Hàng trăm người dân chặt phá rừng trái phép tại Gia Lai

Thứ hai, 25/01/2016 09:44

Sự việc được báo trước?

(Cadn.com.vn) - Sáng 11-1, nhân viên Trạm bảo vệ rừng tại Tiểu khu 1028 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Chư Sê (Gia Lai) phát hiện nhiều người dân ở 2 làng Phăm Klăh 1, Phăm Klăh 2 (xã Bar Maih, H. Chư Sê) tập trung trước cửa rừng. Tiếp sau đó, có hàng trăm người cùng kéo vào khu vực rừng đang trồng cây sao thuộc lâm phần của BQL RPH Chư Sê đốn hạ hàng nghìn cây sao. Mặc dù phát hiện và báo cáo các cơ quan chức năng cấp trên kịp thời nhưng do lực lượng nhân viên BQL RPH Chư Sê ít nên đành bất lực trước hành động của người dân địa phương.

Tại Tiểu khu 1028, cả cánh rừng trồng sao 12 năm tuổi với đường kính khoảng 20cm bị đốn hạ nằm ngổn ngang, những gốc to hơn chưa kịp đốn hạ thì bị người dân đẽo quanh gốc để cho cây chết dần. Bên cạnh những khoảnh rừng sao mới bị chặt thì nhiều khu vực khác đã bị chặt hạ và đốt cháy trước đó. Theo báo cáo của BQL RPH Chư Sê, thời điểm trên có khoảng 280 người dân của làng Phăm Klăh 1 và Phăm Klăh 2 vào rừng sao chặt phá rừng trái phép. Sự việc chỉ được ngăn chặn khi chính quyền địa phương huy động các lực lượng chức năng của xã, huyện vào hiện trường can thiệp. Đến gần 16 giờ ngày 11-1, người dân mới chịu ra khỏi rừng, sau khi đã chặt phá, đốn hạ 9,64 ha với hơn 4.400 gốc cây sao.

Điều đáng nói, sự việc hàng trăm người dân đổ xô chặt phá rừng dường như đã được “báo trước” nhưng chính quyền địa phương đã không có biện pháp giải quyết dứt điểm. Cụ thể, vào ngày 8-1, BQL RPH Chư Sê triển khai đào ranh giới bảo vệ rừng kết hợp phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời hạn chế tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng trồng sao tại Tiểu khu 1028 thì người dân ở 2 làng Phăm Klăh 1, Phăm Klăh 2 ra ngăn cản. “Khi mới đào được vài trăm mét thì người dân ra không cho với lý do đồng bào thiếu đất sản xuất. Sau đó, chúng tôi tổ chức họp dân nhưng bà con vẫn phản ứng vì sao đất rừng giao theo dự án trồng cao su mà người ta lại trồng hồ tiêu. Và đến ngày 11-1 thì xảy ra sự việc”, ông Phan Văn Trí, Phó BQL RPH Chư Sê cho biết.

Khu vực đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trồng cà-phê.

Lợi ích của ai?

Việc chặt phá gần 10ha rừng với sự tham gia của hàng trăm người dân chưa từng xảy ra tại Gia Lai từ trước đến nay. Nguyên nhân ban đầu được BQL RPH Chư Sê xác định là do, khi giao đất rừng dự án trồng cao su cho người dân (đa phần là người ngoài xã, người của BQL RPH) lại chuyển đổi sang trồng hồ tiêu và cây công nghiệp khác nên người dân ở 2 làng bức xúc.

Theo BQL RPH Chư Sê, năm 2007, Dự án 135 trồng 95ha cây cao su trên đất lâm nghiệp không có rừng được triển khai với 14 hộ nhận khoán trong thời gian 30 năm, hộ nhiều nhất gần 10ha, hộ ít thì vài héc-ta. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều hộ nhận khoán đã sang nhượng thành 21 hộ và nhiều hộ tự ý chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Tại diện tích đất nhận giao khoán, nhiều cây tiêu, cà-phê đã trồng 2-3 năm nay nhưng BQL RPH Chư Sê không có động thái xử lý nào. Điều này trái với Nghị định 135 của Chính phủ “Về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh”. Và điều đó trở thành nguyên do dẫn đến những bức xúc bộc phát của người dân địa phương... Bên cạnh đó, một lý do khác mà người dân đưa ra là việc giao đất của BQL RPH thiếu công bằng khi 14 hộ nhận khoán ban đầu thì đã có đến 8 hộ là cán bộ làm việc tại BQL RPH Chư Sê hoặc có người nhà làm tại đây. Không những thế, một số hộ dân còn “lách luật” khi sang nhượng cho những người khác với hình thức “chuyển trả” phần đất đã nhận khoán. Trong khi đó, người dân bản địa lại không được canh tác một diện tích nào...

Khu vực trồng rừng sao tiểu khu 1028 bị người dân chặt phá.

Tuy nhiên, lý giải về vấn đề này, ông Phan Văn Trí cho rằng, khi triển khai dự án, BQL đã tuyên truyền và vận động người dân nhận khoán rừng để trồng cao su nhưng người dân nói rừng tới 7 năm mới thu nhập thì sợ không theo nổi. Hơn nữa người dân còn đòi phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để họ thế chấp vay vốn ngân hàng thì mới nhận khoán...

Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nhưng có thể thấy việc hàng trăm người dân ồ ạt phá gần 10ha rừng trồng đã gây bất ổn về tình hình ANTT tại địa phương. Song, cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến sự việc trên có một phần trách nhiệm thuộc về BQL RPH Chư Sê và cả chính quyền địa phương khi để xảy ra nhiều vi phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng không xử lý dứt điểm dẫn đến vụ việc trên.

M.T