Hàng vạn người dân Nam Bộ di dời tránh bão số 16

Thứ ba, 26/12/2017 06:58

Ngày 25-12, trước tình hình khẩn cấp do bão Tembin – bão số 16 ảnh hưởng đến các tỉnh phía Nam, các tỉnh Sóc Trăng,Tiền Giang, Cần Thơ,Vũng Tàu, Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang đã và đang nỗ lực tổ chức các hoạt động phòng chống bão. Cùng ngày, đoàn  công tác Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và hàng vạn người dân ở các tỉnh phía Nam đã triển khai hàng loạt biện pháp chủ động ứng phó với bão số 16. Riêng tại Cà Mau, đến tối 25-12 số người dân trong kế hoạch di dời vào nơi tránh trú bão an toàn đã nâng lên 126.300 người, tăng hơn so với kế hoạch vào sáng 25-12 là 98.000. Tại Long An đến 17 giờ ngày 25-12 đã di dời an toàn hơn 1.300 người dân.

Đoàn công tác Chính phủ kiểm tra công tác phòng chống bão số 16 tại Bạc Liêu.

Chiều 25-12, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 16 tại tỉnh Bạc Liêu.Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bão số 16 được nhận định là rất nguy hiểm, khả năng gió rất mạnh, kèm theo mưa to, triều cường dâng, trong khi người dân, cán bộ, địa phương còn nhiều hạn chế trong công tác ứng phó. Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai các công việc ứng phó theo kế hoạch một cách quyết liệt, khẩn trương, trong đó ưu tiên công tác di dân, việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cơn bão số 16 tiếp tục có xu hướng yếu dần, hoàn lưu bão gây mưa cho các tỉnh Nam Bộ. Lúc 16 giờ ngày 25-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150 km về phía Tây Bắc, khoảng 80 km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão.

Từ chiều 25-12, vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau, bao gồm cả Côn Đảo có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12. Đến 4 giờ ngày 26-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, ngay trên phía Tây Côn Đảo và vùng biển từ Trà Vinh đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h, đến 16 giờ ngày 26-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 103,4 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển Cà Mau-Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 16, Nam Bộ tiếp tục có mưa to, từ đêm 25-12, Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to, khả năng kéo dài 2-3 ngày tới. Đêm 25-12, mực nước trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận lên. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông phổ biến lên mức báo động 1 đến báo động 2, trên các sông suối nhỏ có khả năng lên mức báo động 3.

Đêm 25, ngày 26-12, do ảnh hưởng mưa kết hợp với nước biển dâng nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực Nam Bộ. Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ ở vùng trũng thấp, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, đặc biệt các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông có nguy cơ xảy ra trên các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang.

Người dân Cà Mau trú tránh bão số 16 tại nơi an toàn.

Người dân Sóc Trăng dùng bữa chiều trong lúc tránh bão.

Người dân Tiền Giang di chuyển khỏi vùng nguy hiểm từ mờ sáng 25-12.

BIÊN THÙY – TTXVN