Hàng trăm tiểu thương yêu cầu UBND TP Tam Kỳ hợp nhất chợ
(Cadn.com.vn) - Sáng 27-11, hàng trăm tiểu thương chợ Tam Kỳ (Quảng Nam) kéo đến UBND TP Tam Kỳ yêu cầu di dời toàn bộ tiểu thương ở chợ tạm An Sơn về chợ Tam Kỳ. Theo phản ánh của tiểu thương, chợ Tam Kỳ là chợ truyền thống nên việc buôn bán phải có bạn, có phường nhưng BQL chợ Tam Kỳ chỉ đưa các hộ kinh doanh quần áo, mỹ phẩm về đây, còn những người buôn bán thịt cá, rau quả vẫn ở lại chợ tạm nên tiểu thương về trước không thể buôn bán được vì ế khách.
Tiểu thương chợ Tam Kỳ phản ánh những khó khăn trong kinh doanh |
Chợ mới rộng, đẹp nhưng... ế
Chợ Tam Kỳ sau 2 năm nâng cấp với tổng mức đầu tư hơn 79 tỷ đồng đã chính thức đưa vào sử dụng khoảng 2 tháng nay. Chợ gồm 3 tầng với hơn 500 điểm kinh doanh và 2 khu dịch vụ ngoài trời. Thế nhưng, do chỉ mới giải quyết cho những hộ kinh doanh quần áo, mỹ phẩm về buôn bán trước nên hiện tầng 3 và khu vực hành lang quanh chợ vẫn để trống. Từ khi được về chợ mới buôn bán đến nay, những hộ kinh doanh quần áo, mỹ phẩm luôn đối mặt với tình trạng buôn bán ế ẩm kéo dài nên các tiểu thương đồng loạt đóng cửa khiến chợ Tam Kỳ trở nên vắng vẻ.
Chị Hà (chủ cửa hàng mỹ phẩm) cho biết: "Trước đây khi chợ khởi công xây dựng ai cũng vui mừng vì bao nhiêu năm nay chúng tôi phải chịu cảnh trên nắng dưới mưa rất vất vả. Lúc dời về chợ tạm An Sơn buôn bán cũng có đôi chút khó khăn nhưng trải qua 2 năm mọi việc cũng đã bắt đầu ổn định. Thế nhưng, 2 tháng nay chợ mới hoàn thành lại chỉ cho một số mặt hàng được về chợ mới, những mặt hàng nhu yếu phẩm thịt cá vẫn ở lại chợ tạm. Chợ chia ra làm 2 như thế làm sao mà buôn bán được". Tương tự, một số tiểu thương cho biết đa phần người dân đi chợ là để mua thực phẩm, thuận tiện họ sẽ ghé sang các cửa hàng quần áo mỹ phẩm. Nếu chia tách chợ ra vậy khách hàng không thể ghé hai nơi mua sắm vì mất thời gian hơn nữa lại ngược đường, rất nhiều tiểu thương mất khách hàng là vì vậy.
Chị Trâm (chủ cửa hàng vải) bức xúc: "Để về chợ mới Tam Kỳ tiểu thương chúng tôi phải vay mượn khắp nơi để đóng tiền ki-ốt trong vòng 3 năm. Thế nhưng gần 2 tháng nay hầu như không có khách. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với BQL chợ nhưng chưa được giải quyết, chúng tôi không thể đợi được trong khi nỗi lo cơm áo gạo tiền ở trước mắt...". Đa số các tiểu thương đều cho rằng chợ ở Tam Kỳ là chợ truyền thống, phải có đủ các mặt hàng lớn nhỏ mới có thể dựa vào nhau tồn tại. Nếu chỉ bán các mặt hàng cao cấp, quần áo, mỹ phẩm thì người dân lao động không muốn vào mà sẽ chuyển sang các chợ lân cận.
Chợ Tam Kỳ mới được nâng cấp và đưa vào sử dụng. |
Sẽ giải quyết dứt điểm
Trước sự bức xúc của hàng trăm tiểu thương, ngay trong sáng 27-11, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, ông Trần Nam Hưng, đã trực tiếp gặp và lắng nghe ý kiến của người dân. Tại buổi làm việc, ông Hưng đã yêu cầu BQL chợ Tam Kỳ giải trình cụ thể hướng giải quyết sự việc cho tiểu thương rõ. Ông Hưng nói: "Mục đích xây dựng chợ Tam Kỳ nhằm nâng cao đời sống của người dân, thay đổi bộ mặt của thành phố. Tuy nhiên, nếu vì một số lý do khiến chợ không đông, các hộ buôn bán ế ẩm, UBND TP Tam Kỳ sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất để đưa chợ đi vào hoạt động ổn định".
Lý giải về nguyên nhân các mặt hàng kinh doanh thịt cá, hoa quả chưa được dời về chợ mới, ông Nguyễn Văn Duyên (Phó BQL chợ Tam Kỳ) cho biết: "Đây là sự chậm trễ của BQL, chúng tôi xin hứa trong vòng 10 ngày sẽ đưa tất cả các hộ còn lại về tại chợ mới".
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ bất cập trong việc đưa các hộ kinh doanh về lại chợ Tam Kỳ buôn bán mà cách bố trí vị trí kinh doanh của các ngành hàng trong chợ cũng còn nhiều bất cập. Trong khi diện tích tầng 1 còn dôi thừa nhiều lại được dùng để giữ xe, làm kho hàng thì hàng gạo lại đưa lên cùng tầng với quần áo, mỹ phẩm. Vấn đề này tiểu thương chợ Tam Kỳ đã nhiều lần phản ánh nhưng cũng chưa được giải quyết. Một bất cập khác, nếu các hộ buôn bán thịt cá, hoa quả về lại chợ mới thì họ phải bán trên lề bởi chợ mới không có thiết kế dành cho những mặt hàng này. Các tiểu thương cũng quả quyết rằng nếu trong vòng 10 ngày tới BQL vẫn chưa giải quyết xong chuyện hợp nhất chợ thì họ sẽ đòi lại số tiền thuê mặt bằng để tìm hướng kinh doanh khác.
Hà Dung