Hành động để có trái tim khỏe

Thứ bảy, 17/09/2016 10:05

(Cadn.com.vn) - Con số được đưa ra tại một Hội nghị tim mạch của Việt Nam đã khiến nhiều người phải giật mình: cứ 3 người trưởng thành có 1 người nguy cơ mắc bệnh về tim mạch; mỗi năm các bệnh lý về tim mạch cướp đi 200.000 người, chiếm 1/4 tỷ lệ tử vong ở Việt Nam. Hội tim mạch Việt Nam dự báo, đến năm 2017, Việt Nam sẽ có 1/5 dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Đáng lưu ý, tỉ lệ tăng huyết áp ở những người trẻ từ 25 tuổi đang gia tăng, chiếm 21,5% tổng số ca mắc. Các nghiên cứu dịch tễ cũng cho thấy bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở bệnh nhân lớn tuổi.

Hãy lắng nghe tiếng nói từ trái tim

Bệnh tim mạch ít khi khởi phát một cách ngẫu nhiên và bất ngờ, mà đó là kết quả của một quá trình. Quá trình này ngắn hay dài tùy thuộc vào điều kiện cơ thể và lối sống của mỗi người. Tuy nhiên, điều đáng nói là các triệu chứng của bệnh tim mạch ở giai đoạn đầu thường không đặc trưng và rất khó nhận thấy. Cho đến khi các dấu hiệu trở nên rõ ràng và mang tính điển hình hơn thì bệnh đã bước sang giai đoạn nguy hiểm, lúc này việc điều trị phức tạp và rủi ro hơn. Chính vì vậy, một số bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng, mà tiên phong là Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng (BVHMĐN) đã thường xuyên tư vấn, khám tầm soát bệnh tim mạch miễn phí trên địa bàn và tổ chức các đoàn y bác sỹ đến với người dân vùng sâu, vùng xa khu vực miền Trung- Tây Nguyên, để giúp người dân tầm soát, phát hiện và kịp thời điều trị hiệu quả các bệnh tim mạch.

BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng tổ chức siêu âm tim miễn phí cho người cao tuổi tại Q. Thanh Khê. Ảnh: P.V

Bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở người lớn tuổi và điều đáng lo ngại là đang có chiều hướng gia tăng ở giới trẻ trong thời đại hiện nay. Song, bệnh tim mạch sẽ được kiểm soát hiệu quả nếu được chẩn đoán chính xác, phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, dù công việc bận rộn, mỗi chúng ta hãy biết lắng nghe tiếng nói từ trái tim, để chăm lo cho sức khỏe. Tiếng nói ấy đôi khi rất đơn giản, chỉ là biết lắng nghe tiếng nói từ trái tim thường gặp như khó thở, đau ngực, đánh trống ngực, ngất xỉu, tím tái... Khó thở do bệnh tim mạch thường xuất hiện khi gắng sức, nếu bệnh diễn tiến nặng hơn thì khó thở xuất hiện khi vận động nhẹ hoặc khi nghỉ ngơi. Đau ngực, nhồi máu cơ tim hoặc cơn đau thắt ngực không ổn định xảy ra khi một trong các nhánh của động mạch vành bị lấp tắc hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn…

Hưởng ứng Ngày tim mạch thế giới (29-9), BVHMĐN sẽ giúp bạn biết lắng nghe trái tim, bằng chương trình tổ chức khám tầm soát bệnh lý tim mạch miễn phí. Theo đó, kể từ ngày 10-9-2016, BVHMĐN sẽ khám tầm soát bệnh lý mạch vành, đo điện tim miễn phí đối với các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh mạch vành: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, đau thắt ngực cảm giác đau như bóp nghẹt, đè nặng, ép chặt, đau lan đến tay, vai, đau thắt ngực khi gắng sức… BV sẽ tổ chức khám tầm soát bệnh van tim, siêu âm tim miễn phí từ ngày 17-9-2016 đối với các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh van tim: cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh thường xảy ra về đêm, khó thở khi gắng sức, ho, ho ra máu, đau ngực, ngất, tím tái, rối loạn nhịp tim…

Tiếp thêm năng lượng cho cuộc sống

Chúng ta có thể hành động để có trái tim khỏe, tiếp thêm năng lượng cho cuộc sống như thông điệp của Ngày tim mạch thế giới năm nay. Chỉ cần một vài bước đơn giản đã có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể của bạn: ăn uống lành mạnh hơn, giảm thức ăn chứa nhiều chất béo, mỡ động vật, ăn nhiều chất xơ; giảm rượu và không nên hút thuốc lá; duy trì trọng lượng cơ thể; tập thể dục điều độ; không để tình trạng căng thẳng dồn nén, kéo dài; kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh tim mạch… Việc  khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng Cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số khối cơ thể (BMI), tình trạng hoạt động của tim, mạch vành...

Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ đến bệnh tim mạch thì bạn càng cần phải hành động để có một trái tim khỏe, để nạp thêm nhiều năng lượng cho cuộc sống.

Hồng Nhật