:  Trà My - 474 mm; Tiên Phước - 532 mm; Hiệp Đức - 700 mm; Nông Sơn - 573 mm...

Theo ghi nhận của P.V, do mưa lớn kết hợp với nhiều thủy điện xả lũ nên hầu hết các huyện như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Nông Sơn... bị ngập cục bộ trong 2 ngày qua. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế, Phó Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN Điện Bàn cho biết, tính đến trưa 15-12, lũ tại sông Câu Lâu đã vượt báo động 2 khoảng 60cm, nguyên nhân do thủy điện Sông Tranh tiếp tục xả lũ với lưu lượng 1.600m3/giây nên lượng nước đang đổ về hạ nguồn nhiều hơn, dự kiến khuya 15-12 mực nước tại Câu Lâu sẽ trên mức báo động 3. Khu vực 3 xã Gò Nổi của TX Điện Bàn bị nước lũ bao vây, người dân đi lại phải dùng phương tiện ghe, đò. Gia súc, gia cầm đã được người dân đưa đến khu vực gò cao để tránh.

Đường liên xã qua vùng B của H. Đại Lộc bị ngập sâu.

Tại H. Nông Sơn, tuy địa phương này là huyện miền núi nhưng do nằm giữa thung lũng nên hiện tượng lũ lụt diễn biến rất phức tạp. Tuyến đường DDT616 từ Quế Sơn lên trung tâm huyện này đã bị chia cắt 2 ngày nay, nhiều nơi bị ngập sâu hơn 1m. Do địa hình chia cắt, thuyền và ca nô rất khó tiếp cận để trung chuyển người và phương tiện vào trung tâm huyện khiến cho việc đi lại, giao thương hết sức khó khăn.

Một người dân TT Ái Nghĩa (H. Đại Lộc) nỗ lực cứu những cây chuối trong lũ. Ảnh: Trần Tân

Nhằm chia sẻ những khó khăn đối với người dân vùng lũ, ngày 15-12, bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác đã đến Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Nam thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ cho đồng bào tỉnh 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã tổ chức bám địa bàn để chủ động chỉ đạo ứng phó với mưa lũ; kiên quyết ngăn không cho người dân lưu thông qua những đoạn đường ngập nước, nguy cơ cao xảy ra tai nạn; chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương tổ chức san lấp mặt bằng để thông xe trên những tuyến đường bị sạt lở; tổ chức trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.

NGẬP TỪ PHỐ LÊN HUYỆN

Đến tối 15-12, các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh TT-Huế tiếp tục xả lũ điều tiết lượng nước khiến các vùng hạ du ở các huyện: Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền và TX Hương Trà ngập nặng. Hàng ngàn hộ dân ở dọc sông Bồ của các xã như: Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng An (H.Quảng Điền); Hương Toàn, Hương Phong (TX Hương Trà) bị ngập sâu trong nước. Từ chiều 15-12, tại trung tâm TP Huế, hàng chục tuyến đường như: Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Gia Thiều, Chi Lăng, Trường Chinh, Bến Nghé, Trần Quang Khải... ngập sâu từ 0,5- 0,8m. Tại các tuyến tỉnh lộ đi về các huyện, thị xã; nước lũ chia cắt, nhiều phương tiện giao thông bị ách tắc.

Đường đi các xã của H. Quảng Điền và TX Hương Trà (TT-Huế) bị nước lũ chia cắt.

Tại một số vùng thấp trũng như các xã: Phú Dương, Phú Thanh, Phú Mậu (H. Phú Vang)- nơi có vựa hoa tết lớn nhất tỉnh để phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp đến cũng bị chìm trong nước lũ. “Từ đêm 14-12 cho đến nay, hàng chục hộ dân ở các thôn Mỹ An, Lưu Khánh, Phú Khê (xã Phú Dương)  “căng mình” tát nước, đắp đê bao cứu 6,5 ha hoa cúc tết. Tuy nhiên, cho đến rạng sáng 15-12, tuyến bờ bao ở thôn Lưu Khánh bị vỡ, người trồng hoa đành “thả tay” cho nước lũ ngập trắng đồng. “Bình quân mỗi 1 ha hoa cúc được đầu tư khoảng 150 triệu đồng. Nước ngập lênh láng thế này xem như mất trắng”, ông Phan Trí Quang (thôn Lưu Khánh) buồn bã.

Các làng hoa phục vụ Tết ở H. Phú Vang bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: Hải Lan

Theo bà Lê Thị Thu Hằng- Chủ tịch UBND xã Phú Dương, tối 14-12, do nước lũ lên nhanh đã làm tình trạng sạt lở tại sông Phổ Lợi diễn ra khá mạnh, buộc phải di dời 15 hộ dân của xã  trong đêm. Hiện các hộ dân này đã được di dời lên vùng cao ở các cơ sở trường học, cơ quan và được chính quyền xã cấp các nhu yếu phẩm, nước sạch đảm bảo sinh hoạt”.

Ông Phan Thanh Hùng- Chánh văn phòng Ban PCLB & TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, hiện các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã đầy nước. Trong khi đó, cao điểm từ tối 15 đến ngày 17-12, trên địa bàn TT-Huế sẽ có mưa rất to; vì vậy theo quy luật khi các hồ chứa đã đầy thì mực nước đón bao nhiêu sẽ xả về hạ lưu bấy nhiêu. Vì vậy, người dân vùng hạ du cần phải đề phòng khi xảy ra lũ lớn.

H.Thanh – T.Tân – H.Lan

Trời mưa to cùng với việc thủy điện ở Quảng Nam xả lũ nên từ đêm 14-12, mực nước các sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tiếp tục dâng cao. Hầu hết nhân dân vùng trũng thấp đều khẩn trương dọn dẹp vật dụng trong gia đình, chuẩn bị “chạy” lũ. Các hộ dân ven sông suối, vùng đồi núi có nguy cơ xảy ra lũ quét được các địa phương vận động di dời đến nơi an toàn... Theo ghi nhận ban đầu, tính đến chiều 15-12, toàn huyện có hơn 100ha hoa màu bị thiệt hại nặng; nhiều thiết bị ao nuôi tôm ở Trường Định (xã Hòa Liên) bị nước cuốn trôi; hơn 130ha lúa vụ Đông-Xuân 2016-2017 đã gieo sạ trà đầu cùng số giống đang ngâm ủ chuẩn bị gieo tiếp trên diện tích gần 530ha bị ngập và hư hỏng. Nước lũ cũng chia cắt tuyến đường ĐH409 (đoạn qua thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến), ĐT601 (đoạn qua thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc)...

Người dân ven sông Yên phải sử dụng ghe thuyền đi lại. Ảnh: Vy Hậu

Vy Hậu

 HỘI AN: Phố đi bộ biến thành “phố đi xuồng”!

Chỉ tính từ đầu tháng 12 đến nay, Hội An đã có hai trận lụt lớn làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân, đặc biệt là người dân trong khu phố cổ. Suốt hai ngày 14 và 15–12, khu phố cổ Hội An gần như ngập chìm trong nước lụt. Những tuyến đường chính của khu phố đi bộ như Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Phúc Chu..., nhiều điểm trở thành nơi cho xuồng ghe qua lại. Các đường còn lại như Trần Phú, Lê Lợi, Châu Thượng Văn cũng có nhiều đoạn bị nước tràn qua. Các ngã tư lênh láng nước. Nước dâng cao, ngập đường phố, tràn vào nhà khiến nhiều cửa hàng kinh doanh trong phố cổ phải đóng cửa nghỉ bán.

Một hộ kinh doanh trong phố cổ trả lời phỏng vấn CTV Báo Công an TP Đà Nẵng về tình trạng ngập lụt tại thời điểm nước sắp tràn vào nhà dân.

Tại đường Bạch Đằng, tất cả các cửa hàng đều phải chở hàng hóa đi nơi khác để bảo quản, vì vị trí đường này thấp và hầu hết các nhà đều không có gác để cất hàng. Tại cửa hàng văn hóa phẩm số 61 Lê Lợi, với mực nước đã ngấp nghé vào trong nhà, ông Thông (chủ nhà) cho biết: “Nước lớn như thế này thì du khách không thể đi tham quan phố cổ, người địa phương thì phải lo phòng chống lũ lụt nên việc buôn bán phải trì trệ ít nhất cũng một tuần mới có thể ổn định lại được. Hoặc cũng có thể lâu hơn.”.

Nước sông Hoài dâng cao, xâm thực vào khu vực Chùa Cầu. Ảnh: Phương Dung

Được biết, UBND TP Hội An cùng với UBND P.Minh An (thuộc khu phố cổ) đã có thông báo liên tục trong hai ngày 14, 15-12 đến người dân khu phố cổ về mực nước và mức độ nguy hiểm của nó. Chính vì thế, công tác chuẩn bị phòng, tránh, giảm tối thiểu các thiệt hại do nước lụt gây ra được người dân triển khai thực hiện một cách khá chủ động. Chia sẻ về điều này, ông Thông nói: “Mười bảy nước nhảy lên bờ mà. Trăng lên thì nước lớn. Ông bà mình ngày xưa nói không sai đâu” (Trận lụt này đúng vào ngày 16 và 17 âm lịch).

Dịch vụ đưa du khách tham quan Hội An trong những ngày lụt.

Nguyên nhân dẫn đến ngập lụt ở Hội An chủ yếu là do thời tiết theo mùa, cộng với việc xả  lũ trên các thủy điện ở thượng nguồn. Nhưng sự lý giải của ông Thông đã phần nào cho thấy, thái độ bình tĩnh của người Hội An trong khi xử lý các tình huống khó khăn, cấp bách do thời tiết, thiên tai đem đến. Và thú vị hơn, trong những ngày nước lũ dâng lên như thế này, người dân địa phương lại có những dịch vụ mới lạ để phục vụ khách du lịch. Chèo ghe dạo phố cổ là một ví dụ điển hình. Tại ngã ba giao nhau giữa hai đường Châu Thượng Văn – Trần Phú, ngã ba Lê Lợi – Trần Phú, chân chùa Cầu, mỗi điểm có hơn 10 chiếc ghe phục vụ người dân địa phương đi lại và đón chào khách đi tham quan phố cổ. Ông Trần Thơm (37 tuổi, người Hội An) làm công việc chèo ghe, nói: “Khách đi ghe ngoài một phần là người từ phố cổ về nhà bên An Hội, còn lại đều là những người thích khám phá, trải nghiệm, chụp hình. Chúng tôi trang bị áo phao để đảm bảo an toàn cho khách”. Pat, một du khách đến từ Australia, khá hứng thú với hiện tượng nước lụt tại Hội An cũng nói: “Dù hơi ẩm ướt nhưng Hội An những ngày này rất đẹp. Tôi rất thích cùng bạn bè đi dạo và ngắm nhìn khung cảnh nơi đây”.

Mặc dù người dân Hội An đã có biện pháp chủ động đối phó với lũ lụt, tuy nhiên, với tình trạng nước ngâm lâu trong phố cổ, việc bảo tồn các di tích cũng gặp phải những vấn đề khó khăn. Ông Trần Văn An (Phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An) cho biết: “Lũ lụt là một trong những tác nhân hàng đầu gây ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến nhà cổ. Các di tích có nguy cơ xuống cấp nhanh hơn. Việc phòng chống lũ lụt cần phải có sự góp sức tổng lực toàn thành phố cùng đối phó, tuy vậy, biện pháp phòng tránh hữu hiệu nhất chỉ có thể là vận động chủ nhà tự ứng biến trước tình hình lũ lụt đang diễn ra”.

Phương Dung