Hàng rong ở Huế răng nhiều rứa?
(Cadn.com.vn) - Từ khắp chốn vùng quê Nam Trung Bộ, họ đến với Huế mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, nhập với hàng rong bản địa tạo nên một đội ngũ hàng rong đông đảo...
Hành phương Bắc
Nhiều người, khi tản bộ quanh công viên Kim Đồng, các đường Bà Triệu, Phạm Văn Đồng, Hùng Vương, Hà Nội, các chùa Từ Hiếu, Báo Quốc... không khỏi thốt lên câu cảm thán ấy. Quả thật, hàng rong ở Huế nhiều không thể đếm xuể, và gây cho du khách những khó chịu nhất định.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo (41 tuổi, quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), mỗi người bán hàng rong như bà thường mang trên vai một cái giá bằng gỗ, treo lỉnh kỉnh mắt kính, bật lửa, đế lót giày, đồ chơi, linh kiện điện thoại di động... các loại hàng này lấy hàng từ những cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm bán dạo ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng du nhập từ TPHCM. "Chị em Quảng Ngãi ra Huế làm nghề ni nhiều lắm, bạ đâu ăn đó, chỉ buổi tối mới về thuê trọ ở gần chợ An Cựu với giá tiền phòng 7 ngàn/người/buổi để ngủ. Sáng ra lại đi bán. Buôn có bạn, bán có phường, hàng xóm thấy tui bán hàng có đồng ra đồng vào xin theo, tạo thành những nhóm hàng rong giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Mỗi năm chỉ về quê được một dịp đó là Tết nguyên đán. Nhiều nhóm lắm, gọi chung thì có nhóm Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam", gọi riêng thì có Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Núi Thành...", bà Thảo cho biết.
![]() ![]() |
Khi gặp phải những khách hàng khó tính, người bán hàng rong phải kiên nhẫn và chấp nhận... mềm mỏng. |
Theo chị Bùi Chút (Phổ Cường, H. Đức Phổ, Quảng Ngãi), nếu như các đồng hương vào Nam thường bám vào các nghề vé số, mì gõ, hủ tiếu... thì những người hành phương Bắc bám vào giá hàng rong. "Huế tập trung sinh viên, khách du lịch, nên những mặt hàng bấm móng tay, mắt kính, lót giày... bán rất chạy. Trong Nam tập trung đông công nhân, lao động tự do, nên bán mặt hàng ăn thuận lợi", chị Chút lý giải.
Hỏi những người bán hàng rong như chị có biết khách khó chịu khi bị chèo kéo, đeo bám không, chị Chút thanh minh: "Cũng tùy người, không phải ai cũng có... kỹ năng bu bám. Như tui, mời tới tiếng thứ hai mà khách không mua thì thôi, nhưng tụi tôi cũng bị quấy rầy không ít".
Lòng nhớ phương Nam
Dưới bóng cây đại thụ trong công viên bên sông Hương, mấy người bán hàng tụ tập lại nói chuyện với nhau. Bà thì kể là hôm nay bán được vài trăm, ông thì bán được vài chục ngàn, có bà không bán được thì ngồi buồn rầu chả nói câu nào. Người hành nghề bán hàng rong gặp cũng không ít chuyện dở khóc, dở cười. Nhiều lúc gặp những người mua khó tính, xem hết hàng này đến hàng khác nhưng chẳng mua cái nào. Hàng hóa vì thế mà cũ đi nhiều đâm ra khách nghi là hàng cũ nên rất khó bán, còn có trường hợp bị cướp giật mất túi hàng.
Anh Nguyễn Tý (39 tuổi) quê ở H. Núi Thành (Quảng Nam) trải lòng: "Như bọn tui còn đỡ, những chị em làm nghề bán hàng rong phải chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều chị em đi bán hàng bị lừa tiền, giật tiền, đời nghèo lại còn gặp eo nữa mới đau! Nhiều khi bị xe đi đường đụng phải, cả gánh hàng tròng trành và đổ ụp xuống đường. Có người phải đi nhà thương điều trị gần tháng trời mới khỏi...".
![]() ![]() |
Những giây phút tụ tập, nghỉ ngơi hiếm hoi của những nhóm hàng rong. |
Chị Nguyễn Thị Len (36 tuổi) người H. An Lão (Bình Định) lân la từ tỉnh này qua tỉnh khác, cuối cùng chị cũng chọn Huế làm điểm dừng chân, bám trụ đã 1 năm tròn. Mỗi ngày, chị đi bộ gần 20 cây số. "Khổ lắm. Một ngày nếu bán được hàng thì cũng lời dăm bảy chục ngàn, nhưng cũng không đủ trang trải tiền phòng trọ, tiền ăn, tiền nước rồi cả tiền gửi về cho gia đình. Nhiều đêm trái gió trở trời, nằm trơ trọi một mình trong góc phòng vắng không có ai chăm sóc. Lúc đó chỉ muốn bỏ hết việc để về với chồng với con. Nhưng nghĩ lại nếu mình về thì gia đình sẽ mất đi một nguồn thu nhập. Thế là sáng hôm sau lại phải gắng gượng dậy ăn tạm ổ bánh mì rồi tiếp tục công việc nhọc nhằn", chị Len kể...
Dẫu biết là nhiều rủi ro, nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo họ vẫn chấp nhận rong ruổi khắp Huế, vẫn lặng lẽ ngày ngày đi về trên khắp mọi hang cùng ngõ hẻm của đất cố đô. Những ngày cận Tết, bước chân mỗi người dường như hối hả hơn và cũng trở nên... thanh thoát hơn. "Nghĩ đến ngày Tết đoàn tụ gia đình, mình có động lực để phấn đấu, đi không biết mệt", anh Lý dí dỏm. Hỏi sao không chọn Đà Nẵng cho gần, anh Tý nhướng mắt: "Ai có chỗ đó, người cũ chật rồi. Hơn nữa Đà Nẵng cấm bán hàng rong nhiều tuyến đường, lớ phớ bị quy tắc đô thị đuổi, thu hàng, thôi thì đi xa một chút nhưng chắc".
Nói đoạn, anh Tý thảy thọt bươn bả theo một nhóm khách Hà Nội vừa xuất hiện ở đầu đoạn đường Lê Lợi.
Trần Thanh Tuyền