Hàng rong - nét duyên phố Hội
(Cadn.com.vn) - Du khách thập phương ghé đến TP Hội An (Quảng Nam) thường khó cưỡng lại sức hấp dẫn của những gánh, những xe hàng rong. Ai đó nói rằng, chính hàng rong đã tôn lên vẻ quyến rũ của đô thị cổ kính này. Nhưng nói vậy vẫn chưa đủ, bởi trong mỗi gánh, mỗi xe hàng rong, nhiều thứ hàng hóa, đồ ăn, thức uống còn là tinh hoa văn hóa, ẩm thực các làng nghề xứ Quảng. Nhà văn Nguyên Ngọc thì nói với chúng tôi rằng, hàng rong đã biến những thứ dân dã trở nên sang trọng!
Một gánh hàng rong trên phố Hội An. |
Hiếm có người Hội An nào lại không biết đến tiếng rao của ông Lê Văn Bất, quê ở Cẩm Thanh (TP Hội An) với chiếc xe đạp cũ, hằng ngày đi qua khắp các ngõ phố. Ở tuổi 61, ông Bất đã hơn 18 năm gắn bó với nghề bán hàng rong như thế. Một cái giỏ buộc ở yên sau xe đạp, bên trong đựng ít bánh chưng, ít chả lụa và bắp nếp Cẩm Nam, đều đặn mỗi ngày, ông đi từ xứ dừa nước Cẩm Thanh, qua Cẩm Châu, dọc hết những con phố cổ, rồi lại qua khắp các ngả đường ven đô. Ông kể: "Ngày nào cũng vậy, tôi bắt đầu đi bán từ đầu giờ chiều, mãi đến khuya mới về, có khi đến tận 1, 2 giờ sáng. Bắp thì tôi mới bán mấy năm gần đây thôi, còn bánh chưng với chả lụa thì cũng đến mười mấy năm rồi". Dáng người nhỏ nhắn, nhưng tiếng rao "chưng, chả đây" của ông Lê Văn Bất vang vọng khắp các hẻm, ngõ. Người Hội An, đặc biệt là trẻ nhỏ, chờ đợi tiếng rao của ông trong sự háo hức về những thức quà giản dị đã tồn tại rất lâu trong đời sống.
Trong đời sống ẩm thực phong phú nơi phố cổ, cũng là thiếu sót nếu không nhắc đến những gánh chè đậu ván, đậu hũ, tàu phớ của các bà, các chị. Chị Nguyễn Thị Lý, 34 tuổi, một người phụ nữ làm công việc bán đậu hũ đã hơn 10 năm chia sẻ: "Nghề này là tôi học lại từ bà. Bà tôi bán đậu hũ cũng mấy mươi năm. Tuy có cực, nhưng quen rồi, đi bán rong trên phố thấy mình tự do lắm". Một ngày của chị Lý bắt đầu từ trước 4 giờ sáng, đi xay bột đậu nành (đã ngâm từ đêm hôm trước), nấu đậu, nấu đường bát, cào gừng, giã nhuyễn, rồi cho vào đường rim tiếp cho keo lại... Chị Lý gánh đậu hũ ngang qua phố, khách có ăn thì chị ngừng lại, dăm ba câu chuyện trò, khách ăn xong thì lại gánh đi. Mỗi ngày chừng 3 kg đậu, nhịp nhàng, đều đặn, gánh đậu hũ của chị và của nhiều bà, nhiều chị khác đã trở nên thân thuộc, không thể thiếu ở Hội An...
Những xe, những gánh hàng rong trở thành một phần không thể thiếu của phố cổ, họ thầm lặng, không cần ai nhớ tên tuổi, chỉ cần được chờ đợi tiếng rao và món ăn họ đem đến. "Mì chả, mà chỉ đây"! Khách bốn phương về Hội An, không thể nhớ tên người bán bánh mì dạo trên phố, nhưng điều gì khiến họ sẵn sàng đứng cả nửa giờ đồng hồ để chờ người đàn ông ấy tất tả chạy đi lấy thêm bánh mì khi đã bán hết? Đó chính là cái cách mà ông ấy đối đãi, giao thiệp với khách, như bất kì một người buôn bán nào ở Hội An. Trao đổi với chúng tôi, nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ: "Hàng rong có trước chợ, nó hình thành do nhu cầu của đời sống. Ở Hội An, những món ăn dân dã lại trở nên vô cùng sang trọng, như cao lầu chẳng hạn, nhưng thường thì ăn ở hàng gánh mới ngon. Bạn tôi, có người đến Hội An, chờ đến 2 giờ chiều để ăn một tô cao lầu của bà Bé, gánh từ Trà Quế sang phố. Cao lầu của bà rất ngon, nhưng chỉ bán đúng khung giờ ấy". Kỳ thực, những thương hiệu ẩm thực ở Hội An thường không phải là các nhà hàng sang trọng, mà là những tiệm ăn nhỏ, những gánh, thúng. Người sành ăn, biết cách ăn ngon sẽ đi tìm những thương hiệu ấy, có khi là cả một hành trình. Cùng với gánh cao lầu, gánh chè đậu ván, gánh xí mà, văn hóa hàng rong ở Hội An cũng tương tự như văn hóa "cà phê hiên" ở Pháp, chúng thực sự trở thành thương hiệu, nổi tiếng khắp thế giới.
Trong sự phát triển không ngừng của ngành "công nghiệp không khói bụi", nhu cầu của con người tăng lên, đòi hỏi nguồn "cung" phải đáp ứng, thì vài gánh hàng rong thong thả trên phố cũng khó lòng phục vụ hết cả người dân địa phương lẫn khách du lịch. Và ranh giới giữa bán hàng rong đúng nghĩa với những hàng hóa phục vụ du lịch trên vỉa hè cũng thật sự rất mong manh. Nếu như ngày xưa, bán hàng rong là bán các thức quà quê như bún trộn, chè đậu xanh, bánh bèo, bánh đúc, thì bây giờ xuất hiện thêm các loại hình hàng hóa như chim tre, gậy chụp hình, rồi các hàng xăm trổ cũng được bày ra tràn lan trên vỉa hè, chỗ vốn dành cho người đi bộ. Nhưng dù là buôn bán gì, thì quan trọng nhất chính là cách đối nhân xử thế. Điều gì ở Hội An cũng là văn hóa, mà văn hóa chính là những thứ được tích tồn, chắt lọc qua hàng thế kỷ trước, văn hóa là con người. Vậy nên, việc giữ lại hàng rong trong "bảo tàng sống" này phải là giữ lại món ăn của phố, giữ lại cung cách ứng xử, giao thiệp của con người, như một "bảo vật", chứ không phải chỉ là giữ lại một hình thức buôn bán mang tên "hàng rong".
Phương Dung
UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) cho biết kể từ ngày 1-1-2017, hàng rong ở phố cổ sẽ được sắp xếp lại không gian buôn bán tập trung. Theo ông Nguyễn Chí Trung-Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An thì buôn bán hàng rong từ xưa đã trở thành một nét đẹp bình dị, tô điểm cho không gian văn hóa truyền thống của phố cổ Hội An. Tuy nhiên, thời gian gần đây, rất nhiều du khách phản ánh về một số hành vi của người buôn bán gây phiền toái như chèo kéo, bày bán hàng hóa lộn xộn, nhếch nhác. Từ bức xúc này, thành phố nghiên cứu đề án bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ. Theo đó bán hàng rong sẽ được sắp xếp vào một khu vực nhất định, xóa bỏ tình trạng buôn bán bát nháo như trước đây. Các hộ kinh doanh hàng rong sẽ được chỉ định đúng vị trí, phạm vi buôn bán của mình và chịu sự quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, UBND thành phố Hội An sẽ kiên quyết dẹp bỏ những hàng rong bán các loại đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc, tranh 3D và nhiều hàng hóa không phù hợp với phố cổ, khuyến khích những mặt hàng truyền thống của địa phương. H.A |