Hàng triệu khối bùn "uy hiếp" môi trường ở Chân Mây
Hàng loạt dự án (DA) triển khai đầu tư vào khu vực Chân Mây (H.Phú Lộc, TT-Huế) đều có chủ trương xin đổ hàng triệu khối bùn thải vào bờ. Các DA "ồ ạt" triển khai khiến người dân lo ngại rồi đây khu vực Chân Mây sẽ trở thành "túi" đựng bùn thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và khách du lịch.
Sau một vài trận mưa, bùn thải ở khu vực Chân Mây gây ngập úng cục bộ khiến môi trường nhếch nhác. |
Người dân mong chờ câu trả lời
DA Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 1với tổng mức đầu tư hơn 765 tỷ đồng do Ban Quản lý khu Kinh tế, Công nghiệp (BQL KKT-CN) tỉnh TT- Huế làm chủ đầu tư. Toàn bộ phần thi công xây dựng do Liên danh 6 nhà thầu đảm nhận đã triển khai đổ gần 1 triệu mét khối bùn thải tập kết trên khu đất rộng khoảng 42 ha dọc tuyến đường vào cảng Chân Mây chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hệ thống lưới điện, ngập úng cục bộ... Sau khi người dân phản ánh việc tập kết bùn thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến tôm nuôi chết, UBND xã Lộc Vĩnh đã yêu cầu chủ đầu tư dừng lại hạng mục này.
Ông Nguyễn Ngọc Chính, trưởng thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh cho biết, trong quá trình thực hiện DA Đê chắn sóng cảng Chân Mây, các nhà thầu đã hút bùn nhiễm mặn từ đáy biển đổ vào đất liền, tập kết tại bãi thải bùn thuộc khu vực lưu thông hàng hóa cảng Chân Mây để xử lý. "Bùn non tràn ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản, số hồ nuôi tôm của hàng chục hộ dân vừa rồi đều thất thu"- ông Chính nói. Kể từ khi người dân phản ánh, từ cuối tháng 6-2018 đến nay, hiện trường hạng mục nạo hút bùn của DA Đê chắn sóng vẫn "án binh bất động". Ở bãi tập kết nhiều điểm bùn vẫn còn sình lầy, sau những trận mưa lớn giữa tháng 10 vừa qua, bùn đất tràn lên đường.
Ông Nguyễn Xuân Bảo-Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, đợt tiếp xúc cử tri mới đây; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và người dân địa phương đã yêu cầu BQL KKT- CN tỉnh sớm kiểm tra, trả lời nguyên nhân tôm chết do ô nhiễm hay dịch bệnh. "Tuy nhiên, đến nay đã gần 4 tháng trôi qua nhưng người dân vẫn đang mỏi mòn chờ câu trả lời và nguyên nhân tôm chết vẫn chưa xác định"- ông Bảo thông tin. Theo ông Tôn Thất Viễn Điểm, Giám đốc Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng KKT- CN tỉnh TT-Huế, DA Đê chắn sóng cảng Chân Mây được thực hiện trong vòng 3 năm. Trước đây, có phương án đổ bùn ra biển nhưng vì "nhạy cảm" nên đơn vị đã quy hoạch bãi thải đổ bùn ở phía đất liền để tận dụng san lấp mặt bằng khu kho bãi ở cảng Chân Mây.
Xin nhấn chìm 800.000 khối bùn thải xuống biển
Ở vùng biển Chân Mây, H.Phú Lộc cùng lúc đang triển khai thi công 3 DA, mỗi DA dự kiến phải nạo vét khoảng gần 1 triệu khối bùn thải, với 3 DA có khoảng trên 3 triệu khối, trong khi ở khu vực Chân Mây- Lăng Cô vẫn chưa có quy hoạch bãi tập kết bùn thải, đất thải. DA Bến số 2 - cảng Chân Mây đang trong quá trình thi công với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. DA dự kiến hút khoảng 800 ngàn khối bùn thải. Phương án xử lý cũng bằng cách xây bờ kè cao khoảng 2,5m trên diện tích 3ha ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 sẽ mở rộng lên 10ha. Sau đó, sẽ cho hút bùn vào bờ bao rồi xử lý bằng phụ gia và lớp chống thấm khi bùn khô sẽ làm bãi lưu thông hàng hóa. DA Bến số 3- cảng Chân Mây có chiều dài 270m với tổng mức đầu tư gần 850 tỷ đồng do Cty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2019. Theo thiết kế, bến số 3 đang xây dựng có quy mô 13 ha, trong đó, diện tích bến bãi hơn 10 ha và 3 ha khu mặt nước. Việc xây dựng bến số 3 nhằm hỗ trợ giảm tải cho bến số 1 và nhằm đáp ứng lượng hàng hóa bằng đường biển gia tăng trên địa bàn tỉnh. Theo đại diện Cty TNHH MTV Hào Hưng Huế cho biết: DA bến số 3, dự kiến nạo hút đưa lên bờ hơn 1,2 triệu khối bùn. Ban đầu nhà đầu tư dự kiến hút khoảng 500 khối bùn để tôn tạo bến cảng làm bãi lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, qua khảo sát địa chất trong khu vực độ sâu âm 24m mới có cát, những hạng mục thi công ở độ sâu từ 12-14m lại toàn bùn nhão, lỏng không thể xử lý nên không thể sử dụng được. Hiện, DA Bến số 3 chậm tiến độ so với cam kết và UBND tỉnh TT-Huế đang yêu cầu nhà đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ.
Mới đây, Ban Quản lý KKT- CN tỉnh TT-Huế đã cho phép nhà đầu tư Bến số 3 Chân Mây đổ thải vào khu đất ở gần cầu Mỹ Vân (xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc), cách cầu cảng khoảng 2-3 km, trên diện tích khoảng 27 ha. Tuy nhiên, với diện tích này cũng chỉ đổ được khoảng hơn 450.000 khối bùn. Ngày 22-10, UBND tỉnh TT-Huế cho biết, vừa nhận được văn bản từ Cty TNHH Hào Hưng Huế xin nhấn chìm khoảng 800.000m3 vật liệu nạo vét bùn cát xuống biển, do loại vật thải cảng biển này nhiều tháng nay không biết đổ đi đâu. Doanh nghiệp cũng vừa gửi văn bản liên quan đề nghị này tới Bộ TN&MT, với vị trí xin nhấn chìm cách bờ khoảng 3km. Một cán bộ của Chi cục Tài nguyên Môi trường (Sở TN & MT tỉnh TT-Huế) cho biết: phương án để xin nhấn chìm gần 1 triệu khối bùn thải ngoài biển không chỉ có sự đồng ý của địa phương mà phải có ý kiến chấp thuận của Bộ TN&MT, phải xin Bản đồ Hải quân để xác định vị trí cần nhấn chìm. Và muốn chọn vị trí đổ bùn thải thì phải thuê chuyên gia, nhà khoa học điều tra, khảo sát, lặn xuống xem đáy biển có gì và chỉ có bùn, cát không thì mới được đổ. Kết quả cũng nên công khai cho người dân biết. Cũng theo cán bộ này, nếu phương án xin nhấn chìm số lượng bùn thải trên xuống biển không được thì chắc chắn số bùn "khổng lồ" này cũng sẽ được tập kết ở khu Chân Mây.
H.LAN